Khi ASIAD vẫn không...'sạch'

05/10/2014 12:30 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Nếu nhìn từ ASIAD 16 năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) thì con số 3 VĐV có dương tính với chất kích thích kỳ này là không nhiều so với 6 trường hợp ở kỳ trước. Tuy vậy, bất chấp những cảnh báo từ BTC và quyết tâm tổ chức một kỳ đại hội sạch của Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á, người ta vẫn phải chứng kiến những câu chuyện buồn lòng.

Ba “con sâu” làm rầu nồi canh

Trường hợp đầu tiên bị phát hiện sử dụng doping là hậu vệ Khurshed Beknazarov của đội Tajikistan. Beknazarov có dương tính với chất methylhexaneamine sau trận gặp Singapore vào ngày 14/9 và cầu thủ 20 tuổi này ngay lập tức bị loại khỏi ASIAD, trước khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấm anh tham gia mọi hoạt động liên quan đến bóng đá cho tới khi có quyết định cuối cùng.

Methylhexaneamine là thành phần có trong một số loại loại thực phẩm giảm cân. Mặc dù nằm trong danh mục chất cấm nhưng các quan chức thể thao cho biết, hiện nay, số VĐV sử dụng những loại thuốc có chứa Methylhexaneamine tăng nhanh vì họ thường vin vào bốn chữ “thực phẩm giảm cân” để bào chữa cho hành động của mình nếu bị phát hiện có dương tính với chất kích thích.

Sau Beknazarov, tay vợt tennis người Campuchia là Yi Sophany trở thành VĐV thứ hai bị phát hiện sử dụng doping khi cô gái 20 tuổi này có dương tính với chất sibutramine. Mẫu thử nước tiểu của Sophany được lấy từ trước khi ASIAD diễn ra và giống như cầu thủ của đội Tajikistan, tay vợt người Campuchia cũng dùng một loại thuốc giảm cân có chứa chất sibutramine.

So với ASIAD tại Quảng Châu bốn năm về trước hay ở Doha, Qatar năm 2006, con số ba VĐV sử dụng doping rõ ràng là không nhiều. Tuy vậy thì nếu có khác biệt nào đó, đấy là ở Busan năm 2002 và Incheon năm nay, nước chủ nhà Hàn Quốc đã làm tất cả để kiểm soát doping. Chẳng hạn như tại Busan chỉ có một trường hợp bị phát hiện sử dụng doping là VĐV thể hình Youssef El-Zein của Lebanon, còn ở Incheon năm nay có ba VĐV như đã nói ở trên, trong 1.920 trường hợp bị kiểm tra.

Đây là số ca kiểm tra doping lớn nhất trong lịch sử ASIAD, vượt qua kỷ lục 1.500 ca được thực hiện tại Quảng Châu năm 2010. Theo Ban tổ chức ASIAD 17, trong số này có 1.600 ca thử nước tiểu, 160 ca thử máu và 160 ca thử erythropoietin (EPO), một loại doping máu nhằm tăng lượng hồng cầu trong cơ thể.

Theo tìm hiểu, Trung tâm Kiểm soát doping nằm tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hàn Quốc (KIST) sẽ phân tích các mẫu chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Sau đó, KIST sẽ thông báo kết quả cho OCA mà không cần phải thông qua Ban tổ chức ASIAD Incheon hay Ủy ban Olympic Hàn Quốc (KOC). Những nỗ lực của nước chủ nhà nhờ vậy đã làm giảm đáng kể nguy cơ sử dụng doping tại đại hội năm nay.

Bóng ma vẫn lởn vởn từ thời cổ đại

Những kỳ ASIAD phát hiện VĐV sử dụng doping có ASIAD tại Tehran, Iran năm 1974 với ba VĐV, Hiroshima năm 1994 là 11 VĐV, Bangkok năm 1998 là bốn VĐV, Doha năm 2006 là 9 VĐV và Quảng Châu năm 2010 là sáu VĐV.

Trong số các kỳ ASIAD “bẩn” nói trên, Hiroshima năm 1994 và Doha năm 2006 luôn được nhắc đến cùng với cụm từ “scandal doping”. Riêng ASIAD ở Hiroshima, Nhật Bản cách đây 20 năm, các kình ngư Trung Quốc đã để lại tiếng xấu với 11 VĐV có dương tính với chất kích thích anabolic steroids. Điều đáng nói là trước ASIAD 12 gần một tháng, bơi lội Trung Quốc đã giành chiến thắng ở 12 trong số 16 nội dung của nữ tại giải vô địch thế giới ở Rome, Italy, lập năm kỷ lục thế giới. Còn trong số 11 VĐV sử dụng doping ở Hiroshima khi đó có hai VĐV vừa vô địch thế giới và 9 người giành huy chương vàng ASIAD.

Tới Doha năm 2006, bóng ma doping lại bao trùm với 9 VĐV bị phát hiện sử dụng chất kích thích và tập trung chủ yếu ở các môn cử tạ, thể hình. Đây cũng là ASIAD đầu tiên và duy nhất có một VĐV bị loại vì doping mà không cần xét nghiệm. VĐV này là Saad Faeaz. Lý do khiến VĐV thể hình người Iraq trở thành VĐV duy nhất trong lịch sử ASIAD bị loại vì doping và không trải qua xét nghiệm là do anh bị bắt tại sân bay Doha cùng với 134 ống nandrolone và anabolic steroid. Kỳ lạ ở chỗ là Faeaz vẫn được phép thi đấu, đứng thứ 7 chung cuộc, trước lúc bị loại.

Ngoài scandal của thể thao Iraq, một VĐV điền kinh nổi tiếng của Ấn Độ là Santhi Soundarajan đã bị tước chiếc huy chương bạc ở nội dung 800m. Điều khôi hài là Santhi bị phát hiện sử dụng doping khi các cuộc kiểm tra cho thấy tỷ lệ androgen (hormone của nam) trong cơ thể cô vượt quá giới hạn cho phép. Quá thất vọng và buồn chán, bị chỉ trích, Santhi đã định tự tử vào năm 2007. Còn bây giờ, cô đang giữ vai trò huấn luyện cho các VĐV điền kinh của Ấn Độ.  

Rõ ràng thì việc các VĐV sử dụng doping ở những đại hội thể thao là không thể tránh khỏi nếu huy chương vàng là cái đích mà tất cả cùng hướng đến. Thậm chí, lịch sử cho thấy rằng, chất kích thích đã được biết đến từ những Olympic cổ đại khi các VĐV thường ăn thịt thằn lằn nhằm giúp họ khỏe mạnh hơn.

Cũng xin nói thêm là mãi đến năm 1967, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) mới quyết định cấm sử dụng chất kích thích ở Olympic và áp dụng ngay cho Olympic mùa Đông năm 1968.

Tuy vậy thì theo thời gian, các VĐV cũng có nhiều cách thức lách luật. Từ chỗ ăn thịt các con vật, họ dùng strychnine và rượu mạnh hay thậm chí là amphetamine, một chất ma túy từng khiến cua-rơ người Đan Mạch là Knud Enemark Jensen mất tỉnh táo, bị ngã xe và qua đời sau đó. Họ còn dùng những chất khó bị phát hiện hơn.

Cũng vì thế mà cuối thập niên 1990, IOC buộc phải tính tới việc thành lập một tổ chức chuyên nghiệp hơn nhằm kiểm soát doping và Tổ chức Chống doping Thế giới (WADA) ra đời năm 1999.

VĐV Malaysia bị tước huy chương vàng vì dương tính với doping

Ban tổ chức ASIAD 17 vừa quyết định tước HCV wushu của VĐV người Malaysia Tai Cheau Xuen sau cuộc kiểm tra doping. Tai Cheau Xuen là VĐV thứ ba tại ASIAD 17 dương tính với doping.

Tai Cheau Xuen, 24 tuổi, đã bị kiểm tra doping sau khi giành HCV hôm 20/9. Đó là HCV đầu tiên của đoàn thể thao Malaysia tại Incheon. OCA cho biết Tai Cheau Xuen đã dương tính với chất cấm sibutramine, hoạt chất có tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng lượng serotonine và noradrenaline trong não.

Tuy nhiên, thông báo chính thức vẫn chưa được OCA đưa ra bởi Tai Cheau Xuen và Ủy ban Olympic Malaysia đã yêu cầu kiểm tra mẫu thử B.


Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm