Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II Đỗ Đình Kháng: 'Nhiều khả năng cử tạ Việt Nam mất suất dự Olympic Tokyo'

25/11/2020 06:06 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Ngày 23/11, thể thao Việt Nam đón nhận thông tin 2 lực sĩ cử tạ vô địch trẻ thế giới 2019 Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng bị cấm thi đấu 4 năm vì sử dụng chất cấm.Trước đó, năm 2019, 2 lực sĩ khác của chúng ta là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh cũng đã bị cấm thi đấu đến 4 năm và bị phạt 5.000 USD vì dương tính với doping.

Hai lực sỹ cử tạ Việt Nam bị cấm thi đấu 4 năm vì doping

Hai lực sỹ cử tạ Việt Nam bị cấm thi đấu 4 năm vì doping

Theo thông báo mới nhất từ Liên đoàn cử tạ thế giới, Bùi Đình Sáng và Nguyễn Thị Thu Trang, hai đô cử của cử tạ Việt Nam chính thức bị cấm thi đấu 4 năm vì sử dụng chất cấm (doping).

Với những quy định của Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) thì nhiều khả năng bộ môn cử tạ Việt Nam sẽ bị cấm tham dự Olympic Tokyo vào năm 2021. Thể thao & Văn hóa đã có những trao đổi cùng ông Đỗ Đình Kháng, Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam để nắm bắt thêm những vấn đề liên quan.

* Thể thao&Văn hóa: 2 lực sĩ cử tạ của Việt Nam được Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) lấy mẫu xét nghiệm và công bố sử dụng chất cấm cũng như bị Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) cấm thi đấu quốc tế trong vòng 4 năm, ông có thể thông tin chi tiết về vấn đề này như thế nào?

- Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, ông Đỗ Đình Kháng: Tôi xin xác nhận đây là thông tin chính xác. 2 đô cử Việt Nam bị cấm là Nguyễn Thị Thu Trang (17 tuổi), từng giành HCV giải Vô địch trẻ thế giới hạng 45kg nữ vào năm ngoái, và Bùi Đình Sáng (18 tuổi), từng đoạt HCV hạng 61kg nam tại giải vô địch trẻ thế giới 2019 tại Mỹ.

Cả 2 đô cử trẻ của Việt Nam đều dương tính với chất cấm trong các cuộc kiểm tra ngoài giải đấu và đã bị đình chỉ thi đấu trong 4 năm từ ngày 27/01/2020 đến 26/01/2024.

Thời điểm 2 đô cử của chúng ta tham dự tại giải vô địch trẻ thế giới vào tháng 3 năm 2019 thì không có vấn đề gì cả. Lúc đó, khi 2 VĐV của mình thi đấu và giành được huy chương như thế thì theo quy định đã được BTC cho lấy mẫu thử và không vi phạm điều gì về sử dụng chất cấm trong quá trình tham gia tại giải đấu này.

Sau đó, khi từ giải đấu này trở về thì địa phương Hà Nội có công văn xin cho 2 VĐV này đi tập huấn cùng đơn vị chủ quản tại Trung Quốc. Đến tháng 11 năm 2019 thì đoàn của tổ chức Phòng chống doping Quốc tế (WADA) sang Trung Quốc để tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các VĐV và vài tháng sau thì tổ chức WADA thông báo 2 VĐV của chúng ta dính vào danh mục sử dụng chất cấm.

Chú thích ảnh
Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, ông Đỗ Đình Kháng

Sau đó, theo đúng trình tự thì mình đề nghị các VĐV làm thư giải trình cụ thể sự việc. Vừa rồi, dựa theo kết quả và thông báo của tổ chức WADA thì Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) đã gửi quyết định chính thức về án phạt và cấm thi đấu cho chúng ta rồi.

Ngoài việc lấy mẫu kiểm tra doping ở các giải đấu thì tổ chức WADA sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên, bất ngờ vào thời điểm VĐV không chuẩn bị cho giải đấu quốc tế nào để kiểm tra. Trong quá trình tập luyện, các VĐV cũng có thể được mở mẫu và lấy mẫu.

Do đó, nếu các VĐV có sử dụng chất trong thời gian tập luyện cũng sẽ bị phát hiện. Thường thì khoảng thời gian không thi đấu, cũng sẽ xảy ra trường hợp các VĐV dùng doping để tăng cường sức mạnh cơ bắp, hạn chế chấn thương.

Việc 2 đô cử Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng vừa bị phát hiện sử dụng chất cấm và cấm thi đấu nằm là ở ngay thời gian các bạn ấy tập huấn, tập luyện nước ngoài cùng đơn vị địa phương chủ quản như thế.

Chú thích ảnh
Cơ hội tham dự Olympic Tokyo của Thạch Kim Tuấn đang bị đe dọa vì một sự cố hoàn toàn không liên quan tới anh. Ảnh: Hoàng Linh

* Theo quy định của IWF, bất kỳ quốc gia nào có từ 3 VĐV trở lên dương tính doping trong thời gian diễn ra thi đấu vòng loại, sẽ nhận các án phạt nghiêm khắc, thậm chí là cấm tham dự Olympic Tokyo. Cho đến lúc này thì chúng ta đã nhận quyết định hay thông báo chính thức về vấn đề này từ IWF hay chưa?

- Việc dính doping của 2 VĐV thì chính xác rồi và tổ chức WADA cũng như IWF cũng đã gửi thông báo cho chúng ta.

Riêng chuyện bộ môn cử tạ chúng ta có bị cấm thi đấu tại Olympic hay không thì còn phải chờ những quyết định tiếp theo. Tuy nhiên, theo những quy định của IWF thì trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic (từ 01/11/2018 đến 30/04/2020) nếu quốc gia nào có từ 3 VĐV trở lên dương tính với doping thì sẽ đối diện với các án phạt cụ thể.

Theo những quy định này thì có thể xảy ra các trường hợp như cử tạ Việt Nam sẽ bị cắt giảm số lượng VĐV tham dự (ví dụ có 4 vé thì chỉ còn 1-2 suất), hoặc bị cấm tham dự hoàn toàn. Cho đến thời điểm này thì chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào từ Liên đoàn Cử tạ Thế giới về việc này và chúng ta vẫn đang phải chờ.

Nếu án phạt đưa ra như thế theo quy định thì rất đáng tiếc cho chúng ta vì cử tạ Việt Nam hiện có 2 VĐV là Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên đủ điểm tham dự Olympic, còn đô cử Vương Thị Huyền vẫn còn cơ hội tranh chấp suất dự Olympic Tokyo.

* Có thể thấy rằng những sự việc như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và gây ra nhiều tổn thất cho bộ môn cử tạ của chúng ta. Vậy thì, cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp thế nào trong thời gian sắp đến, thưa ông?

- Đúng là sự việc những VĐV bị án phạt vì sử dụng chất cấm như thế quả là đáng tiếc. Tiếc nhất là ở chỗ những VĐV trọng điểm, được đầu tư và thi đấu quốc tế nhiều cũng như thường xuyên được lấy mẫu thì đảm bảo được và không xảy ra vấn đề gì cả.

Như trường hợp của đô cử Thạch Kim Tuấn hay những VĐV đang có khả năng tham dự Olympic thì không vấn đề gì hết. Cho nên, khi có những VĐV bị phát hiện trong lúc tập huấn với địa phương như thế lại gây ra ảnh hưởng đến VĐV khác của chúng ta.

Mỗi khi các địa phương, trung tâm xin VĐV trên các đội tuyển quốc gia về để đi tập huấn riêng thì cá nhân tôi rất lo ngại. Nhưng vì không có được đầy đủ điều kiện nên cũng phải để cho các em về được địa phương có nguồn lực, có điều kiện cũng rất mừng nhưng lại khó để quản lý, kiểm soát.

Chúng ta cũng có những bước chuẩn bị, quy định hay cả khung pháp lý nhưng cũng rất khó để áp dụng hay xử phạt VĐV. Chúng ta vẫn chưa có hết được các điều kiện để kiểm tra tất cả các VĐV, thường thì quốc tế người ta kiểm tra, phát hiện ở các giải đấu và trong lúc tập luyện như thế.

Cũng đã có thời điểm, IWF yêu cầu các Liên đoàn thành viên công bố thời gian tổ chức các giải đấu để họ kiểm tra VĐV.

Chúng ta đã tham gia Tuyên bố Copenhagen về chống doping trong thể thao nên sẽ phải chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức và Liên đoàn quốc tế về nội dung này. Do đó, chúng ta làm rất nghiêm túc ở những VĐV trọng điểm và không xảy ra việc gì thì sự cố lại nằm vào những VĐV địa phương trong tập luyện hay thi đấu trong nước.

Chúng ta luôn làm rất “sạch” các VĐV của ĐTQG thì lại bị những VĐV khác vượt mặt khi sử dụng các chất cấm để gây ra ảnh hưởng như thế. Đây là mâu thuẫn rất lớn để các VĐV nghiêm túc sẽ chịu ảnh hưởng từ những VĐV khác gây ra.

Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, kêu gọi các HLV, VĐV tuân thủ việc phòng chống doping, ngay cả thời gian không thi đấu, tiếc là vẫn có tư tưởng xem nhẹ việc quan trọng này. Kêu gọi lòng tự trọng và sự chuyên nghiệp trong các hoạt động thể thao, đừng vì thành tích trước mắt mà gây ra ảnh hưởng cũng như tác động lâu dài cho thể thao nước nhà.

Bên cạnh đó, thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng để có thể làm tốt công tác kiểm tra doping cũng đặt ra khung pháp lý rõ ràng và những biện pháp xử lý quyết liệt hơn cho vấn đề này.

* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm