09/11/2021 10:11 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Việc Novak Djokovic phục hận trước Daniil Medvedev không khiến nhiều người ngạc nhiên, song những nét mới trong chiến thuật và những cú quả của anh thì rất đáng lưu tâm.
"Mỗi lần tay vợt số một thế giới lên lưới, lợi thế trong trận chung kết Rolex Paris Masters lại thuộc về anh", ký giả Steve Tignor đã nhận định như thế trên bài viết của mình trên trang Tennis.com.
Djokovic cần thay đổi
Liệu một nhà vô địch đã có tuổi có thể tiếp tục trụ vững trên đỉnh cao nhờ vũ khí mới? Ở tuổi 34? Khi anh ta đã thi đấu chuyên nghiệp 16 năm và giành thắng lợi 982 trận? Nếu là Novak Djokovic thì câu trả lời sẽ là có, nhất là sau khi chúng ta chứng kiến anh giành thắng lợi 4-6, 6-3, 6-3 trước Daniil Medvedev ở Paris để nâng cao kỷ lục 37 danh hiệu Masters 1000.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Djokovic là một tay vợt chuyên đứng sâu ở baseline. Ở vị trí đó, rất ít người đánh hay hơn anh. Trong phần lớn các trận đấu của mình, Djokovic theo trường phái đánh chắc chắn, phòng thủ tốt, và các đối thủ sẽ phải thay đổi nhằm tìm ra phương thức phá vỡ nhịp điệu chắc chắn ấy, chứ không phải là anh.
Nhưng sau khi thua Medvedev ở 4 trong số 9 lần đối đầu trước đây, Djokovic phát hiện ra rằng lối chơi quen thuộc của anh không phải lúc nào cũng có thể khắc chế được các đối thủ. Với tốc độ, sải tay dài và sự kiên định không thể lay chuyển của mình, Medvedev là một trong số ít tay vợt có thể liên tục giành chiến thắng trong các pha bóng bền khi đối mặt với Djokovic. Hai tháng trước, anh đã làm được như thế ở chung kết US Open. Và vừa rồi, tay vợt người Nga tiếp tục thành công ở set đầu tiên của trận chung kết Paris Masters.
Nhưng lần này, Djokovic đã có sự chuẩn bị. Anh ý thức được rằng sở trường của mình cũng có lúc không thể phát huy tác dụng. Trước trận đấu, anh bảo rằng mình đã xem đi xem lại video trận chung kết US Open để xem điều gì đã xảy ra hôm đó, để xem anh có thể làm điều gì đó khác biệt, và có thể đọc được những cú giao bóng của Medvedev tốt hơn.
Djokovic đã làm thế nào?
"Bạn không thể vượt qua được cậu ta với lối đánh bình thường được", Djokovic chia sẻ trên Tennis Channel, "Cần phải một cách tấn công mạnh mẽ có kiểm soát. Mà cũng không thể hùng hổ quá được, vì bạn rất có thể sẽ thua trận bởi những lỗi tự đánh hỏng (unforced error). Phải để cậu ta chơi, dẫn cậu ta theo lối chơi của mình".
Nole vẫn xứng đáng là số 1
Lý thuyết là thế, nhưng thực tế như thế nào mới quan trọng. Sau khi thua set đầu, Djokovic quyết định lên lưới với tần suất nhiều hơn bình thường. Và anh không chỉ làm như thế ở các pha bóng bền mà còn áp dụng chiến thuật "serve and volley" như những năm 90 của thế kỷ trước với những tên tuổi như Becker và Edberg, và mặt sân ở Bercy cũng nhanh chẳng kém mặt sân cỏ. Và chiến thuật lên lưới ấy đã hiệu quả khi anh ăn điểm ở 27 trong 36 lần lên lưới, trong khi Medvedev ăn điểm 9 lần trong 13 lần lên lưới. Rõ ràng, đây là một phương án hiệu quả.
"Đó dĩ nhiên là một trong những phương án chiến thuật khi đối đầu với cậu ta", Djokovic nói về đối thủ, "Bởi vì Medvedev đứng khá xa. Hãy mở rộng sân bằng những cú giao bóng rộng, rồi sau đó bước lên".
Nhưng Djokovic không chỉ hưởng lợi từ việc giành điểm trên lưới. Việc áp dụng chiến thuật truyền thống ấy còn mang lại những lợi ích khác. Sau khi cú giao bóng của anh vào trong sân, mà không nhất thiết phải cố đánh khó để giành điểm, những cú đánh của anh đã ổn định hơn. Việc Nole thành công ở 12 trong số 14 cú giao bóng một trong set thứ ba là một minh chứng. Khi trở lại baseline, anh đã trở nên đáng gờm hơn, mạnh mẽ hơn. Và có lẽ lợi ích lớn nhất chính là việc anh đã tìm ra cách thức để gây sức ép với Medvedev và loại bỏ tay vợt này. Thực tế, đến cuối set thứ ba, những lỗi đánh hỏng của tay vợt người Nga đã xuất hiện với tần suất nhiều hơn hẳn.
Tất nhiên, một trận đấu không thể nói lên mọi thứ. Nole, sau khi nâng tỷ số đối đầu với Medvedev lên 6-4, vẫn thừa nhận rằng đây là một đối thủ lớn thực sự và sẽ còn tiến bộ nữa. "Chúng tôi đều đã đẩy nhau đến giới hạn. Sẽ cần những điều chỉnh, cần thêm thời gian. Càng chơi, tôi càng hiểu mình cần phải thi đấu với cậu ta thế nào", Djokovic nhận xét, "Cậu ta sẽ còn tiến bộ. Tôi nghĩ điều quan trọng với môn thể thao này là có thêm một kình địch nữa".
Medvedev được xem như lá cờ đầu của thế hệ NextGen. Tay vợt người Nga đã trưởng thành, đã trở thành một ngôi sao lớn. Nhưng ở tuổi 34, Djokovic vẫn chứng tỏ rằng anh xứng đáng là số 1 của làng banh nỉ.
Hồ sơ: Cột mốc đáng nhớ của Nole Chỉ trong vòng vài ngày, Djokovic lập hai kỷ lục: 1) Lần thứ 7 kết thúc năm ở ngôi số một thế giới (vượt Sampras), và 2) Giành 37 danh hiệu Masters 1000 (vượt Nadal). Ngoài ra, đây cũng là năm thứ 10 trong sự nghiệp, Nole giành được ít nhất 5 danh hiệu ATP/mùa. Djokovic đã giành được tổng số 86 danh hiệu ATP, trong đó nhiều nhất là mùa giải 2015 (11 danh hiệu). Tiếp theo là 2011 (10), 2013, 2014, 2016 (7), 2012 (6), 2007, 2009, 2019, và 2021(5). Ngoài ra còn những mùa giải anh giành ít hơn 5 danh hiệu là 2008, 2018, 2020 (4), 2006, 1010, và 2017 (2). Theo thống kê, Djokovic là tay vợt thứ 3 trong kỷ nguyên Open giành được ít nhất 5 danh hiệu ATP trong 10 mùa giải khác nhau, sau Jimmy Connors và Roger Federer. Cụ thể như sau: 11: Jimmy Connors (1972, 1973, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978, 1979, 1980, 1982, 1984) 10: Roger Federer (2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2010, 2012, 2014, 2015, 2017) 10: Novak Djokovic (2007, 2009, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2019, 2021) 9: Rafael Nadal (2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2013, 2017, 2018) 9: Ivan Lendl (1980, 1981, 1982, 1983, 1985, 1986, 1987, 1989, 1990) |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất