10/08/2013 14:10 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Đã viết hơn 130 cuốn sách được dịch ở 69 nước, có nhiều sách bán chạy ở cả Việt Nam, nữ nhà văn Danielle Steel vẫn luôn gặp một câu hỏi khó chịu từ vài người đàn ông quen biết, đến nỗi bà phải viết lên blog để giải tỏa.
Câu hỏi đó không phải là một lời tán tỉnh khiếm nhã, nhưng vẫn khiến nhà văn bực mình, đó là “Chị vẫn còn viết sách sao?”. Câu chuyện được nữ tác giả chia sẻ trong tuần này, trên trang blog riêng DanielleSteel.net, với bài viết mới nhất Are you still a Brain Surgeon? (Bạn vẫn còn là một bác sĩ phẫu thuật não sao?)
Lý do khiến Steel nổi giận là vì câu hỏi đó cho thấy người hỏi coi viết lách, cụ thể là việc viết lách của chính bà, chỉ như một sở thích làm khi rảnh rỗi. Trong khi với bà, viết là một sự nghiệp phải theo đuổi cả đời và toàn thời gian, cũng có thể so sánh với sự nghiệp của một bác sĩ phẫu thuật, chứ không phải lúc làm lúc nghỉ.
Danielle Steel - tiểu thuyết gia còn sống có sách bán chạy nhất thế giới hiện nay
“Vì Chúa, tất nhiên là tôi vẫn viết”
Câu chuyện của Steel như sau: “Thỉnh thoảng, trong một bữa tiệc, khi tôi gặp lại một người đàn ông quen biết đã lâu không gặp, sau lời chào, anh ta sẽ hỏi: Vậy, chị vẫn còn viết sách chứ? Điều đó khiến tôi đoán ngay rằng anh ta không hề theo dõi mục sách bán chạy của New York Times, không đọc Wall Street Journal, hoặc nói chung chẳng đọc bất cứ thứ gì”.
“Phải, tôi vẫn viết” - nữ nhà văn nhấn mạnh. “Tại sao tự nhiên lại xếp viết lách vào nhóm sở thích của tôi vậy? Họ hỏi như thể vẫn hỏi thăm: Vậy, chị vẫn tập đàn à? Chị vẫn đeo dây chuyền à? Chị vẫn nuôi vẹt à?”
“Tôi không phải là người có lòng tự tôn quá cao về công việc của mình, nhưng hãy hiểu cho, với tôi đó là một công việc. Công việc mà tôi yêu quý và tôi đã làm từ năm 19 tuổi. Tôi đã lập kỷ lục Guinness thế giới về sách bán chạy trong nhiều tuần lễ nhất (kỷ lục 381 tuần đứng đầu danh sách bán chạy của New York Times - TT&VH). Bởi vậy, vì Chúa, tất nhiên là tôi vẫn viết. Đó là nghề nghiệp đã nuôi sống gia đình tôi và giúp các con tôi được đi học”.
Với một nhà văn, câu hỏi đó là một sự xúc phạm nhiều hơn là một lời thăm hỏi. “Người ta đã hỏi như thế từ năm tôi 35 tuổi” - Steel kể. Với bà, câu hỏi như vậy thể hiện một suy nghĩ rằng: Phụ nữ viết sách mà có vài cuốn sách thành công là coi như dừng lại được rồi, không cần phấn đấu thêm nữa. Giờ đây, khi bà đã 65 tuổi, người ta vẫn hỏi. “Và như vậy thì còn xúc phạm hơn bởi người ta nghĩ tôi đã quá già để tiếp tục viết, mặc dù tôi đã già đến vậy đâu chứ”.
Anh vẫn làm bác sĩ phẫu thuật não chứ?
Và đáng lưu ý là chỉ có nam giới hỏi như vậy, còn những phụ nữ mà bà gặp thì không. Nữ nhà văn kể: “Đàn ông hỏi như vậy cho thấy họ đánh giá những gì tôi viết là không quan trọng. Dường như đàn ông không thoải mái vì thành công của tôi. Tôi chưa từng hỏi ai trong số họ những câu hỏi kiểu như: À, anh vẫn làm luật sư chứ? Anh vẫn làm bác sĩ phẫu thuật não chứ? Tôi mà hỏi thế thì thật là ngu ngốc. Còn đàn ông, họ phải tìm mọi cách để hạ thấp thành công của phụ nữ hay sao ấy”.
Điều khiến Steel tức giận đến thế với chỉ một câu hỏi là bà không phải một nhà văn vô danh và vô hình trên các kệ sách. Mỗi khi người ta vào hiệu sách, mở một tờ báo ra, hoặc đọc ở đâu đó, họ đều dễ dàng nhận ra bà vẫn viết, có tác phẩm chứng minh hẳn hoi (điều này thì không khó thấy, cả các hiệu sách Việt Nam cũng vẫn bán sách của bà, thường xếp chung giá với sách của nhà văn nam giới Sidney Sheldon).
“Tôi thích nói chuyện với những người đàn ông không e ngại thành công của phụ nữ” - Steel tuyên bố.
Dù đã sáng tác khoảng 130 cuốn sách, Steel vẫn viết tiếp. Tiểu thuyết mới nhất của bà là First Sight |
Để chứng tỏ không phải mình theo thuyết nữ quyền cực đoan, nữ nhà văn đã dẫn chứng thêm trường hợp một người bạn nữ của bà, một phụ nữ thành đạt. Chính người bạn này cũng gặp phải những câu hỏi tương tự từ đàn ông. Điều đó giúp Steel nhận ra rằng không chỉ bà mới gặp phải định kiến giới.
“Bạn tôi là một nhà thiết kế nội thất tài năng và đã thành công trong nhiều năm rồi. Vài năm trước đây, chị ấy mở một công ty sản xuất giày – một ngành nghề khác xa với những gì chị làm trước đó. Để học hỏi về sản xuất giày, chị đã đi Việt Nam, Trung Quốc, Brazil và Mexico. Và rồi chị đã có giày bán ở các tiệm lớn ở Mỹ và Paris. Chị đã làm việc vất vả và đầy sáng tạo, nhưng cuối cùng cũng nhận được câu hỏi như tôi: Chị vẫn sản xuất giày sao?”.
Danielle Steel sinh năm 1947, hiện là nhà văn còn sống có sách bán chạy nhất, và đứng thứ 4 trong số các nhà văn có sách bán chạy của mọi thời đại. Bà đã viết 130 tiểu thuyết, có sách dịch ra 43 thứ tiếng ở 69 quốc gia. Tổng cộng sách của bà đã được tiêu thụ hơn 800 triệu bản. Tiểu thuyết mới nhất của Steel là First Sight (Cái nhìn đầu tiên), viết về giới thời trang, xuất bản hồi tháng 7 năm nay. Có đến hàng chục đầu sách của Danielle Steel đã xuất bản ở Việt Nam, một số cuốn nổi bật: Những cánh hoa lạc loài, Căn nhà trên phố Hy vọng, Tình hè rực lửa, Ánh sao chiều, Người đàn ông tuyệt vời… |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất