Giải cứu Ánh Viên

02/08/2019 07:12 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Nhiều vấn đề xuất hiện sau khi thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên đi xuống ở mức đáng lo ngại. Ngành thể thao cần giải thích thỏa đáng, đồng thời, có biện pháp hiệu quả để “giải cứu” Ánh Viên, nếu như có sai số xuất hiện trong chiến lược phát triển đối với cá nhân kình ngư này.

Ánh Viên sa sút vì áp lực huy chương

Ánh Viên sa sút vì áp lực huy chương

Nguyễn Thị Ánh Viên - kình ngư xuất sắc nhất và nhận được nhiều kỳ vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam trên đường đua xanh vừa trải qua một phần thi đấu đầy thất vọng tại giải vô địch thế giới 2019...

1. Ánh Viên là hình mẫu của thể thao Việt Nam kể từ năm 2015. Thành công của cô là minh chứng sống động cho hiệu quả của chiến lược đầu tư trọng điểm, mà ngành thể thao đã và đang coi như bệ phóng đưa nền thể thao nước nhà vươn tầm ra châu lục và thế giới.

Thế mới có chuyện, Ánh Viên nhận mức đầu tư kỷ lục đối với một cá nhân VĐV. Kể từ năm 2014, số tiền đầu tư cho kình ngư này của ngành thể thao kết hợp cùng đơn vị chủ quản tịnh tiến mỗi năm mà mức ban đầu ít nhất là gần 3 tỷ và cao điểm có thể lên tới 7-8 tỷ đồng. Chuyện đầu tư cho Ánh Viên dù là kỷ lục nhưng “đắt xắt ra miếng”, khi kình ngư này thắp lên nhiều hi vọng giành huy chương châu lục trên đường đua xanh.

Đến lúc này, chuyện thành tích của Ánh Viên sa sút không đến từ các vấn đề cá nhân mà do thiếu hợp lý trong chiến lược phát triển thành tích mà các nhà chuyên môn xây dựng. Ánh Viên có sở trường ở cự ly trung bình, mà cụ thể là nội dung 400m hỗn hợp song mũi nhọn này không được tập trung mài giũa chuyên sâu. Thay vào đó, Ánh Viên phải gánh trên vai một nhiệm vụ giành huy chương ở quá nhiều nội dung khác nhau, trong đó bao gồm cả các cự ly bơi tốc độ.

Chú thích ảnh
Ánh Viên phải ôm đồm quá nhiều nội dung nên không thể tập trung được cho cự ly sở trường

Ôm đồm, dàn trải và thiếu tập trung cho 1 hoặc 2 nội dung sở trường nên thành tích của Ánh Viên ngày càng sa sút, và lỗi thuộc về những người đã định hướng cho cô. Việc phải tập trung giành từ 8-10 HCV ở mỗi kỳ SEA Games dường như đã khiến cho Ánh Viên trở nên quá tải trong tập luyện và thi đấu. Rồi cũng từng có chuyện, Ánh Viên dự ngót nghét 20 nội dung ở giải VĐQG mệt đến mức muốn xin nghỉ nhưng không được, bởi vì cô gái này cứ xuống nước là có huy chương.

2. Giờ đây, Ánh Viên đặt ra nhiều bài toán hóc búa cho ngành thể thao, khi thành tích của mình đi xuống. Nếu tính đầu tư trung bình cỡ 10 tỷ/2 năm để đem về từ 8-10 HCV SEA Games thì có nên chăng? Còn muốn nâng cao thành tích để vươn tầm ra châu lục và thế giới khi Ánh Viên đã 23 tuổi thì cũng là một canh bạc mà phần thua nhiều hơn phần thắng.

Nhưng quan trọng nhất, các nhà chuyên môn cần có lý giải thỏa đáng cho mọi vấn đề liên quan đến Ánh Viên. Chỗ nào sai, chỗ nào chưa hợp lý trong chiến lược phát triển thành tích cho Ánh Viên cần được chỉ rõ và có giải pháp khắc phục bằng sự dũng cảm của những người có trách nhiệm. Có thể, việc làm ấy giờ cũng đã là muộn đối với nhiệm vụ giải cứu Ánh Viên, song nó sẽ đem lại bài học xương máu cho sự phát triển sau này và không còn xảy ra trường hợp tương tự.

Thôi thì cứ hi vọng, 50 năm nữa sẽ xuất hiện một Ánh Viên khác.

3

Tại giải vô địch bơi lội thế giới 2019, Ánh Viên gây thất vọng ở cả ba nội dung sở trường là 400m hỗn hợp (4 phút 49 giây 76), 400m tự do (4 phút 13 giây 35), và 200m hỗn hợp (2 phút 17 giây 79), khi kém xa thành tích bản thân.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm