03/02/2019 13:40 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Theo thông tin mà Thể thao & Văn hóa có được, dự kiến đến tháng 4 năm 2019, tức là đúng 1 năm trước khi chặng đua F1 đầu tiên tại Việt Nam chính thức diễn ra, đơn vị tổ chức sẽ bắt đầu bán vé để phục vụ người hâm mộ.
Chặng đua F1 tại Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020 và diễn ra ở khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liên, Hà Nội). Chặng đua dự kiến tổ chức trong vòng 1 tuần kết hợp trường đua được xây mới và hệ thống đường giao thông hiện có.
Chặng đua được thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức, sau đó giao cho Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền sự kiện chặng đua xe F1, phí đăng cai do Công ty này chi trả cho F1.
Theo thông tin từ Cổng đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix được thành lập ngày 21/8/2018 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Công ty này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, do bà Lê Ngọc Chi là Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Phát biểu tại buổi họp báo chính thức công bố chặng đua F1 Việt Nam tại Hà Nội vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã giao Vingroup là đơn vị độc quyền tổ chức giải đua F1 với đường đua dự kiến tại Mỹ Đình dài hơn 5,5 km.
Còn theo đại diện Vingroup, tập đoàn không phải nhà tài trợ toàn bộ cho giải đua này mà là đơn vị chủ trì tập hợp các nguồn tài trợ để tổ chức giải đua.
Về chi phí làm đường cho giải đua, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Việt Nam là một trong 4 quốc gia và vùng lãnh thổ không làm trường đua riêng mà sử dụng đường hiện có. Nhờ điểm này, chi phí đầu tư hạ tầng cơ bản theo ông Chung có thể sẽ rẻ hơn các nước.
Thực tế cho thấy việc tổ chức chặng đua F1 trên đường phố đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Singapore và Monaco, bởi đơn vị tổ chức sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian do không phải xây mới hoàn toàn đường đua, trong khi hiệu quả quảng bá lại cao hơn nhờ lượng cư dân đông đảo xung quanh.
Tuy nhiên, dù sao thì F1 vẫn là một trong những sự kiện thể thao đắt đỏ nhất thế giới, xét ở khía cạnh tổ chức, và vì thế, đường đua F1 tại Việt Nam dù có được nâng cấp từ đường phố hiện có thì cũng vẫn sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí nâng cấp, bảo trì hàng năm để luôn đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA).
Cụ thể, theo thông tin của Raconteur thì số tiền bỏ ra để trả lương cho nhân sự lên tới 16 triệu USD, trong đó có 6,6 triệu USD dành riêng cho đội marketing và tổ chức. Để một chặng đua đi vào hoạt động, BTC cần thuê trung bình 600 nhân viên. Chưa kể đến 120 lính cứu hỏa thường trực sẵn sàng xử lý những sự cố cháy nổ.
Sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp đường đua, BTC sẽ tiếp tục phải đầu tư một số tiền rất lớn để xây dựng khán đài. Một chặng đua hoàn hảo theo tiêu chuẩn của FIA yêu cầu khán đài có 80.000 chỗ ngồi cho các CĐV đến xem trực tiếp.
Để xây dựng khán đài đạt được tiêu chuẩn như vậy, BTC phải tiêu tốn ít nhất 14 triệu USD. Ngoài ra, chi phí để xây dựng hàng rào bảo vệ khán giả xung quanh đường đua là 8 triệu USD. Tiền thuê nhà làm pit-stop (trạm dừng) cũng không dưới 8 triệu USD.
Phương tiện đi lại, văn phòng và các tiện ích khác sẽ tiêu tốn khoảng 6 triệu USD, và phải tính thêm 4,5 triệu USD cho các chi phí liên quan đến máy xây dựng như cần cẩu và khoảng 350 bình chữa cháy đặt ở mỗi 15m đường đua. Ngoài ra, BTC cũng cần chi 1 triệu USD để mua bảo hiểm.
Như vậy, mức phí ban đầu để xây dựng một chặng đua F1 dựa trên đường phố có sẵn rơi vào khoảng 57,5 triệu USD hàng năm và sau 10 năm sẽ là 575 triệu USD.
Bên cạnh đó, BTC cũng cần đóng phí tổ chức giải cho đơn vị nắm giữ bản quyền F1 là Liberty Media, với số tiền rơi vào khoảng 30 triệu USD khởi điểm. Con số này có thể tăng 10% sau mỗi năm trong bản hợp đồng có thời hạn 10 mùa giải. Số tiền phải chi để đóng phí tổ chức giải trong một bản hợp đồng có thời hạn 10 năm lên tới 478,1 triệu USD.
Vì thế, tổng số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra để vận hành chặng đua F1 tại Việt Nam có thể lên tới vài tỷ USD.
Trả lời câu hỏi về khả năng có lợi nhuận từ tổ chức giải đua F1, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vingroup nói, tập đoàn đã suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi tham gia và xác định giá trị mà giải đua F1 mang lại sẽ lớn hơn nhiều những gì bỏ ra.
"Lý do chính mà Vingroup tham gia giải F1 là mang lại cơ hội quảng bá thương hiệu cho Vingroup, quảng bá đất nước con người Việt Nam, tạo điều kiện thu hút khách du lịch và sự phát triển của nhiều dịch vụ hỗ trợ. Tập đoàn sẽ không đặt lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu khi tham gia tổ chức.
Thông qua giải đua F1, chúng tôi cũng sẽ quảng bá hình ảnh VinFast, thương hiệu ôtô Việt đẳng cấp quốc tế đến với công chúng thế giới", ông Quang chia sẻ.
Tính đến hết năm 2018, giải đua xe công thức 1 đã được đăng cai tổ chức tại 21 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với đường đua tại Hà Nội, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ 22 đăng cai giải đua này và là quốc gia, vùng lãnh thổ thứ 7 tại châu Á là chủ nhân của một chặng đua F1.
Giá vé xem đua xe F1 ở các nước khác là bao nhiêu? Sau vài năm có mức giá ổn định, giá vé xem giải đua xe F1 trên thế giới lại có xu hướng tăng thời gian gần đây. Giá vé rẻ nhất tại Malaysia, trung bình 24 USD/chỗ, trong khi đắt nhất tại Monaco khoảng 850 USD/chỗ. Mức giá xem F1 ở Trung Quốc 169 USD, Nga 241 USD, trong khi giá vé chặng đua F1 đắt nhất gồm Monaco 850 USD và Abu Dhabi 632 USD. Nếu tính tổng các chặng đua F1 trên toàn thế giới, giá vé bình dân nhất cũng đã tăng 13,4% trong khoảng năm 2016 - 2017 lên mức 161 USD. Trong khi đó, chỗ ngồi tốt nhất tại F1 đã tăng 5,6% lên 637 USD. Như vậy bình quân giá vé mỗi chỗ ngồi tại F1 sẽ vào khoảng 417 USD. Hiện tại, đa phần các chặng đua F1 trên thế giới đều bán 3 hạng vé xem được trong 3 ngày diễn ra cuộc đua, gồm vé tiêu chuẩn (General Admission), vé khán đài (Grandstand) và vé được ngồi khu riêng, có phục đồ ăn, uống, chỗ đỗ xe, lối đi riêng... (Hospitality). Năm 2015, giá vé trọn gói xem F1 tại Singapore dao động từ 298 đến 1.288 SGD mỗi người (4,6-20 triệu đồng). Nếu mua suất vé sớm (Early Bird) trước nửa năm cho chặng đua năm sau tại Singapore, người xem có thể được giảm giá đến 30%. Một vé General Admission ở chặng đua này nếu mua khuyến mại sẽ được giảm từ 363 USD xuống còn 290 USD. Gói vé Hospitality đắt nhất để xem F1 tại Singapore là hơn 5.700 USD. Trong khi đó, loại vé rẻ nhất được giảm 217 USD còn 195 USD. Trước khi dừng đăng cai giải đua xe F1 từ năm 2018, Malaysia có giá vé rẻ nhất thế giới. Một vé General Admission tại chặng đua này khoảng 24 USD trong mùa giải 2017, vé Grandstand là 67 USD. |
Anh Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất