Đỗ Bích Thúy: Đẹp vẻ thành thị, viết chất miền rừng

16/01/2016 12:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Xinh đẹp và ăn diện thời trang, nhà văn Đỗ Bích Thúy luôn là gương mặt sáng trong các sự kiện chị tham dự. Nhưng Chúa đất, cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, lại đậm đặc phong vị núi rừng Hà Giang quê hương chị.

Chúa đất vừa ra mắt tại Hà Nội. Sách đã lên kệ từ đầu năm 2016 và kịp đến tay nhiều độc giả trước đó. Vì vậy, đến dự buổi ra mắt hầu hết là những bạn văn và cũng là bạn đọc của Đỗ Bích Thúy.

Bối cảnh câu chuyện là 200 năm trước. Cuốn sách kể về cuộc sống ở dinh thự của Sùng Chúa Đà, một thổ ty ở vùng cao Đường Thường có quyền lực lớn nhưng mang cái họa “tiệt dục”, không thể làm đàn ông. Chính điều này gây ra bao bi kịch lớn lao. Gắn với hình tượng Sùng Chúa Đà là cây cột lớn nơi hành quyết những ai phạm đến vợ hắn.

Trong số những người vợ, có thân phận đặc biệt nhất là Vàng Chở, cô gái trẻ xinh đẹp hừng hực bản năng sống, được ví như “một bó đuốc đang cháy”. Sự bất lực của Sùng Chúa Đà và bản năng mạnh mẽ của Vàng Chở tạo nên sự đối lập, dẫn đến bi kịch lớn trong truyện.


Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Đỗ Bích Thúy viết Chúa đất ngay sau Cửa hiệu giặt là, tiểu thuyết đầu tiên chị viết về thành thị. Với Chúa đất, nữ nhà văn trở lại với Hà Giang và núi rừng hoang dã - mảng đề tài luôn là sở trường của chị. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, nếu Cửa hiệu giặt là chứng tỏ sự quan sát tinh tế của Đỗ Bích Thúy với đời sống đô thị Hà Nội thì Chúa đất chứng tỏ năng lực tưởng tượng phong phú của nhà văn.

Không chỉ tưởng tượng, đằng sau Chúa đất là bề dày văn hóa của một người con miền núi. Đỗ Bích Thúy làm nên tên tuổi của mình trong văn chương Việt Nam chính nhờ những truyện ngắn thấm đẫm phong vị đại ngàn. Đó là Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Sau những mùa trăng hay Ngải đắngở trên núi.


Tiểu thuyết “Chúa đất” được chuyển thể thành phim

Những truyện ngắn đó, chị viết khi chân ướt chân ráo xuống Hà Nội cách đây 18 năm. Qua một khoảng thời gian dài, chị có nhiều thay đổi rõ rệt. Trong sự nghiệp, đó là 16 đầu sách (trong đó có 4 tiểu thuyết) và chức vụ Phó Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Về con người, vẻ ngoài của chị ngày càng đẹp lên, ngày càng “đô thị”.

Trong buổi ra mắt sách, nhà văn Kiều Bích Hậu tỏ ý phục Đỗ Bích Thúy vì chị vừa đảm nhận công việc ở cơ quan, viết sách rất đều tay lại có thể thiết kế thời trang cho chính mình. Đỗ Bích Thúy từng nhận chị là người phụ nữ trau chuốt. Xuất hiện tại đâu, chị luôn chăm chút cho bản thân chỉn chu, xinh đẹp nhất.

Cũng chính người phụ nữ đó viết về người Mông với những tích cách hoang dại, bản năng nhất. Hà Giang cũng là miền đất nơi có truyền thuyết về Sùng Chúa Đà với cây cột đá hành quyết man rợ và thung lũng đẹp nhất miền Bắc. Tình dục, bạo lực, sự man rợ và nghiệt ngã, nhà văn không ngại. Những câu dân ca Mông được trích trước mỗi chương sách cũng mang hồn vía của núi rừng.

Ra mắt tiểu thuyết mới về đô thị của Đỗ Bích Thúy

Ra mắt tiểu thuyết mới về đô thị của Đỗ Bích Thúy

Cửa hiệu giặt là đứa con tinh thần mới nhất đánh dấu sự “bẻ ghi” đột ngột sang đề tài đô thị của Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt bạn đọc chiều 24/3 tại Hà Nội.


Sách “sinh đôi” với kịch bản điện ảnh

Nhiều độc giả nhận xét Chúa đất thiên về mô tả hành động và mang đậm nét của một kịch bản phim truyện. Đỗ Bích Thúy không phủ nhận điều này. Thực tế là chị đã được Cục Điện ảnh đặt hàng viết kịch bản phim truyện cùng tên song song với việc viết cuốn tiểu thuyết.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm