SEA Games tới, nhớ về Nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang

31/01/2022 15:47 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Bạn nghề 30 năm có lẻ “đặt hàng” bài báo Tết, phản xạ có điều kiện đầu tiên của người viết là từ chối. Là bởi cạn vốn đề tài và “choáng” trước khối lượng khổng lồ thông tin về Anh từ mọi khía cạnh của cuộc đời hơn 60 năm cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Người con của gia đình danh giá chọn vào đời bằng con đường VĐV đã có đủ mọi danh xưng: Anh hùng lao động, Giám đốc, Chủ tịch, Tổng thư ký… nhưng với tôi, đơn giản anh là Nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang (1946-2021).

Thể thao Việt Nam và SEA Games: Trâu Vàng khẳng định, tiến bước Sao La

Thể thao Việt Nam và SEA Games: Trâu Vàng khẳng định, tiến bước Sao La

Sau 19 năm, Việt Nam một lần nữa trở thành điểm đến của ngày hội lớn nhất thể thao Đông Nam Á với vai trò là chủ nhà SEA Games 31 diễn ra vào năm 2022. Ngoài việc khẳng định vị thế là nằm trong nhóm quốc gia hàng đầu, Việt Nam còn đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển nền thể thao khu vực với những cải tổ mạnh mẽ trong chương trình thi đấu đại hội.

Năm cuối phổ thông, tình cờ cuốn vở môn học mà tôi yêu thích nhất lại được bọc bởi trang báo Thể thao Việt Nam. Tấm ảnh cú vắt người qua xà lập kỷ lục nhảy cao quốc gia với thành tích 1m96 nằm chễm trệ trên trang bìa cuốn vở đã gây dấu ấn trong tôi cái tên Hoàng Vĩnh Giang. Hơn chục năm sau, khi đã nhiều lần tiếp xúc, phỏng vấn vị Phó giám đốc sở TDTT Hà Nội trong vai phóng viên thể thao của Thông tấn xã Việt Nam, tôi mới có dịp thổ lộ với Anh chi tiết như là duyện phận giữa hai anh em này.

Cảm nhận đầu tiên của số đông khi tiếp xúc với nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang là cái thân tình, bặt thiệp và khá chỉn chu theo phong cách người Hà Nội xưa. Vốn kiến thức khổng lồ về hầu hết các môn thể thao được anh tích lũy qua đọc, quan sát thực tế, rồi phân tích thấu đáo, nhìn nhận theo góc riêng cộng với khả năng giao tiếp bằng 3-4 ngoại ngữ khiến đa số nhà báo, bạn nghề, cấp dưới đều có thể cảm nhận.

Những năm đầu Thể thao Việt Nam hội nhập với bè bạn khu vực và châu lục khi đất nước mở cửa đổi mới, hình ảnh một ông quan chức của đoàn thể thao nước nhà dự SEA Games hay ASIAD đang ngồi ở khu khán đài VIP cầm máy quay mini tự ghi hình các diễn biến của môn đấu. Điều này khá lạ mắt với các chức sắc thể thao bè bạn. Đôi khi sau phần lễ nghi, anh dời vị trí, thay bộ lễ phục, chọn chỗ ngồi bình dân, hòa mình với đội thể thao hay cánh báo nhà để thực thi nhiệm vụ của một camera.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Vĩnh Giang chia vui cùng tuyển thủ cử tạ Hoàng Anh Tuấn sau khi giành tấm HCB Olymic Bắc Kinh 2008. Ảnh: Quang Thắng

Nhiều môn, phân môn thể thao “cũ người mới ta” được Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đặt nền móng ban đầu từ thói quen này của anh. Sau SEA Games Malaysia 1989 và ASIAD 1990 mà Thể thao Việt Nam lần đầu hội nhập trở lại, anh mang về mấy quyển luật Wushu, Pencak Silat, nhảy cầu… cùng nhiều cuốn băng chuyên môn tự quay hay mua được. Để rồi chỉ 4 năm sau, Nguyễn Thúy Hiền đem ngôi vô địch thế giới đầu tiên về. Và đội tuyển Pencak Silat đứng đầu SEA Games Brunei 1999 với 7 tấm HCV, chỉ 4 năm sau kỳ phó hội đầu tiên ở Chiangmai (Thái Lan) 1995. Cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, golf vẫn là môn thể thao được (hay bị) coi là xa hoa, không phù hợp với Thể thao Việt Nam. Nhưng ít ai biết cuốn luật và sách hướng dẫn tập luyện golf đầu tiên trên dải đất chữ S là do anh và chuyên gia Goden chuyển ngữ phổ cập.

Muốn có nhiều huy chương cần tăng nhanh nội dung thi đấu ở hầu hết các môn thi có trong các kỳ Đại hội, tập trung đầu tư cho nội dung cá nhân ở các môn sở trường: Võ thuật và bắn súng (trong giới thường đùa là sở trường “bóp-đấm-đá-đạp”), ưu tiên nữ VĐV… Chiến lược “đi tắt, đón đầu” mang danh Hoàng Vĩnh Giang đã manh nha khởi phát từ những lần đầu tiên cùng đoàn Thể thao Việt Nam phó hội như thế đó.

Ở thời điểm này nhìn lại, nó có thể không còn là chiến lược, là chuẩn xác. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh kinh tế, xã hội và thực lực của nền thể thao nước nhà đầu thập niên 90 thế kỷ trước thì “đi tắt, đón đầu” chính là con đường sáng và chuẩn để Thể thao Việt Nam nhanh chóng vượt lên Top 3 Đông Nam Á, lấy ngôi đầu toàn đoàn thuyết phục khi đăng cai SEA Games 2003.

Chú thích ảnh
Bức ảnh ông Hoàng Vĩnh Giang lập kỷ lục quốc gia môn nhảy cao nam với thành tích 1m96 năm xưa

Căn phòng làm việc của Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đặt tầng 3 ngôi nhà 10 phố Trịnh Hoài Đức luôn rộng cửa không chỉ với báo giới. Đây cũng chính là nơi phôi thai hình thành tờ báo Văn hóa & Thể thao Hà Nội (sau đổi tên thành Thể thao Ngày nay) vào tháng 5/1995. Nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang thường gọi các nhà báo một cách thân tình bằng biệt danh, mở cửa đón khách, dịch chuyển cái bàn trà lấy không gian để… ngồi bệt xuống thảm, khuỳnh hai tay tựa vào chiếc salon màu xanh dương. Không gian và khoảng cách chủ - khách được kéo gần, đủ chỗ cho buổi phỏng vấn, trao đổi diễn ra thoải mái mà hiệu quả.

Chỉ vất vả cô cháu thư ký tất bật chạy đi chạy lại tìm kiếm vì giám đốc nhiều tài liệu, lại luôn thích “nói có sách, mách có chứng”. Từ nền tảng trên 40 môn và phân môn thể thao đầu tư những năm đầu thế kỷ ấy, cho đến nay, ngành thể thao Thủ đô không chỉ vươn lên dẫn đầu cả nước mà còn luôn góp tới 30% số VĐV và huy chương cho các đoàn Thể thao Việt Nam trong mỗi kỳ đại hội khu vực và châu lục.

Tết Nhâm Dần này, nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang đang phiêu diêu miền cực lạc, hẳn sẽ luận bàn với những người bạn, người em về số lượng huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam trong kỳ thứ hai đăng cai tổ chức SEA Games trên sân nhà. Với nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang, huy chương chính là thước đo giá trị công việc mà cả cuộc đời anh đã tận hiến cho nền thể thao quốc gia.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Thể thao Việt Nam đã có mặt ở 2 kỳ Olympic mùa Hè là: Moscow 1980 và Seoul 1998, và tại Đại hội thể thao mùa Hè châu Á - ASIAD năm 1982 (Ấn Độ), xạ thủ súng ngắn bắn nhanh Nguyễn Quốc Cường còn mang về tấm HCĐ ngoài dự báo, nhưng lần trở lại đấu trường khu vực - SEA Games 15 tổ chức tại Malaysia năm 1989 mới thực sự có ý nghĩa quyết đ̣nh cho sự phát triển sau này của thể thao nước nhà.

63 thành viên, trong đó có 46 VĐV dự tranh 8 môn: điền kinh, bơi, bắn súng, bóng bàn, bóng chuyền nữ, thể dục dụng cụ, quyền Anh và quần vợt - Thể thao Việt Nam đã tung hết lực lượng "chơi được" của mình vào lần trở lại sân chơi thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á không gì khác ngoài mục tiêu thử sức để tìm ra hướng đi phù hợp.

Và dù chỉ với 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ của 3 môn bắn súng, bóng bàn, quyền Anh, nhưng lúc đó một lộ trình mới mang tên "Con đường SEA Games" đã được vạch ra với phương châm "đi tắt, đón đầu" mà tác giả là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội (cũ) ông Hoàng Vĩnh Giang, người có mặt trong thành phần Lãnh đạo đoàn Thể thao Việt Nam tại Malaysia 1989.

"Hòa nhập trước tiên cần du nhập

Phổ cập, đỉnh cao cứ song hành

Đón đầu những môn khu vực yếu

Chú tâm những chốn huy chương nhiều

...

Vượt qua thử thách Vàng quốc nội

SEA Games là chiến địa tung hoành

Chọn môn tiếp cận hàng châu lục

Lựa môn đọ sức, phục hoàn cầu".

Hơn 30 năm trước, Con đường SEA Games của Thể thao Việt Nam ra đời và được "bó gọn"như thế trong chính bài thơ mang tựa đề "Gửi gắm" của tác giả. Cũng chính con đường này đã đưa Thể thao Việt Nam cất cánh để hôm nay tiếp tục vươn tới những mục tiêu xa hơn - Châu lục, thế giới; Olympic.

Lê Huân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm