Thể thao Việt Nam thất bại ở Olympic 2024: Không bất ngờ nhưng vẫn đáng để suy ngẫm

08/08/2024 16:10 GMT+7 | Thể thao

Dù còn VĐV Nguyễn Thị Hương thi đấu vòng loại canoeing nội dung thuyền đơn nữ 200m nhưng có thể khẳng định đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) chắc chắn đã thất bại hoàn toàn ở Olympic Paris 2024 và kết quả này đã được dự báo trước.

Thể thao Việt Nam thất bại ở Olympic 2024, kết quả không bất ngờ

Với con số khá "khiêm tốn" là 16 VĐV tham dự một sự kiện thể thao quy tụ các VĐV hàng đầu thế giới như Olympic 2024 trong đó có 2 người tham dự dưới dạng đặc cách, thể thao Việt Nam ngay từ đầu vốn không và không thể đặt mục tiêu giành huy chương mà chỉ nhắm đến mục tiêu "vượt qua giới hạn bản thân" hay "chiến thắng chính mình" đối với các VĐV.

Nhưng đáng tiếc là ngay cả mục tiêu này chúng ta cũng không làm được tốt. Điển hình là thất bại của Huy Hoàng ở các nội dung bơi 800m tự do và 1500m tự do. Dù được đầu tư trọng điểm nhưng thành tích thi đấu của anh ở Olympic Paris lại theo kiểu "phú quý giật lùi". Tại sao lại như vậy? Đó là vấn đề về tâm lí, bản lĩnh hay do nguyên nhân nào khác? Câu chuyện sẽ còn được "mổ xẻ" trong thời gian tới đây.

Trịnh Thu Vinh gây tiếc nuối khi không thể tranh chấp huy chương ở môn bắn súng tại Olympic 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Trịnh Thu Vinh gây tiếc nuối khi không thể tranh chấp huy chương ở môn bắn súng tại Olympic 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Ngoài Huy Hoàng gây thất vọng thì những thất bại của các VĐV khác như Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) hay Thùy Linh, Đức Phát (cầu lông)… đều không bất ngờ vì họ gặp những đối thủ mạnh vượt trội và còn xa mới có thể tiệm cận những thành tích khiến chúng ta tiếc nuối.

Một cái tên khác ít nhiều được chờ đợi nhưng gây thất vọng là lực sĩ Trịnh Văn Vinh khi anh thất bại ở cả 3 lần cử giật mức tạ 128kg, nội dung dưới 61kg cử tạ nam Olympic Paris 2024.

Thể thao Việt Nam thất bại ở Olympic 2024: Không bất ngờ nhưng vẫn đáng để suy ngẫm - Ảnh 2.

Nỗi thất vọng Trịnh Văn Vinh. Ảnh Hoàng Linh

Nếu có gương mặt nào của đoàn thể thao Việt Nam xứng đáng được khen ngợi khi bước ra sân chơi hàng đầu thế giới ở Paris năm nay thì đó là Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Phạm Thị Huệ (rowing).

Trịnh Thu Vinh đã thi đấu không tồi và để lại cảm giác tiếc nuối ít nhiều cho người hâm mộ khi cô 2 lần vào chung kết môn bắn súng, có cơ hội tranh huy chương nhưng do còn thiếu bản lĩnh và tâm lí chưa tốt ở những thời khắc quan trọng trong lần đầu tham dự Thế vận hội nên xạ thủ sinh năm 2000 đã không thể làm nên lịch sử.

Dù sao thì thành tích xếp hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và hạng 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao của Thu Vinh cũng rất đáng khen ngợi. Nếu được đầu tư nhiều hơn và rèn thêm bản lĩnh thi đấu, Thu Vinh có thể trở thành niềm hy vọng giành huy chương của Thể thao Việt Nam ở kỳ Thế vận hội tiếp theo.

Đối với Phạm Thị Huệ, không có sự tiếc nuối nào nhưng có rất nhiều sự khen ngợi khi cô vào tới tứ kết môn rowing nữ. Đó là thành tích không tệ chút nào nếu biết rằng Phạm Thị Huệ tập luyện ở nội dụng hạng nhẹ nhưng phải thi đấu hạng nặng với các đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực.

Một kỳ Olympic nữa đã khép lại trong thất bại của đoàn Thể thao Việt Nam. Đó là sự nhắc nhở để chúng ta biết rằng mình thực sự đang đứng ở đâu trên bản đồ thể thao thế giới và để hi vọng làm nên chuyện gì đó trong các kỳ Olympic tiếp theo, chúng ta cần đầu tư như thế nào cho các VĐV.

Đầu tư nhiều, đầu tư sớm và có bài bản là tốt nhưng chưa đủ. Điều quan trọng không kém là chúng ta cần định hướng đầu tư vào đâu giữa hàng loạt các môn thể thao thi đấu ở Olympic, cần xác định chính xác đâu là những niềm hy vọng thực sự để tranh chấp huy chương.

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm