SỰ TIẾN HÓA KỲ LẠ CỦA ROGER FEDERER
(lienminhbng.org) - Bài viết của Peter de Jonge cho báo Mỹ The New York Times.
Vào gần cuối cuộc trò chuyện với Roger Federer trong tháng 8 vừa rồi, trong một căn phòng ăn nhỏ được dành riêng cho chúng tôi ở hành lang của khách sạn Mount Stephen tại Montreal, tôi đã hỏi anh có tình cờ xem được những giây xót xa cuối cùng kết thúc sự nghiệp huy hoàng của Usain Bolt trên đường chạy 100 mét 2 ngày trước đó ở giải Vô địch điền kinh thế giới hay không. Bolt về đích hạng 3 đầy thất vọng, sau kình địch lâu năm của anh Justin Gatlin và một VĐV chạy nước rút người Mỹ khác, Christian Coleman. “Tôi đã định xem, nhưng rồi lỡ mất”, Federer nói. “Nên tôi chỉ xem lại phần điểm tin”.
"Anh nghĩ sao?", tôi hỏi anh ấy.
“Anh biết đấy, có thể việc anh ấy không chiến thắng là một tiếc nuối”, Federer nói về VĐV cũng vào loại vĩ đại nhất mọi thời như anh. “Nhưng suy nghĩ của tôi về anh ấy không thay đổi dù anh ấy có thắng hay không. Tôi đã qua lâu rồi cái thời phải kết thúc sự nghiệp bằng một câu chuyện cổ tích. Ai có vẻ cũng muốn điều đó - đáng kể nhất là báo chí - và nếu ta không thắng, thì phản ứng là: ‘Ôi trời! Chuyện thần tiên đã không xảy ra!’. Nên với tôi, kết thúc như thế này cũng không tồi”.
Federer tròn 36 tuổi hôm 8/8. Với người hâm mộ của anh - gần như là bất kỳ ai từng xem anh thi đấu - 2017 quả là một câu chuyện thần tiên. Dù anh lớn hơn gần nửa thập niên so với độ tuổi mà Bolt cuối cùng cũng vấp ngã, Federer đang ở giữa một giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ hiếm thấy với bất kỳ môn thể thao nào.
Sau 6 tháng vắng mặt năm 2016 để dưỡng thương đầu gối, anh tới Melbourne tháng 1 vừa rồi cho giải Australian Open mà chỉ đánh đúng một giải khởi động, để rồi thi đấu ấn tượng, giành Grand Slam đầu tiên kể từ năm 2012, đánh bại kình địch của anh, Rafael Nadal, trong trận chung kết. Và rồi, sau khi chứng tỏ rằng chiến thắng luôn là điều khả thi với việc đánh bại Nadal còn thuyết phục hơn nữa ở Indian Wells, California, và Miami, anh lặp lại những gì đã làm năm trước, lần này bỏ toàn bộ mùa giải đất nện trước khi trở lại giành chiến thắng thứ 8 ở Wimbledon, một kỷ lục, cũng là danh hiệu lớn thứ 19 của anh, mà không thua một set nào.
Federer không chỉ đang chơi trái hẳn với tuổi tác của mình; những chuyên gia quần vợt lão luyện như Rod Laver, tay vợt vĩ đại người Australia, Mats Wilander, nhà vô địch Grand Slam 8 lần người Thụy Điển, và Brad Gilbert, HLV, BLV, và cựu tay vợt chuyên nghiệp, tin rằng Federer còn đang chơi thứ quần vợt hay nhất sự nghiệp. Khi giải Mỹ mở rộng mở màn tuần rồi, anh là một ứng viên hàng đầu bất chấp chấn thương ở lưng. Nếu vô địch, anh sẽ có 3 Grand Slam trong một năm, lần gần nhất Federer làm được điều này là khi 26 tuổi. Hãy nghĩ mà xem: Andre Agassi giành Grand Slam cuối cùng của anh ở tuổi 32, Laver và Pete Sampras giành các danh hiệu lớn cuối cùng của họ ở tuổi 31 và John McEnroe cùng Bjorn Borg khi mới 25. Vào lúc Federer đăng quang ở Wimbledon hồi tháng 7, anh trở thành nhà vô địch lớn tuổi nhất của thời đại các giải mở (bắt đầu từ năm 1968), và người lớn tuổi nhất giành Grand Slam kể từ chiến thắng của Ken Rosewall ở Australian Open 1972.
Sự nghiệp 20 năm của Federer giờ có thể biểu diễn bằng một hình parabole kỳ quặc: từ bất bại tới bất bại, với 7 năm liền bị đánh bại liên tiếp ở giữa. Trong thời kỳ bùng nổ đầu tiên của anh, từ 2003 tới 2010, anh giành 6 Wimbledon (bao gồm 5 chức vô địch liên tiếp), 5 Mỹ mở rộng (liên tiếp), 4 Australian Open và 1 Pháp mở rộng. (Cũng trong giai đoạn đó, anh đã chơi 10 trận chung kết liên tiếp và 23 trận bán kết liên tiếp ở các giải Grand Slam, một kỷ lục khó ai phá được). Nhưng sau chiến thắng trước Andy Murray ở chung kết Australian Open 2010, sự thống trị của anh ở các giải Grand Slam dừng lại. Từ 29 tới 35 tuổi, anh chỉ một lần nữa đăng quang, lại đánh bại Murray ở Wimbledon 2012, trong hoàn cảnh lý tưởng với anh sau khi mái che đóng lại ở set 3. Dù thỉnh thoảng anh cũng vào chung kết và bán kết, mọi chỉ dấu cho thấy anh đang dần trôi vào quên lãng: tuổi tác, chấn thương, môn thể thao đối đầu trực diện, nỗi lo sợ tích tụ của con ngựa già và những thất bại. Nhưng trong khi thế giới khá chắc là Federer đã hết thời, bản thân Federer không nghĩ vậy.
Vài giờ sau khi nói chuyện với Federer ở khách sạn của anh, tôi xem anh tập với David Goffin, tay vợt người Bỉ xếp hạng 13 ở sân sau tại khu phức hợp Uniprix, nơi diễn ra giải Rogers Cup. 2 tay vệ sĩ có mặt ở đó, cùng khoảng 500 CĐV, nhiều người cố nhìn qua lớp màn nylon xanh che phủ 3 mặt sân. Theo nhiều cách, xem Federer tập còn thích thú hơn xem anh thi đấu. Đó là sự trình diễn thuần túy. Mỗi đường bóng chỉ là vì chính nó, những cú xoáy xoáy hết mức và không như Nadal, người luôn đập bóng thật lực để tạo ra số vòng xoay bóng lớn nhất, Federer nhã nhặn mát-xa mỗi đường bóng như thể để kéo dài khoảnh khắc tiếp xúc và cảm nhận vợt đập vào bóng, từng dây một.
Khi Goggin đưa bóng để anh lốp, anh thực hành những quả đánh qua đầu của mình với việc chạm vợt vào bóng như thể thực hiện những quả giao bóng lại ẻo lả và ít xoáy nhất. Một so sánh khác là những đường bóng đó giống với các pha ném rổ NBA để kiếm 3 điểm. Khi Goffin đánh bóng dọc dây, Federer khẽ khàng vươn vợt ra với vừa đủ độ nghiêng, lực, và tốc độ, gần như lần nào cũng thế, và lặp lại như thế 30 giây sau đó nếu cú trả bóng ban đầu không rơi ở đúng điểm như ý anh. Có lúc anh thậm chí còn thử đánh một quả trái tay hai tay, giả vờ làm quá lên sự lúng túng của động tác đó với cú khẽ giật người lại giống như một người đang ở trong một thang máy quá đông. Khi cú đánh đưa bóng đi vào giữa lưới, anh giả vờ đập vợt xuống mặt sân, nhái theo McEnrone.
Xem Federer đánh trái tay hai tay giống như chứng kiến một tội ác kép, chống lại cả nghệ thuật và tự nhiên. Federer, Nadal, Murray và Novak Djokovic đã thống trị các giải lớn suốt thời gian dài, nhưng chỉ Federer là ổn định và tỏ ra hoàn toàn hài lòng với những gì anh làm trên sân. Một phần lý do là bởi Federer không lớn lên trong một thời đại của áp lực “chiến thắng hoặc là trắng tay” như những đối thủ lớn của anh. Trong khi cha mẹ Djokovic đã đánh cược gia tài ít ỏi của họ vào tương lai quần vợt của cậu con trai, trong khi mẹ của Murray, Judy, và gia đình Nadal đã biến quần vợt thành một sứ mệnh thiêng liêng, thì cha mẹ Federer lo việc học hành ở trường cấp hai của cậu con trai hơn là bóng bánh. Không có gì lạ khi Federer là người duy nhất trong bộ tứ chỉ đánh một tay. Những cú hai tay dễ trúng bóng hơn, nhất là với người trẻ, và phụ thuộc nhiều vào sức vóc. Nhưng các bằng chứng mạnh mẽ cho thấy những người chơi một tay sẽ thích quần vợt hơn, vì họ là những người có thiên hướng coi quần vợt như một nghệ thuật, và vì thế, buông thả và phóng khoáng hơn.
Pete Sampras, người nắm kỷ lục vô địch Wimbledon (7 lần) trước Federer, từng nói với tôi khi anh chuyển từ những cú trái tay hai tay sang một tay rằng anh đã thay đổi từ cỗ máy nghiền thành người mát-xa bóng, và trận đấu trở nên thú vị hơn nhiều với anh. Nhưng ngay cả nếu ta không chứng minh được mối liên hệ giữa chơi bóng một tay và hạnh phúc, xem Federer tập rõ ràng cho thấy bạn cần phải chơi như thế nếu muốn ở tuổi 36 mà vẫn còn học được những kỹ năng trái tay tuyệt chiêu mới.
Sân tập ở Montreal là cơ hội thứ hai tôi được xem Federer trực tiếp ở thời hậu Australia Open 2017. Lần đầu tiên là ở Wimbledon tại vòng 3 gặp Mischa Zverev. Cũng đáng kinh ngạc như tài năng thể thao của Federer là sự trầm tĩnh của anh. Trên sân quần vợt thường được so sánh với sàn quyền anh, Federer thoải mái một cách rõ ràng đến phô trương, vẫn có thời gian để tận hưởng từng khoảnh khắc anh được trải nghiệm.
Khi anh đi từ đường biên ngang lên chỗ ghế ngồi giữa các hiệp đấu, anh có vẻ thật sự thích chuyến cuốc bộ ngắn ngủi đó. Khi anh thọc tay vào túi trước cú giao bóng lại, anh có vẻ lấy làm biết ơn, dù là nhỏ nhặt tới đâu, rằng còn một quả bóng đang đợi anh trong đó. Khi anh chém bóng ra cho cậu bé nhặt bóng ở góc xa, anh cũng thực hiện cú phất vợt với lực và hướng bóng chính xác không kém gì khi anh thi đấu. Và anh không ném khăn trở lại cho người nhặt bóng đang di chuyển, anh đưa họ hẳn hoi.
“Tôi luôn nói với mọi người”, Mats Wilander nói. “Rằng khi xem Federer, đừng xem anh ấy ghi điểm. Hãy xem những gì anh ấy làm giữa các lần ghi điểm. Anh ấy luôn đùa nghịch với quả bóng bằng vợt của mình, anh ấy sẽ đánh thêm một quả nữa, cố thực hiện một cú đánh kỳ quặc điên rồ nào đó khi pha bóng đã xong, và hất bóng điệu đà cho người nhặt bóng sau một quả phát bóng hỏng. Không ai làm thế cả. Và giờ anh vẫn làm thế. Chung kết Wimbledon, vẫn thế. Anh có vẻ thích thú với cảm giác bóng bay vào giây vợt”.
Zverev, người từng gây bất ngờ trước Murray ở Australia, là một trong ít ỏi những tay vợt giao bóng uy lực-vô-lê ngay hiệu quả còn sót lại ở thời buổi này, và trận đấu với anh mang tới cho Federer cơ hội trình diễn mọi tiết mục của mình. Trận đấu rất căng thẳng, và Zverev chơi tốt, tốt hơn nhiều so với người em trai được kỳ vọng nhiều hơn của anh, Alexander, khi cậu này thua Federer ở Đức tuần trước đó. (Tuy nhiên, Zverev em sẽ đánh bại Federer ở chung kết Rogers Cup tại Montreal). Nhưng Federer liên tục đẩy anh vào thế bị động, đôi khi bằng cả những chiến thuật lạ lùng anh thể hiện trên sân tập. Trong một pha bóng, khi Zverev lên lưới sau một cú đánh tốt, sâu vào phần sân Federer, Federer đáp lại với một cú đánh bổng thẳng vào đối thủ ngay chỗ lưới. Zverev, đã chuẩn bị tinh thần cho một cú dọc giây, bất ngờ tới mức chỉ kịp đẩy bóng sang lưới, và anh thúc thủ sau hai pha chạm vợt nữa.
Federer luôn chơi thoải mái, nhưng kể từ chức vô địch ở Australia, anh đã đạt tới một tầm mức thư thái mới. Kỳ nghỉ dài đã giúp anh lấy lại sinh lực, cho anh cơ hội “làm tươi mới lại các ý tưởng của tôi về quần vợt”. Cùng lúc, việc rốt cuộc cũng có một chiến thắng lớn phá vỡ một giai đoạn dài anh ở thế dưới so với Nadal. “Tôi chưa bao giờ thấy anh ấy chơi tốt như thế”, Gilbert nói. “Kể từ Australia, anh ấy chơi như thể bằng tiền nhà”.
Trên sân, Federer xa lánh sự ăn thua quá mức, tự vây phủ anh bởi một bầu không khí thiền nhằm hạn chế những biến động quá lớn về phong độ. Ngoài sân, anh cởi mở, lưu loát, và lắm điều, một người rõ ràng đang tìm kiếm những trải nghiệm mới. Vào hôm sinh nhật, Federer, đã có mặt ở Montreal mà không đi cùng vợ, Mirka, và hai cặp sinh đôi của họ (với cả đội quân giữ trẻ) đã tới xem ban Coldplay. Anh thích buổi hòa nhạc tới mức anh đã tới xem đúng ban đó trình diễn ngay tối hôm sau.
“Đổi vợt là chuyện nhiều rủi ro”, Federer nói. “Một vấn đề tâm lý, nhất là khi cây vợt cũ từng mang về cho tôi 17 Slam”. Vợt mới với các tay chuyên nghiệp luôn là sự đánh đổi. Đầu vợt nhỏ hơn, thì cắt dễ hơn; lớn hơn, thì đánh bóng xoáy hơn. Nhưng nhìn chung, bề mặt vợt rộng hơn giúp tạo điểm rơi cho bóng dễ hơn, điều quan trọng với một tay vợt đã không còn dựa nhiều vào sức lực, nhất là khi giao bóng, vô-lê, và phản xạ lại những cú đập nặng tay của đối phương. Biên sai sót rộng ra một chút cũng có ích với một tay vợt chuyên trái tay một tay, thứ kỹ năng đòi hỏi nhiều sự khéo léo nhất trong quần vợt, ngoài tốc độ vợt và sự tập luyện chăm chỉ. Các đối thủ của Federer đã tận dụng những kỹ thuật vợt mới nhiều năm qua, trong khi anh vẫn chơi vợt kiểu cũ, như một bậc thầy hội họa với màu tự nhiên thời Trung cổ bên cạnh những nghệ sĩ hậu hiện đại vẽ bằng màu kỹ thuật số; nhưng rốt cuộc Federer cũng phải chuyển hẳn sang các loại vợt công nghệ mới vào đầu năm 2014.
Đầu năm ngoái anh lại có một thay đổi lớn nữa, chiêu mộ Ivan Ljubicic làm HLV. Ljubicic, từng là hạng 3 thế giới, đã giúp Federer phát huy hết khả năng và ông là HLV đầu tiên từng đối đầu trực tiếp với anh khi còn chơi quần vợt. Bởi thế, ông có những ý tưởng rất rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của Federer. Từng huấn luyện Milos Raonic, một trong những đối thủ lớn của Federer sau này, Ljubicic cũng hiểu các tay vợt hiện giờ sẽ chơi thế nào trước Federer. Một điểm cộng khác là việc Ljubicic cùng Djokovic là hàng xóm ở Monte Carlo.
Nhưng trước khi Ljubicic chứng minh được giá trị của ông, vào tháng 1/2016, Federer trượt chân và ngã trong phòng tắm khi đang tắm cho các con. Anh trải qua phẫu thuật sụn chêm đầu gối, trở lại quá sớm, và rồi, sau khi thua Raonic ở bán kết Wimbledon năm ngoái, quyết định rút lui khỏi các giải chuyên nghiệp cho đến hết năm. Vào lúc dưỡng vết thương đầu gối và làm quen hơn với vợt lớn, Federer chắc chắn đã để ý rằng hai tay vợt đang ngự trị lúc đó, Djokovic và Murray, đều gặp vấn đề. (Giành một chiến thắng lớn khả thi hơn nhiều khi điều đó đồng nghĩa chỉ cần đánh bại một tay vợt trong tốp 4 thay vì 2-3 người như trước kia). Những địch thủ lớn nhất trong sự nghiệp của Federer là những kẻ chuyên dùng lực, những tay vợt phòng ngự kín kẽ, và những kẻ chỉ chuyên đưa bóng qua lưới. Những người này cũng đang mất dần ưu thế vì các kỹ thuật mới.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó là vô nghĩa nếu Federer không tự anh lấy lại sự tự tin. Giải nam cạnh tranh tới mức bất kỳ ai trong tốp 100 cũng là một tay điền kinh cự phách. Tất cả những gì phân biệt siêu sao với phần còn lại là tâm lý và thái độ. Từng set một, đôi khi từng điểm một, các trận đấu được định đoạt ở đó. Họ cũng phải nhận ra bức tranh tổng thể, rằng cuộc đời họ tốt đẹp hơn nhiều so với người bình thường, để không quá sa đà vào những cảm giác tiêu cực. Nghe thì có vẻ kênh kiệu, nhưng việc đấy không dễ dàng. McEnroe đã không làm nổi. Tài năng xuất chúng Nick Kyrgios đã không làm nổi. Đó đã là một thách thức với Murray, và ngay cả với Djokovic, những người rất nhiều khi cho thấy họ mất động lực vì không tin rằng mình hạnh phúc.
Federer không chỉ có kỹ thuật tốt; anh còn có một tâm lý tốt. Sự duyên dáng không chút nhọc sức của anh trên sân lúc này khiến nhiều người quên mất những thất bại chua chát trong quá khứ ra sao. Như trận đấu 5 set với Nadal ở Wimbledon 2008 chẳng hạn. Hay 2 trận Grand Slam trong 2 năm liên tiếp khi anh đã tới “điểm kết trận-match point” trước Djokovic, để rồi thua ngược. Nhưng cay đắng nhất vẫn là những trận thua Nadal, người hiện giờ vẫn có thành tích đối đầu áp đảo trước Federer: 23-14. Không hiểu sao, Federer đã có thể giữ hết những đau khổ đó cho riêng anh, mà vẫn đứng lên, tiếp tục chiến đấu, và rồi lại chiến thắng.
Ngay cả khi Nadal đánh bại anh 4 lần trong chỉ một năm, Federer chưa bao giờ coi đó là chuyện cá nhân, và chưa bao giờ định bỏ cuộc. Rất thành thật, anh quý mến và ngưỡng mộ Nadal. Anh đã có mặt ở Majorca đầu năm nay khi Nadal khai trương học viện quần vợt. “Rốt cuộc thì đó chỉ là một trận tennis, và bạn phải vượt qua thôi”, Federer nói. “Tôi không muốn là kiểu ông bố mà khi về nhà bị con cái hỏi, ‘Chuyện gì thế bố?’” Điều đó không có nghĩa thất bại không đau đớn, nhưng Federer đã học được cách nhanh chóng vượt qua.
Những thay đổi dẫn tới chiến thắng của Federer trước Nadal hồi tháng 1 gợi nhớ lại một quyết định bồng bột hơn 22 năm trước. Lúc Federer 13 tuổi, anh và cha mẹ mình lái xe từ nhà họ ở Basel tới trung tâm quần vợt quốc gia Thụy Sĩ ở Ecublens, ngoại ô Lausanne, để anh tham gia một buổi tập thử 3 ngày cho các tài năng trẻ triển vọng tên gọi Tennis Etudes. Buổi thử đó được tổ chức ở mặt sân cứng trong nhà, tốc độ bóng là cực cao. “Sân đó tên là Indoor Supreme”, Federer kể. “Bóng loáng và bóng đi cực nhanh. Khi ánh sáng bật lên, nó gần như là một sân bóng ném”. Lúc bấy giờ, Federer chủ yếu cắt bóng khi đánh trái tay, nhưng trong buổi thử, anh đột ngột chuyển sang đánh xoáy trên, một kỹ thuật anh chưa bao giờ tập, chứ đừng nói là làm chủ. Anh muốn cho các giám khảo thấy rằng anh có thể đánh như thế, dù anh không thích. Anh đã thắng canh bạc đó, và được nhận vào chương trình.
Theo tiêu chuẩn của anh, Federer chơi trái tay cực tệ khi còn trẻ. Darren Cahill, tay vợt đã giải nghệ và HLV người Australia, từng xem Federer thi đấu trước khi anh 20 tuổi, nói: “Có thể lái nguyên chiếc xe tải qua phía trái tay của anh ấy. Anh ấy luôn rất giỏi việc bước sang trái, vượt qua khoảng phải đánh trái tay để đánh thuận tay, nhưng nếu bạn bắt được anh ấy đánh trái tay, thì bạn sẽ ổn”. Theo Rod Laver, cú trái tay vẫn còn là vấn đề khi Federer trở thành tay vợt số 1 thế giới. “Những năm 2007 và 2008”, Laver nói. “Anh ấy đánh trái tay không tốt, không phải là tệ, nhưng không thực sự dứt khoát, nhưng anh ấy vẫn thoát vì còn nhiều cú đánh khác quá tốt”.
Từ lâu trước Australia, các HLV và cả cha anh đã nhiều lần hối thúc anh đánh xoáy trên nhiều hơn trong những cú trái tay. “Nói dễ hơn làm”, anh nói, nhất là khi vợt có đầu nhỏ, và nhất là trước các quả bạt bóng kinh người của Nadal. “Sau cú thứ năm bóng bay vào lưới khi bạn đánh trái tay xoáy trên, sẽ rất khó tự bảo mình cứ tiếp tục đi”. Theo dõi những gì diễn ra trong trận chung kết Australian Open, tôi đã đi tới kết luận rằng 6 tháng nghỉ ngơi của anh năm vừa qua là tập trung cả cho những cú trái tay.
Federer cũng thừa nhận rằng trong nửa sau năm 2016, anh có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn bao giờ hết trong một thập niên qua, để tập trung cải thiện năng lực của mình. “Một khi việc hồi phục và cải thiện thể lực đã xong, tôi có thể trải qua 6 tuần liên tiếp trên sân ở Dubai và rồi 2 tuần nữa ở Thụy Sĩ, như thế là rất nhiều”. 2 tuần đầu tiên tập trung vào các buổi tập đối đầu trực tiếp với bộ đôi tay vợt trẻ người Mỹ, Mackenzie McDonald và Ernesto Escobedo. Trong 4 tuần tiếp đó, anh đánh theo từng điểm, rồi từng set, rất nhiều phiên là với Lucas Pouille, tay vợt trẻ người Pháp đã đánh bại Nadal ở Mỹ mở rộng năm ngoái. Trong vòng một tuần, anh đã có thể chơi những trận 20 set như cách Federer vẫn chơi với bạn bè khi còn trẻ, khi kẻ thua cuộc luôn đòi đánh thêm, từ 3 set thắng 2 thành 5 set thắng 3 rồi 11 set thắng 6… Trong những phiên tập đó, Federer ước tính anh đã đánh hàng nghìn cú trái tay mà không bận tâm bóng bay thế nào. Càng thả lỏng, anh càng tự tin.
Ở Australia, sau khi Federer thắng trong những trận 5 set trước Kei Nishikori và Stan Wawrinka, Nadal, vốn cũng vừa hồi phục sau một giai đoạn dài chấn thương và sa sút tinh thần, đợi anh ở chung kết. (Djokovic đã thua sớm dưới tay Denis Istomin; trong khi Mischa Zverev đánh bại Murray). Với người hâm mộ của Federer, vốn đã phải chứng kiến quá nhiều lần những cú thuận tay vũ bão của Nadal hạ gục Federer, thấp thỏm đợi chờ. Bản thân Federer nói một ngày rưỡi trước trận chung kết rằng anh, Ljubicic, và một HLV lâu năm khác của anh, Severin Luthi, đã trao đổi rất nhiều về chiến lược và sợ rằng anh đã bị quá tải. “Đôi khi bạn không nên nói quá nhiều về một trận đấu, không nên quá chi tiết”, anh nói. “Nhưng tôi có cảm giác những gì chúng tôi nói đều sẽ xảy ra”. Trước khi ra sân, Federer lại đưa ra một quyết định định mệnh nữa như nhiều năm trước tại Ecublens: Anh sẽ tìm cách dứt điểm các pha bóng sớm, trước khi những cú thuận tay gây ngợp của Nadal xuất hiện. Nếu điều đó dẫn tới sai lầm, thì cứ mặc kệ nó.
Quyết định chơi hiếu chiến hơn của Federer càng được củng cố bởi trận bán kết Nadal-Grigor Dimitrov, một tay vợt có lối chơi giống Federer đến mức anh được đặt cho biệt danh “Baby Fed”. Federer và nhóm của anh thức khuya vào tối thứ Sáu và xem cả trận 5 set đó. “Chẳng khác gì xem chính tôi chơi, ở một mức độ nào đó”, Federer nói. Anh đã thấy Dimitrov đã chơi tốt thế nào, nhất là với những cú trái tay, và suýt nữa thì hạ Nadal, và anh thấy không có lý gì anh không thể làm tốt hơn thế một chút.
Sau một thập niên bị ám ảnh bởi những cú xoáy trên khủng khiếp của Nadal, anh quyết định là mình đã chịu đựng đủ, đã tới lúc phản kháng. Federer ghi tất cả 14 điểm bằng những cú trái tay trước Nadal trong trận chung kết đó, so với chỉ 4 trong trận bán kết 4 set mà anh đã thua cũng ở sân này năm 2012. Và khi tất cả mọi người nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt Nadal, sự hài lòng cũng giống như nhìn một đứa bé đã bị bắt nạt quá lâu nay đứng lên chống lại kẻ bắt nạt. Với Wilander, đó đơn giản là một điều chỉnh chiến thuật. “Trước các tay vợt hàng đầu, bạn không thể chơi như mình muốn”, ông nói. “Bạn phải chơi sao cho họ không muốn”.
Tuy nhiên, chiến thắng của Federer trước Nadal mang yếu tố kỹ thuật hơn là chiến thuật. Đó là sự đột phá về mặt tâm lý. Dù Federer đổi cú trái tay, Nadal vẫn thắng set 4 và dẫn 3-1 ở set 5. Bất chấp, Federer không bao giờ bỏ cuộc, điều giải thích tại sao cả Gilbert và Paul Annacone, một HLV từng làm việc với Federer, coi đó là một trong 5 trận quan trọng nhất sự nghiệp của anh. “Tôi gọi đó là một trận đấu để lại di sản”, Gilbert nói. “Nếu Rafa thắng, không ai có thể nói sự nghiệp của Federer tốt hơn Rafa. Kết quả các giải lớn sẽ là 17-15, và anh ấy (Nadal) sẽ còn tiếp tục chiến thắng sau đó. Kết quả đã khiến tỉ số Slam là 18-14 cho Roger, và giờ là 19-15”. Còn quan trọng hơn nữa, chức vô địch đó giải phóng Federer hoàn toàn. Theo lời Gilbert, đó cũng là thứ quần vợt hay nhất mà Federer từng thể hiện trong sự nghiệp của anh.
Với tất cả những duyên nợ của họ ở các giải Grand Slam, Federer và Nadal chưa bao giờ gặp nhau ở giải Mỹ mở rộng, và với việc cả 2 tay vợt vào chung kết năm ngoái, Wawrinka và Djokovic, đều vắng mặt vì chấn thương, nhiều người hy vọng trận đấu lớn sẽ diễn ra vào năm nay. Dẫu thế nào, Wilander tin rằng Federer sẽ sẵn sàng. “Anh ấy đã phá được mật mã chiến thắng”, ông kết luận.
Trần Trọng
Theo The New York Times
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất