Sony thiệt hại những gì khi hủy chiếu 'The Interview'?

20/12/2014 07:01 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Hãng Sony Picures đã tốn khoảng 93 triệu USD để sản xuất và quảng bá The Interview, bộ phim hài kể về âm mưu hư cấu nhằm ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un của CHDCND Triều Tiên. Với quyết định hủy kế hoạch chiếu phim, Sony sẽ không thu hồi được bất cứ đồng vốn nào từ lượng vé bán ra. Tuy nhiên thiệt hại không chỉ có vậy.

Hồi cuối tháng 11, Sony Pictures đã bị một nhóm tin tặc tự xưng là Những người bảo vệ hòa bình tấn công hệ thống mạng máy tính nội bộ. Theo các chuyên gia, chỉ riêng việc mạng bị xâm nhập đã khiến công ty thiệt hại hàng chục triệu USD.

Thiệt hại nặng nề vì tin tặc

Sony mới chỉ đưa ra rất ít thông tin về vụ tấn công và mức độ thiệt hại. Tuy nhiên nhiều khả năng công ty này sẽ mất rất nhiều tiền. Giới quan sát thậm chí cho rằng đây là cuộc tấn công mạng gây thiệt hại lớn nhất đối với một công ty ở Mỹ.

Bà Avivah Litan, nhà phân tích an ninh mạng tại công ty nghiên cứu Gartner, nói: “Cuộc tấn công này đánh thẳng vào trung tâm hệ thống kinh doanh của Sony và các hacker đã thành công. Chúng tôi chưa hề thấy bất cứ một cuộc tấn công nào như thế này trong lịch sử Mỹ”.


Nhân viên một rạp chiếu ở Mỹ gỡ poster quảng cáo có lịch chiếu phim The Interview

Sony còn có thể thiệt hại hàng triệu USD doanh thu tiềm năng, sau khi nhóm hacker đánh cắp và tung lên mạng 5 bộ phim của hãng. Trong số này có 4 phim chưa được công chiếu, gồm phim ca nhạc Annie do Jay-Z và Will Smith sản xuất. Ngoài ra còn phải kể tới phim Fury mang đề tài Thế chiến thứ 2 từng gây nhiều chú ý.

Không chỉ có vậy, giá cổ phiếu của Sony đã sụt giảm sau vụ tấn công của hacker. Trong ngày 17/12, giá cổ phiếu đã có dấu hiệu tăng nhẹ. Tuy nhiên, phải tăng được 100 điểm nữa, giá cổ phiếu của Sony mới bằng được mức đỉnh điểm của ngày 5/12.

Ngày 25/11, giá cổ phiếu của Sony đột ngột giảm khi công ty thông báo họ là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng. Sau 1 tuần hồi phục và thậm chí còn tăng giá, cổ phiếu Sony đã lại rơi tự do và chạm đáy trong ngày 16/12.

Lỗi do quản lý an ninh mạng lỏng lẻo

Việc hơn 32.000 thư điện tử bị đánh cắp từ hệ thống mạng của Sony và bị phát tán trên mạng cho thấy các nhà điều hành hàng đầu của công ty quản lý an ninh mạng rất lỏng lẻo. Họ cũng thường xuyên gửi các thông tin nhạy cảm trong thư điện tử. Chẳng hạn, họ đã dán cả mật khẩu vào thư điện tử hay sử dụng các mật khẩu dễ đoán và không mã hóa tài liệu đặc biệt nhạy cảm như thông tin về lương và doanh thu cũng như các kế hoạch kinh doanh mang tầm chiến lược.

Vài tuần trước khi hệ thống mạng của Sony Pictures bị tấn công, công ty này đã mắc lỗi kỹ thuật nghiêm trọng và họ cho rằng đó là trục trặc về phần mềm. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật kém trình độ của Sony đã không để tâm đến công việc. Họ không phát hiện điều gì bất thường, kể cả khi cánh hacker đang dụ dỗ các quản trị viên cao cấp của Sony tiết lộ tin mật.

Bị tấn công vào hệ thống mạng không chỉ khiến Sony thiệt hại về kinh tế, mà còn khiến công ty “đau đầu” với các đơn kiện của ít nhất 4 nhân viên cũ. Họ cáo buộc công ty không làm hết trách nhiệm để ngăn chặn nhóm hacker tiếp cận thông tin cá nhân, làm lộ dữ liệu cá nhân của họ. Những người này tuyên bố, họ đại diện cho 50.000 nhân viên khác tại Sony là nạn nhân của vụ tấn công.

Nhiều khả năng, Sony sẽ bị thiệt hại tới hàng chục triệu USD do vụ kiện này. Jonathan Handel, giáo sư luật giải trí thuộc trường Đại học Nam California, nhận định: “Vụ việc này rõ ràng không hề tốt đẹp đối với một công ty lớn như Sony”.

Giới nghệ sĩ phản ứng khi Sony hủy lịch chiếu The Interview

Một số nhà làm phim, nhà biên kịch và ngôi sao nổi tiếng của Hollywood đã chỉ trích Sony Pictures là "hèn yếu" vì nhượng bộ trước yêu sách của các hacker đòi hủy bỏ việc chiếu phim The Interview. Họ cho rằng quyết định của Sony đã giáng một đòn nặng nề vào sự tự do sáng tạo nghệ thuật.

George R. R. Martin, tác giả bộ truyện Trò chơi vương quyền (Game Of Thrones), coi đây là “biểu hiện của sự hèn nhát”. Steve Carell nhận xét trên trang Twitter: “Ngày buồn cho sự sáng tạo”.

Nhà văn Paulo Coehlo có những lời lẽ nghiêm trọng hơn. “Là một nhà văn và một nghệ sĩ, tôi đã chứng kiến những gì xảy ra với nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie từ cách đây nhiều năm. Tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan của Rushdie đã khiến Giáo chủ Iran Ayatollah Khomeini ban mức án tử hình với ông, cho rằng ông đã xúc phạm đạo Hồi.

Đối với tôi, tự do thông tin và phát hành là điều rất quan trọng. Sony đã tạo nên một tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Trong tương lai nhiều khả năng sẽ xảy ra điều tương tự. Tôi không nghĩ quyết định của Sony là để bảo vệ công chúng và các rạp chiếu. Theo tôi, lý do chính là công ty này sợ nhóm hacker” – Coehlo nói.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm