06/04/2020 18:16 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Không có câu hỏi rằng giải đua Công thức 1 (F1) sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính của năm 2020 như thế nào, nhưng viễn cảnh đặt ra là liệu F1 có thể tồn tại trong trường hợp xấu nhất là mùa giải bị hủy bỏ hoàn toàn?
Vào lúc này, đó vẫn chỉ là một câu hỏi lý thuyết bởi mùa giải vẫn còn 14 chặng đua trong lịch trình. 6 sự kiện khác - tất cả các chặng đua bị hủy hoãn, ngoại trừ Monaco và Australia - đang chờ xếp lịch để sẵn sàng bắt đầu.
Nguy cơ thua lỗ
Còn trong phát biểu gần đây, ông chủ F1, Chase Carey, cho rằng mùa giải vẫn có thể có từ 15 đến 18 chặng đua, mặc dù thời gian trôi qua, con số trên ngày càng có vẻ ít thực tế hơn, khi chặng đua mở màn có nguy cơ diễn ra muộn hơn.
Đó là lí do để không cần phải nhờ đến một nhà phân tích Phố Wall để tìm ra tình huống khó khăn mà F1 đang đối mặt, khi doanh thu của giải phụ thuộc vào những chặng đua. Con số này trong năm 2019 là 2,022 tỉ USD từ 3 nguồn thu chính, phí tổ chức (30% năm ngoái), phí phát sóng (38%) và tài trợ (15%). Những doanh thu khác đến từ các hoạt động khách sạn và kinh doanh.
Năm 2020, F1 dự kiến doanh thu sẽ tăng nhờ nâng số chặng đua lên 22. Thế nhưng, vào thời điểm này, trong tình huống chưa có chặng đua nào diễn ra đồng nghĩa F1 sẽ mất 30 đến 50 triệu USD (ngoại trừ Monaco không phải trả phí).
Với việc phí tổ chức đều được trả trước, câu hỏi đặt ra là liệu số tiền đó có được hoàn lại hay F1 sẽ giữ nó dưới dạng thanh toán trước cho mùa giải 2021? Và cũng nên nói thêm là nếu mùa giải có dưới 15 chặng, các đài truyền hình sẽ nhận lại một phần tiền. Còn nếu mùa giải không diễn ra, họ sẽ chẳng trả gì khi không có gì để phát sóng.
Tương tự như thế là hợp đồng của những nhà tài trợ lớn như Heineken, DHL và Emirates. Họ sẽ không thể thanh toán nếu họ không có cơ hội quảng bá hình ảnh qua các chặng đua.
Chút hi vọng còn lại
Vậy triển vọng thương mại cho F1 là gì khi lịch mùa giải 2020 dần thu hẹp lại?
Theo Moody’s phân tích thì bất chấp hoàn cảnh khó khăn, và với một vài điều kiện, họ tin rằng F1 có khả năng thoát khỏi cơn bão khủng hoảng. Ở đây, khi các nhà phân tích của Moody’s xem xét hiệu suất của một công ty, họ cân nhắc những mặt tích cực và tiêu cực, hoặc về cơ bản là rủi ro và đưa ra đánh giá về hiệu quả tài chính sẽ đi đến đâu.
Trong một báo cáo được công bố giữa tuần qua, Moody’s đã xếp hạng tín nhiệm F1 ở mức B2, với một số rủi ro, trong đó có những yếu tố tiêu cực như sự lây lan nhanh chóng và lan rộng của đại dịch Covid-19, viễn cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm và giá tài sản giảm đang tạo ra một cú sốc tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, khu vực và thị trường.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cho biết, bức tranh thật sẽ phụ thuộc vào số lượng chặng đua cuối cùng diễn ra. "Không thể dự đoán kết quả của mùa giải 2020 ở giai đoạn này, với một loạt các kết quả có thể xảy ra từ việc điều chỉnh khiêm tốn với 15 đến 18 chặng đua tới việc hủy bỏ hoàn toàn mùa giải".
Điều quan trọng là Moody’s vẫn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm cho F1. Ngay cả khi mùa giải 2020 bị xóa sổ hoàn toàn, và do đó doanh thu không còn gì, các nhà phân tích tin rằng công ty có khả năng phục hồi vào năm 2021 và hơn thế nữa trong trường hợp lịch thi đấu trở lại bình thường.
Theo Moody’s, những thế mạnh vốn có của F1 là "tính linh hoạt chi phí của công ty, chi tiêu vốn thấp và khả năng thanh khoản mạnh để kiểm soát thông qua các kịch bản xấu nghiêm trọng, trong đó có việc hủy bỏ hoàn toàn mùa 2020", cùng với "tính chất linh hoạt của dòng tiền của công ty nhờ các hợp đồng có thời hạn nhiều năm và sức mạnh của nhượng quyền thương mại F1 hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh doanh và tài chính sau cuộc khủng hoảng Covid-19".
Về bản chất, Moody’s tin rằng thương hiệu F1 đủ lớn và họ có tài chính để vượt qua cơn bão năm 2020, ngay cả khi tất cả các chặng đua bị xóa sổ.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất