Đoàn Phú Tứ - người dịch những vở kịch kinh điển

28/09/2014 09:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Đến nay, chuyện sai đúng, hay dở vẫn là đề tài gây tranh luận nảy lửa trong làng dịch thuật Việt Nam, thì thái độ lao động tỉ mỉ của những dịch giả tiền bối như Đoàn Phú Tứ thực sự là tấm gương tốt.

Đoàn Phú Tứ từng dịch kịch Nhà búp bê của Henrik Ibsen, Lão hà tiện của Moliere, tiểu thuyết Đỏ và đen của Stendhal. Vốn là người sáng tác, ông cho ra đời những dịch phẩm được đánh giá là “vừa chính xác lại nghệ thuật”.

Trong tuần qua, nhân 25 năm ngày mất nhà thơ Đoàn Phú Tứ, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo về ông tại trụ sở ở 19 Hàng Buồm, Hà Nội. 25 năm trước, ngày 20/9/1989, nhà thơ qua đời trong hoàn cảnh nghèo khó ở Hà Nội.

Thích dịch hí kịch và hài kịch

Làm thơ, Đoàn Phú Tứ có bài Màu thời gian được đưa vào sách Thi nhân Việt Nam. Còn về văn xuôi, ông chủ yếu soạn kịch và có khá nhiều tác phẩm, nhưng chính sự nghiệp dịch kịch mới để lại dấu ấn. Dù tên dịch giả vẫn không mấy quen thuộc với công chúng, nhưng những dịch phẩm của ông thì ngược lại, và về sau vẫn tiếp tục được dàn dựng.

Những vở kịch Đoàn Phú Tứ chọn dịch đều là những kiệt tác của các nhà soạn kịch nổi tiếng thế giới, mang tư tưởng nhân văn và thuộc loại mẫu mực về văn phong. Ông ký bút danh Tuấn Đô với những dịch phẩm này.

Ngoài những tác phẩm đã kể trên đây, còn có Giấc mộng đêm hè, Người lái buôn thành Venice (Shakespeare); Hồn ma bóng quỷ, Con vịt trời (Ibsen); Trưởng giả học làm sang (Moliere); tiểu thuyết Thiên thần nổi loạn của Anatole France, Lorenzaccio và Không đùa với tình yêu của Alfred de Musset, Pantagruel và Gargantua của Francois Rabelais…

Theo dịch giả Thúy Toàn, Đoàn Phú Tứ chọn các tác phẩm trên để dịch có dụng ý cụ thể. Đó là do phần lớn trong số đó đều là hí kịch và hài kịch, hợp với bút pháp của chính ông với tư cách là một nhà soạn kịch.

“Có những tác phẩm nguyên bản thuộc loại cổ văn, chữ nghĩa không phải ai biết tiếng Pháp cũng hiểu được, như Pantagruel và Gargantua của Rabelais chẳng hạn, đến nay ở ta có lẽ chỉ có Đoàn Phú Tứ mới dịch nổi cho thanh thoát với những chú giải nghiêm túc, sâu xa” – dịch giả Thúy Toàn cho biết.

Đoàn Phú Tứ qua nét vẽ của danh họa Bùi Xuân Phái

Tôn trọng nguyên tác và tránh sai sót trong dịch thuật

Cũng trong nhận định của mình, dịch giả Thúy Toàn đưa ra hai nhận xét theo ông là có uy tín về sự nghiệp dịch thuật của Đoàn Phú Tứ. Đó là ý của nhà văn Như Phong, nguyên Giám đốc NXB Văn học: “Ông dịch rất chính xác lại có nghệ thuật, vì trước khi làm nghề dịch ông đã là một nhà văn sáng tác. Ông lại uyên bác, có một kho hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, phong tục của nhiều nước châu Âu, nên chú thích, tiểu dẫn trong các bản dịch của ông rất bổ ích, hấp dẫn”.

Đoàn Phú Tứ có một điểm hơn người là sau khi hoàn thành bản thảo gửi cho nhà xuất bản, ông vẫn tích cực tham gia vào mọi khâu trong quá trình in ấn. Theo dịch giả Thúy Toàn, ông “sửa kỹ bản đánh máy, góp ý tỉ mỉ cho marquette, tự xem lại cả bông một, bông hai và bản in thử trước khi đưa đi in chính thức để tránh sai sót”.

Năm 1973, trước khi in 2 vở kịch của Ibsen, Đoàn Phú Tứ đã viết thư cho Thuý Toàn than phiền về những lỗi trong biên tập, đánh máy và trình bày mà ông không ưng ý ở nhà xuất bản, đồng thời mượn sách Ibsen tiếng Pháp của Thúy Toàn để đối chiếu, sửa thêm một lần nữa. Điều này thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc và tôn trọng tác giả, tác phẩm gốc của dịch giả.

Đến nay, chuyện sai đúng, hay dở trong dịch thuật vẫn là đề tài gây tranh luận sôi nổi trong làng dịch thuật Việt Nam, thì thái độ lao động của những dịch giả tiền bối như Đoàn Phú Tứ thực sự là một tấm gương tốt.

Đoàn Phú Tứ (1910-1989) là nhà thơ, nhà soạn kịch, dịch giả. Ông có bài thơ Màu thời gian được đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, được 2 nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Duy phổ thành 2 bài hát khác nhau.



Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm