22/09/2019 19:26 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 22/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ban đầu thêm ít nhất 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để mở rộng phạm vi bảo hiểm và hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo. Hiện mới chỉ có gần một nửa trong số 7,7 tỷ người trên thế giới được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.
Trong một báo cáo do các chuyên gia của WHO phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, WHO nhấn mạnh mặc dù đạt được một số tiến bộ, nhiều bệnh nhân vẫn phải bỏ tiền túi để chi trả tiền thuốc và chi phí điều trị vốn rất tốn kém.
Tiến sĩ Peter Salama (Pi-tơ Xa-la-ma), Giám đốc WHO phụ trách vấn đề bảo hiểm y tế toàn diện, cho biết sẽ cần thêm 200 tỷ USD mỗi năm để tăng quy mô chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Ông Salama nói đây mặc dù có thể là một khoản tiền lớn, WHO tin rằng hầu hết các quốc gia có khả năng thực hiện điều này dựa trên nguồn lực trong nước. Chỉ có một số ít quốc gia cần đến hỗ trợ quốc tế để tăng cường chi phí cho chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Báo cáo cho biết mỗi năm thế giới chi khoảng 7.500 tỷ USD cho các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe. Hiện gần một nửa trong số 7,7 tỷ người trên thế giới đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, song cần phải nỗ lực để tăng gấp đôi con số này. Tuy nhiên, nếu xu hướng tăng dân số tiếp tục được duy trì, sẽ có tới 5 tỷ người không được tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe vào năm 2030, trong khi đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo thế giới hồi năm 2015 đã đặt mục tiêu về đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu.
Báo cáo cho hay khoảng 925 triệu người chi hơn 10% thu nhập hộ gia đình của họ cho chăm sóc sức khỏe, trong đó có 200 triệu người chi hơn 25% thu nhập. Bà Francesca Colombo (Phrăng-xe-xca Cô-lôm-bô), người đứng đầu bộ phận y tế của OECD, cho biết ngày càng nhiều người có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo do phải chi tiêu nhiều cho y tế. Ngay cả các nước thu nhập cao cũng ghi nhận sự gia tăng về tỷ trọng và số người phải dành phần lớn ngân sách hộ gia đình cho các vấn đề sức khỏe.
Theo ông Muhammad Pate (Mu-ha-mát Pết), Giám đốc phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại WB, chăm sóc sức khỏe ban đầu phải bao gồm quyền tiếp cận các loại thuốc thiết yếu cho các bệnh như tiểu đường và sốt rét, bởi chính chi phí cao của các loại thuốc này đã khiến các khoản chi mà bệnh nhân phải tự trả, tăng vọt./.
Thanh Hương (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất