Thể thao Việt Nam tại Olympic: Bài học nào từ sân chơi lớn?

23/07/2024 07:46 GMT+7 | Thể thao

Vì sao các đoàn Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đều mạnh dạn đặt mục tiêu HCV tại OlympicParis 2024, thậm chí là ở mức rất cao? Không hẳn vì họ thường xuyên có HCV tại các kỳ Thế vận hội, mà có lẽ đến từ sự tự tin vào những môn thế mạnh. Đó là bài học về mô hình phát triển thể thao đỉnh cao.

Trong số các môn có vé dự Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam(TTVN), có một số được xem là thế mạnh, ví dụ như cử tạ, bắn súng hay xe đạp. Nhưng công bằng mà nói, phần lớn các môn còn lại, thì không phải. Kế đến, ngay chính các môn mà chúng ta xem là thế mạnh, từng có huy chương Olympic, thì thành tích hiện tại cũng không tốt. Hay nói cách khác, dù có vé đến Paris nhưng cơ hội tranh chấp huy chương của TTVN là rất nhỏ.

Môn nào là thế mạnh, môn nào không, thực ra cũng dễ xác định. Các môn được đưa vào thi đấu Olympic đều phổ biến toàn cầu và hàng năm, từng môn đều có những cuộc tranh tài ở cấp châu lục hoặc thế giới. Đẳng cấp của các VĐV cũng như thực lực của mỗi quốc gia, đều có thể biết trước thông qua những cuộc đấu thường niên. Những chiếc huy chương của Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn hay Hoàng Xuân Vinh… không phải đợi đến lúc thi đấu thì mới biết, mà trước đó, những VĐV của chúng ta đã xác lập được các thành tích nằm trong tốp đầu tại nội dung thế mạnh của mình.

Nghĩa là dù vẫn hy vọng Đoàn TTVN tạo được bất ngờ tại Paris 2024, nhưng xét ở góc độ chuyên môn thìnguy cơ"trắng tay" cũng không thể hoàn toàn loại trừ. Đây cũng là lý do mà Thái Lan hay Indonesia mạnh dạn đặt những chỉ tiêu gấp đôi so với các thành tích kỷ lục của họ tại Thế vận hội.

Thứ nhất, những môn thế mạnh của họ luôn có huy chương, không vàng thì bạc, đều đặn tại các kỳ Thế vận hội trước đó. Kế đến, qua những cuộc thi quốc tế, họ luôn ở tốp đầu. Nói một cách đơn giản, kể cả khi Thái Lan hay Indonesia chỉ đến Paris 2024 với số VĐV ngang bằng với chúng ta, thì họ vẫn có thể đặt mục tiêu HCV một cách tự tin. Vấn đề không phải ở số lượng, mà là đẳng cấp của VĐV ở các môn cụ thể.

Thể thao Việt Nam tại Olympic: Bài học nào từ sân chơi lớn? - Ảnh 1.

Cây vợt Hải Đăng (trái) của Việt Nam trong trận thua Kunlavut Vitidsarn, nhà vô địch thế giới năm 2023, tại ASIAD 2022. Ảnh: Hoàng Linh

Đây chính là điểm cốt lõi của việc dự Thế vận hội. Với chu kỳ 4 năm một lần, thật ra ngay đến việc "học hỏi" hay "trải nghiệm" cũng không có nhiều ý nghĩa tại Thế vận hội. Đơn giản là nếu bị loại ngay trận đấu đầu tiên, vòng đấu đầu tiên thì chẳng "học" được gì cả. Không cần đến Olympic thì mới biết là chúng ta không thể thắng, vì thành tích tại vòng loại cũng đã nói lên tất cả.

Nhưng không vì thế mà chúng ta không chờ đợi những màn tranh tài của các VĐV Việt Nam. Càng ít có khả năng tranh chấp huy chương thì chiến thắng về tinh thần lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Sân chơi càng quá tầm, thì những nỗ lực của VĐV càng đáng quý. Ví dụ như trường hợp của Ánh Viên tại Olympic 2016, khi cô về nhất đợt bơi của mình vòng loại nội dung 400m hỗn hợp. Dù không vào được tốp 8 để thi chung kết nhưng Ánh Viên cũng phá được kỷ lục cá nhân, ghi nhận sự tiến bộ đáng kể nhờ quá trình tập huấn tại Mỹ.

Những chi tiết như vậy rất có giá trị, đặc biệt là các môn "chưa thi đấu đã biết không thể thắng" nếu căn cứ thông số chuyên môn trước đó như môn bơi. Nhưng việc VĐV "tấn công" vào thành tích của cá nhân ngay ở đấu trường "choáng ngợp" như Thế vận hội luôn là điều khích lệ với những đồng nghiệp trong nước, qua đó tạo cú hích cho phong trào.

Chúng ta đã từng có môn cử tạ, sau chiếc huy chương của Hoàng Anh Tuấn tại Bắc Kinh 2006, đã có nhiều đàn em tiếp nối tìm cách chinh phục đấu trường Olympic như Trần Lê Quốc Toàn hay Thạch Kim Tuấn. Cuộc chinh phục vẫn chưa thành công nhưng con đường thì đã thành hình…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm