Thể hiện quan điểm về Dải Gaza: 'Sao' Mỹ thi nhau xé rào cấm

03/08/2014 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Khi Israel và Palestine xung đột ở Dải Gaza, nhiều ngôi sao Mỹ đã lên tiếng  thể hiện quan điểm cá nhân về sự kiện, bất chấp nguy cơ danh tiếng của họ có thể bị tổn hại.

Chưa lúc nào, giới nghệ sĩ và người nổi tiếng Mỹ lại thể hiện quan điểm về Dải Gaza mạnh như lần này.

Chung sức góp tiếng nói phản đối

Tiêu biểu nhất là đạo diễn Jonathan Demme, người lên tiếng thẳng thắn: “Cuộc xung đột này đang cướp đi mạng sống của những con người vô tội, phá hoại văn hóa. Tôi không hề thấy xấu hổ khi bày tỏ quan điểm mang tinh thần hòa bình của mình về các cuộc xung đột, dù nó xảy ra ở bất cứ đâu”.

Diễn viên Wallace Shawn tuyên bố anh sẵn sàng trình diễn trên đường phố để chống lại tình trạng bạo lực ở dải Gaza. Mark Ruffalo thì lên Twitter thể hiện quan điểm của mình.

Trong khi đó, cặp vợ chồng diễn viên nổi tiếng Nha Penelope Cruz và Javier Bardem đã thể hiện quan điểm bằng việc cùng 100 người Tây Ban Nha ký tên vào bức thư ngỏ, kêu gọi Israel chấm dứt các cuộc tấn công vào Dải Gaza.

Đạo diễn Demme, Shawn, Chuck D và hàng chục người khác, gồm những nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa bình, còn tham gia video Jewish Voice For Peace (Tiếng nói vì hòa bình của người Do Thái). Trong đoạn video, mỗi người cầm một tờ giấy ghi tên tuổi của nạn nhân đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Video đã thu hút được hơn 100.000 lượt người xem sau 2 ngày tải lên mạng.

Đạo diễn Jonathan Demm là một trong nhiều người nổi tiếng ở Mỹ đã có tuyên bố về cuộc xung đột ở Dải Gaza

Bạo lực là không cần thiết

Được biết cuộc xung đột Israel - Palestine từng là một chủ đề nhạy cảm, là “vùng cấm” với các nhân vật nổi tiếng ở Mỹ. Các nghệ sĩ thường không muốn công khai ủng hộ người Palestine, một phần bởi chính quyền Mỹ luôn nghiêng về phía Israel, phần khác do các vấn đề liên quan tới Israel thường gây chia rẽ quan điểm rất mạnh trong xã hội. Một ví dụ điển hình là gần đây ca sĩ Rihanna đã đưa lời bình luận về cuộc xung đột lên Twitter trước khi vội vã xóa nó đi, nhưng vẫn không thoát khỏi chỉ trích.

Tuy nhiên việc nhiều dân thường Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột mới đã tạo ra sự thay đổi. Wallace Shawn là một người Do Thái. Anh cho biết đã nhận nhiều lời chỉ trích lúc đi trên đường phố New York, sau khi cuộc xung đột xảy ra. Phản ứng ấy khiến Shawn quyết định lên tiếng, với mục tiêu thuyết phục những người có quan điểm bênh vực Israel, rằng bạo lực là  không cần thiết khi giải quyết mâu thuẫn.

Dĩ nhiên không phải ai cũng chấp nhận sự "can thiệp" của những người nổi tiếng. Giáo sĩ Do Thái Marvin Hier, người sáng lập Trung tâm Simon Wiesenthal ủng hộ Israel ở Los Angeles, cho rằng nhiều khi phát ngôn của người nổi tiếng có thể gây hại tới tình hình chung của một sự kiện.

Là người có quan hệ mật thiệt với nhiều người nổi tiếng ở Hollywood, giáo sĩ Hier đánh giá họ hiểu sai về các sự kiện đang diễn ra. Ông cho rằng, những người đánh dấu “like” (thích) vào bức thư ngỏ lên án Israel có sự góp mặt của cặp vợ chồng Penelope Cruz và Javier Bardem là vô trách nhiệm. Ông thậm chí cho rằng nhiều sao đang hùa nhau lên án Israel chỉ nhằm thu hút thêm người hâm mộ, trong bối cảnh làn sóng bài Do Thái đang dâng cao ở châu Âu.

"Hãy chỉ lên tiếng nếu lương tâm yêu cầu"

“Việc các nhân vật danh tiếng bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề chính trị, xã hội hoàn toàn không phải điều mới mẻ. Tuy nhiên với nhiều người, Israel là chủ đề luôn gây nên sự mâu thuẫn về quan điểm. Trong cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay, giới nghệ sĩ giải trí có quan điểm rất khác nhau” - nhà nghiên cứu Dorie Clark đánh giá.

Quả thực tới nay các ngôi sao đã thể hiện quan điểm khá trái chiều liên quan tới cuộc xung đột Israel - Palestine. Các nghệ sĩ như Scarlett Johansson, Joan Rivers, Howard Stern và Bill Maher đã ủng hộ Israel. Tuy nhiên những người khác lại trực tiếp kêu gọi tẩy chay Israel, như Roger Waters, cựu thành viên của ban nhạc Pink Floyd.

Chứng kiến sự "lộn xộn" này, Clark đưa ra lời khuyên: "Nếu tôi là một nhà tư vấn cho các nhân vật nổi tiếng Hollywood, tôi sẽ nói với họ rằng hãy chỉ lên tiếng, nếu lương tâm buộc họ làm vậy. Quan điểm ủng hộ trái chiều của họ có khả năng không mang tới tác động hữu ích tới bức tranh tổng thể".

Việt Lâm (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm