Còn ai hát về Hà Nội?

13/10/2013 06:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(lienminhbng.org) - Tên cuốn tản văn mới ra của nhà văn Nguyễn Trương Quý là câu hỏi tu từ (không có dấu chấm hỏi), bởi chẳng cần câu trả lời. Hà Nội trở thành huyền thoại vì nơi đây là nguồn cảm hứng không cùng.

Trong lời ngỏ cuốn sách, tác giả viết: "Dù thời thế có thăng trầm, lòng người có đổi thay thì giá trị của những ca khúc hay viết riêng cho Hà Nội vẫn mãi là vật chứng cho một tình yêu đặc biệt".

Với nhạc, thơ (ca từ các bài hát về Hà Nội đều đầy chất thơ) và những giai thoại (về người nổi tiếng) và cả những câu chuyện (về những con người bình dị), Nguyễn Trương Quý đã viết nên cuốn sách đậm phong vị văn hóa, thích hợp để vừa nhấm nháp sách vừa thưởng thức nhạc (chẳng hạn, từ đĩa nhạc tặng kèm cuốn sách).

Bằng gu nghe nhạc rất cá nhân của mình, Nguyễn Trương Quý điểm qua các tên tuổi nhạc sĩ (chính các nhạc sĩ đã tạo ra dòng nhạc về Hà Nội, chứ không phải ca sĩ) mà nhà nhà đều đã nghe: Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Phú Quang, nhóm "Tứ quý Hà Nội" gồm Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường…


Đọc cuốn sách để biết chọn ra khoảng 10 ca khúc hay nhất về Hà Nội đã là một việc khó khăn, chưa nói đến chọn ra duy nhất một ca khúc hay nhất. Hiếm có mảnh đất nào gợi cảm hứng đến bất tận như vậy. Người ta có sáng tác mãi được không? Chẳng rõ, nhưng những bài hát cũ vẫn ngày ngày được hát mới. Hà Nội quá khứ sống đồng hành với Hà Nội đương đại trong từng câu hát.

Nhưng anh không điểm theo tên người mà theo từng chủ đề, từng bài hát có cái tứ hoặc một câu hát đã thành quen thuộc: thu quyến rũ, đôi mắt như hồ thu, hành khúc ngày và đêm, Hà Nội những đêm không ngủ, dặm dài trong gian khó, leng keng tàu điện sớm khuya, dương cầm mưa trên mái, dòng sông đi qua đời em, dệt tầm gai, người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, vờ như mùa đông đã về…

Điểm qua một chút, thấy Hà Nội trong các bài ca ít gắn với mùa Xuân và mùa Hè, những quãng thời gian tươi mới hoặc rộn rã. Hà Nội gắn với những cảm xúc lắng đọng, trầm tư, riêng tư, thường xuyên buồn.

Năm 2012, nhà văn Nguyễn Trương Quý và ca sĩ Giang Trang cùng thực hiện chương trình Bài ca Hà Nội trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đó cũng là một phần cảm hứng làm nên cuốn sách này, khi sách khai thác nội dung từ kịch bản chương trình.

Còn ai hát về Hà Nội, 362 trang, NXB Trẻ ấn hành tháng 10/2013.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm