Hàn Quốc: Mơ huy chương để được... miễn nghĩa vụ quân sự

28/07/2016 13:44 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Sự xuất hiện ngắn ngủi của Kim Kee-hee tại Olympic 2012 có thể là 5 phút hấp dẫn nhất trong sự nghiệp túc cầu của anh. Kim được tung ra sân ngay trước khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, ấn định chiến thắng 2-0 của Hàn Quốc trước Nhật Bản trong trận tranh huy chương đồng.

Phần thưởng này đảm bảo cho Kim, cùng với những đồng đội trong đội tuyển bóng đá nam Hàn Quốc dự Olympic, không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự tại quê nhà.

Động lực và áp lực

Việc được miễn nghĩa vụ quân sự giúp sự nghiệp của Kim thăng tiến dễ dàng hơn. Tháng 2/2013, anh ký hợp đồng với CLB Shanghai Shenhua và trở thành cầu thủ bóng đá có thu nhập cao thứ 4 Hàn Quốc với mức lương hàng năm khoảng 2,4 triệu USD.

4 năm sau tại Brazil, một thế hệ mới các cầu thủ Hàn Quốc cũng đang kỳ vọng có thể nối bước những đàn anh như Kim.

Tại Hàn Quốc, việc vận động viên mang về những tấm huy chương danh giá được coi là đóng góp lớn cho quốc gia, nên được miễn nghĩa vụ quân sự. World Cup 2002, toàn đội bóng đá nam Hàn Quốc được miễn nghĩa vụ quân sự khi vào tới bán kết của giải đấu. Bây giờ, ưu ái tương tự đang chờ đợi những VĐV giành thành tích cao tại Olympic 2016.

HLV của đội Olympic Hàn Quốc, Shin Tae-yong, thừa nhận rằng vấn đề nghĩa vụ quân sự có thể là con dao hai lưỡi đối với một nhà cầm quân. "Tôi nhận ra những áp lực mà cầu thủ và tôi phải đối mặt do vấn đề miễn nghĩa vụ quân sự". Thách thức đối với ông Shin là phải đảm bảo vấn đề này không trở thành gánh nặng cho toàn đội. "Động lực sẽ tốt hơn nhiều là áp lực", vị HLV này nói.

Ngôi sao trong đội hình của HLV Shin, tiền đạo Son Heung-min, là một trong 3 cầu thủ "quá tuổi" mà mỗi đội được phép điền tên trong đội hình dự Olympic. Mặc dù môn bóng đá tại Olympic không thuộc kiểm soát của FIFA, đồng nghĩa các CLB không có nghĩa vụ giải phóng cầu thủ, nhưng Tottenham vẫn đồng ý cho Son tham dự cùng đội Olympic Hàn Quốc. Nguyên do cũng vì nghĩa vụ quân sự. Không chỉ có cầu thủ được hưởng lợi, việc được miễn nghĩa vụ quân sự cũng sẽ giúp cầu thủ gắn bó lâu dài hơn với CLB, nếu không họ buộc phải bán anh.

Vấn đề nhạy cảm

Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, vấn đề liệu các VĐV có được miễn nghĩa vụ quân sự hay không lại rất nhạy cảm. Tháng 3/2012, tiền đạo Park Chu-young đã tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách xin visa cư trú có thời hạn 10 năm ở của công quốc Monaco, thời điểm cầu thủ này còn đang đá cho AS Monaco.

Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích và giận dữ từ người hâm mộ. Tháng 6 năm đó, Park đã phải tổ chức họp báo ở Seoul để xin lỗi người hâm mộ. Yoo Jee-ho, nhà báo thể thao làm cho hãng thông tấn Yonhap, cho biết sự ủng hộ của công chúng đối với việc miễn nghĩa vụ quân sự cho VĐV đã giảm trong những năm gần đây. Lý do xuất phát một phần từ bê bối của một số ngôi sao nổi tiếng cũng như con trai của chính trị gia trong việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoàn toàn.

"Nếu trước đây mọi người cảm thấy VĐV hoàn toàn xứng đáng được miễn nghĩa vụ quân sự nếu đạt thành tích cao, thì bây giờ nhận thức đã thay đổi một chút".

Dẫu vậy, không tránh khỏi thực tế nó vẫn là mục tiêu hướng đến của VĐV tại Olympic năm nay. Tại Rio, Olympic Hàn Quốc sẽ đá trận mở màn với Fiji ngày 4/8, sau đó chạm trán Đức và Mexico. Mục tiêu của HLV Shin là đưa đội bóng tiến sâu vào tứ kết.

3 Vị trí thứ ba tại Olympic London 2012 là thành tích tốt nhất của bóng đá Hàn Quốc trong khuôn khổ Thế vận hội.

7 Danh sách tuyển Hàn Quốc dự Olympic Rio 2016 có 7 cầu thủ chơi ở nước ngoài, trong đó đáng chú ý nhất là chân sút Son Heung-min của Tottenham.

7 Kể từ năm 1988 đến nay, Hàn Quốc liên tục tham dự Thế vận hội mùa hè, với 7 lần.


Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm