03/08/2017 06:08 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Sau đúng 10 năm, đội tuyển bóng chuyền nam mới lần thứ hai đánh bại được Thái Lan tại một giải đấu mà cả hai chỉ xác định cọ xát cho SEA Games 29. Trận thắng khó nhọc với tỷ số 3-2 đã mang tới niềm khích lệ lớn, song để vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Thái Lan trên đất Malaysia vào tháng 8 tới lại là cả một thử thách cực lớn.
Cú hích sau 10 năm
Còn nhớ tại SEA Games 2007, đội tuyển Việt Nam với một “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều rực sáng đã có trận thắng lịch sử, hạ gục chủ nhà Thái Lan khi đó cực mạnh tới 3-0 để lần đầu lọt vào chung kết, rồi sau đó đoạt HCB. Và phải đúng 10 năm sau, qua rất nhiều thất bại đúng nghĩa không đỡ nổi tại mọi giải đấu, Văn Kiều cùng các đồng đội mới lại vừa có thêm một lần nữa hạ gục được người Thái trong khuôn khổ giải vô địch châu Á 2017. Đây là một thắng lợi đến từ lối chơi gắn kết, hiệu quả gắn với một tinh thần “chiến đấu” tới cùng. Điều đó thể hiện qua việc tận dụng triệt để sự lơi lỏng của đối thủ để vượt lên dẫn trước 2-0, cũng như bản lĩnh khi giải quyết trận đấu trong hiệp “đấu súng” thứ 5.
Có thể thấy, “trận thắng thập kỷ” này vượt xa chiến thắng ở một trận đấu thuần túy khi mang lại cho bóng chuyền Việt Nam một niềm tin, sự khích lệ quý giá về khả năng của mình. Chí ít tại SEA Games 29 sắp tới, bóng chuyền nam sẽ có thể dám đấu và quyết đấu Thái Lan nếu hai đội tái ngộ, thay vì chấp nhận thua nhanh, thua dễ như lâu nay. Điển hình như trận chung kết SEA Games cách đây 2 năm, Việt Nam đã thua ngay từ đầu khi nhập cuộc hoàn toàn ở thế cửa dưới. Toàn đội, kể cả 2 cựu binh Hữu Hà và Xuân Thành vẫn "sợ" người Thái, dẫn đến tâm lý căng cứng. Và Thái Lan đã có một màn trình diễn vô cùng nhàn hạ, gần như chỉ tập trung cao độ cho những thời điểm quyết định để thắng cả ba hiệp.
Chưa thể lạc quan
Trận thắng thứ hai sau 10 năm cũng mở ra hi vọng về một cuộc đổi màu tấm HCB ở SEA Games 29 cho đội tuyển. Ở đó, nếu gặp lại người Thái, chúng ta sẽ có thể đánh bại họ. Chỉ có điều, trên thực tế, đó lại là cả một thử thách cực lớn đang đặt ra. Xét về khả năng, dù khoảng cách với Thái Lan đã được rút ngắn nhưng khoảng cách vẫn là hiện hữu. Nên nhớ rằng, ở trận thua Việt Nam, người Thái đã cất tới 3 trụ cột hàng đầu, ưu tiên tung quân trẻ vào rèn luyện. Đến SEA Games, nơi cả Thái Lan, Việt Nam, Indonesia đều coi là đích nhắm chính trong năm, tình thế sẽ hoàn toàn khác. Cũng không có gì đảm bảo "nỗi sợ" người Thái sẽ không tái diễn, bởi ở giải vô địch châu Á, các tuyển thủ Việt Nam không phải chịu bất cứ áp lực nào. Và chính sự thỏa mái chính là mấu chốt giúp các học trò của HLV Phùng Công Hưng hạ gục người Thái. Chưa kể rằng, Indonesia, đội bóng đang được đầu tư kỹ lưỡng để chuẩn bị cho ASIAD 2018, vừa lọt vào Top 4 giải vô địch châu Á mới là ứng viên số 1 cho tấm HCV. Xem ra, ngay cả cơ hội bảo vệ vị trí thứ 2 với đội tuyển Việt Nam cũng tương đối mong manh.
Bóng chuyền nữ còn khó hơn
Sau 10 năm, đội tuyển bóng chuyền nam mới lần thứ hai đánh bại được Thái Lan. Nhưng so với các đồng nghiệp nữ, thành tích này cũng đã tích cực hơn rất nhiều. Bóng chuyền nữ Việt Nam chưa từng vượt qua người Thái ở một giải đấu chính thức nào. Thậm chí, riêng đấu trường SEA Games, Việt Nam đã thất bại trước Thái Lan ở 7 kỳ Đại hội liên tiếp, gồm 7 trận chung kết và 1 trận vòng bảng. Đáng buồn hơn khi ĐTQG hết lứa này tới lứa khác mới chỉ “lấy” được của họ vỏn vẹn... 2 hiệp thắng. 1 ở vòng bảng SEA Games 2003 và 1 ở chung kết SEA Games 2011. Kết quả vô cùng yếu kém đó không hề phản ánh đúng thực lực của bóng chuyền nữ Việt Nam, mà cái “chết” nằm ở chỗ từ các nhà quản lý, huấn luyện đến chính các cầu thủ đều quá sợ hãi và ám ảnh bóng chuyển Thái Lan. Đến mức SEA Games nào, đội cũng bước vào cuộc đấu với người Thái theo kiểu đấu cho xong đầy cam chịu và bất lực.
Ở SEA Games tới, đội nữ thậm chí còn đang phải lo có thể mất luôn ngôi Á quân vào tay Indonesia, đội đã đánh bại Ngọc Hoa cùng các đồng đội tại VTV Cup ngay trên sân nhà.
Cần vượt qua tâm lý sợ Thái Lan “Ngoài việc tập trung đầu tư vào các môn Olympic thì cũng cần đầu tư vào các môn được đông đảo quần chúng mến mộ như bóng đá, bóng chuyền. Với bóng chuyền, phải dần khắc phục được tâm lý cam chịu, cứ gặp người Thái là xác định trước tư tưởng sẽ thua và phải đặt ra mốc phấn đấu cụ thể để biết được đến khi nào chúng ta có thể vượt qua Thái Lan”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. “Chiến thắng của đội nam tại giải vô địch châu Á là một tín hiệu đáng mừng, trước hết là cho hi vọng tranh chấp tại SEA Games. Những người làm bóng chuyền chúng tôi hiểu rằng. đội nam chưa thể ngang với người Thái, đội nữ lại càng có một khoảng cách xa. Tiềm năng của bóng chuyền Việt Nam không hề kém, một vài mặt còn hơn. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo của họ quá chuyên nghiệp, gắn với mảng xã hội hóa rất tốt. Để có thể rút ngắn cách biệt, trước khi tính tới chuyện cạnh tranh sòng phẳng, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ phải chú trọng đặc biệt cho khâu đào tạo trẻ, trong đó đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như cải tiến hệ thống thi đấu”- Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường. “Tại giải vô địch châu Á, đội đã có bước tiến bộ rõ rệt, rõ nhất là trận đấu với Thái Lan và rõ nhất là tâm lý thi đấu. Chỉ cần ổn định phong độ và cố gắng tích lũy thể lực tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ tự tin khi gặp lại họ ở SEA Games. Dù vậy, phải thừa nhận xét về mọi mặt, chúng ta vẫn chưa hơn người Thái, nếu không muốn nói là vẫn còn có những điểm thua kém. Ngoài Thái Lan, tôi cho rằng Indonesia mới chính là thử thách lớn nhất tại SEA Games với một đội hình trẻ hóa có sự đột phá về cả sức mạnh lẫn lối chơi” – HLV trưởng đội tuyển Phùng Công Hưng. |
Minh Thư
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất