10/01/2016 17:00 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Kéo co không chỉ là một môn thể thao có tính chất di sản với cả nhân loại, mà còn từng là những cuộc tranh tài từng góp mặt ở Olympic vào đầu thế kỷ 20 và đang tìm đường trở lại với Thế vận hội hiện đại.
Có hẳn giải Vô địch kéo co Thế giới
Sau 1920, kéo co với vai trò một môn thể thao chính thức ngày càng mất đi tầm ảnh hưởng. 40 năm sau Olympic Antwerp 1920, lần cuối cùng kéo co tham gia Thế vận hội, Liên đoàn kéo co quốc tế (TWIF) được thành lập. Năm 1965, giải vô địch kéo co châu Âu đầu tiên được tổ chức ở London. Từ 1968 tới 1974, đã diễn ra các giải vô địch châu Âu thường niên và giải vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1975 ở Hà Lan. Mỗi năm kể từ đó, giải VĐTG và vô địch châu Âu diễn ra cứ hai năm một xen kẽ nhau. Kéo co cũng là một nội dung ở World Games, đại hội thể thao diễn ra 4 năm một lần cho các môn không phải Olympic.
Ở các nội dung thi đấu, các đội nam, nữ và hỗn hợp được chia ra theo hạng cân và tham dự các giải ở cấp độ CLB và ĐTQG. Luật thi đấu rất đơn giản: 3 lần kéo, mỗi đội 8 người, đội nào kéo được trung điểm của sợi dây qua khỏi một điểm nhất định chiến thắng. Nhưng sự đơn giản đó chính là vấn đề.
Cathal McKeever là một giám đốc trường học đã về hưu ở Bắc Ireland. Ông cũng là chủ tịch TWIF trong 5 năm qua. “Hãy hỏi vợ tôi, bà ấy sẽ nói tôi dành tất cả thời gian cho kéo co”, McKeever nói. “Từ khi tôi thành chủ tịch, tôi dành cho nó rất nhiều thời gian mỗi ngày. Không có một ngày nào trôi qua mà tôi không tham gia vào một khía cạnh nào đó của kéo co”.
Sở dĩ như thế là vì McKeever đã tự đặt mục tiêu đưa kéo co trở lại với nơi nó từng hiện diện: các kỳ Olympic. Khi bạn đang cố gắng tạo ra một môn thể thao Olympic gần như từ số không, bạn sẽ phải làm việc cật lực, nhất là khi nếu bạn không được trả tiền cho điều đó (McKeever và 4 thành viên của ủy ban điều hành TWIF đều là những tình nguyện viên).
McKeever nói hiện có hơn 60 quốc gia thành viên của TWIF. Nhiều đội mạnh nhất thế giới tập bốn hoặc năm lần trước các giải. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của kéo co khiến nó không thể phổ biến là nó cực kỳ tập trung. Một số vùng đất, ngôi làng, hay thị trấn luôn là nơi sản sinh ra những tay kéo co giỏi nhất. Do không còn là một môn thể thao Olympic, kéo co đã trở thành một truyền thống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, một môn thể thao mà bạn chỉ chơi khi bạn biết nó tồn tại.
“Kéo co là một trong những môn thể thao của những người lớn lên trong những cộng đồng có lịch sử kéo co lâu đời”, McKeever nói. “Và kéo co trở thành một phần của truyền thống cộng đồng đó, gần như ăn vào máu thịt. Qua nhiều năm, nó thường là một môn thể thao của vùng nông thôn, vì bản chất của nó”.
Thế là, trên khắp thế giới, bạn bắt gặp những cộng đồng gìn giữ và cực kỳ say mê môn kéo co, ở Anh, Ireland, Hà Lan, Thụy Sĩ, những cộng đồng đã chơi môn này hàng thế kỷ. Nhưng chính sự bảo tồn địa phương hóa và tập trung hóa cao độ đó khiến kéo co chưa bao giờ đạt tới sự phổ biến cần thiết để là một môn thể thao Olympic. Với một môn thể thao còn mới mẻ, các CLB nghiệp dư, dù đam mê ở đâu, ở Mỹ, Anh, vài nước châu Âu, Nhật Bản, và Trung Quốc, là chưa đủ. “Bạn cần một chương trình phát triển cải thiện các tiêu chuẩn của môn này, đưa những HLV đẳng cấp thế giới tới nhiều vùng khác nhau”, McKeever nói.
Tính đồng đội cao độ
Dù bị đặt bên cạnh những trò như bịt mắt đập nồi hay hai người ba chân, vốn chẳng thể gọi là thể thao, hiếm môn thể thao nào mang tính đồng đội cao độ như kéo co. Nó cũng có các công thức khuôn mẫu, thường bạn sẽ xếp người từ tay kéo thấp nhất tới cao nhất chẳng hạn, và mỗi người thường đảm nhận một công việc khác nhau, nhưng tất cả đều quyết tâm vì một việc duy nhất: kéo hết sức sợi dây thừng.
Mỗi thành viên được yêu cầu hy sinh cho đội. Bất cứ sự sáng tạo hay ngẫu hứng nào cũng phải là một nỗ lực đồng đội. “8 người kéo có giống như một chuỗi xích”, McKeever ví von. “Nó mạnh nhất cũng chỉ bằng mắt xích yếu nhất. Nếu bạn có 7 tay lão luyện, nhưng một người yếu, bạn sẽ chẳng thể đi xa. Trong bóng đá hay bóng bầu dục, bạn có thể vẫn chiến thắng vơi một mắt xích yếu, nhưng điều đó không xảy ra trong kéo co”.
McKeever thậm chí còn đi xa hơn: “Nhiều người không tham gia tích cực vào kéo co coi nó chỉ là một trò chơi địa phương, nghiệp dư cho vui là chính. Chúng tôi không muốn hình ảnh đó ở các giải VĐTG của chúng tôi”. Những nỗ lực như của McKeever đã giúp Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận kéo co là một môn thể thao, một bước tiến lớn. TWIF từng hy vọng kéo co được xem xét ở Olympic 2020, nhưng một danh sách rút gọn các môn thể thao có thể góp mặt vừa công bố gần đây không có kéo co. Nỗ lực tiếp theo sẽ là năm 2024.
Cho tới khi đó, toàn bộ việc đào tạo, phát triển, và phổ biến môn kéo những sợi dây thừng ngoài bãi đất trống sẽ trông cậy cả vào những tình nguyện viên không được trả tiền như McKeever.
Một bức vẽ trên lăng mộ 4.000 tuổi ở Sakkara, Ai Cập đã cho thấy hình ảnh những nam thanh niên trẻ kéo co. Ở nhiều nền văn minh, kéo co là một trò vui thường thấy ở các hội làng. Nhiều quốc gia nông nghiệp cổ đại có những hoạt động kéo co rõ ràng: Myanmar, Congo, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Hawaii, New Guinea, New Zealand, và cả Việt Nam. Ở Triều Tiên, các ngôi làng thời cổ đại còn có tập tục dùng kéo co để giải quyết tranh chấp. Hình ảnh kéo co cũng đã được đưa vào kỷ niệm chương của Olympic Seoul 1988. |
Kéo co ở các giải VĐTG hay châu Âu là cuộc chơi giữa những VĐV trong trang phục tươm tất và có một đôi giày chuyên dụng, được sản xuất bởi các hãng thể thao hàng đầu thế giới. Thậm chí, có cả giày chuyên đấu ngoài trời (trên sân cỏ) và trong nhà (thảm). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất