08/06/2020 06:20 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Trong số các tay vợt suýt giành được Career Grand Slam (Grand Slam sự nghiệp), những người lỡ hẹn với Roland Garros là nhiều nhất. Và đó là minh chứng cho sự khắc nghiệt trên mặt sân bụi đỏ ở Paris.
Dưới đây là 10 gương mặt đáng chú ý nhất trong kỷ nguyên Open (từ năm 1968) từng vô địch cả Australian Open, Wimbledon, và US Open nhưng chưa bao giờ lên ngôi ở Roland Garros. Rất nhiều người trong số đó đã tiến rất sát mục tiêu này, nhưng vẫn vấp ngã trước ngưỡng cửa thiên đường.
1. John Newcombe
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open (1973, 1975), Wimbledon (1967, 1970, 1971), Australian Open (1967, 1973)
Những năm tháng đẹp nhất của huyền thoại người Australia trải dài từ trước kỷ nguyên Open. John Newcombe giành 2 Grand Slam trước năm 1968 và 5 Grand Slam nữa sau cột mốc này. Nhưng trong 10 lần tham dự Roland Garros, ông có tới 7 lần bị loại ngay tuần đầu tiên. Thành tích tốt nhất của Newcombe ở Paris chỉ là hai lần lọt vào tứ kết vào các năm 1965 và 1969.
2. Arthur Ashe
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1970, Wimbledon 1975, US Open 1968
Arthur Ashe là người đầu tiên trong số các huyền thoại lỡ hẹn với Roland Garros, dù từng vô địch ở cả 3 Grand Slam kia. Tay vợt quá cố này (1943-1993) chinh phục US Open vào năm 1968, Australian Open vào năm 1970 và Wimbledon vào năm 1975. Nhưng Roland Garros là một thử thách quá lớn. Thành tích tốt nhất của ông tại đây chỉ là lọt vào đến tứ kết vào các năm 1970 và 1971.
3. Virginia Wade
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1972, Wimbledon 1977, US Open 1968.
Giống như Ashe, Wade đã giành 3 Grand Slam kia đúng 1 lần – US Open 1968, Australian Open 1972 và Wimbledon 1977. Bà cũng là tay vợt nữ người Anh gần nhất vô địch một Grand Slam. Cũng giống như Newcombe và Ashe, Wade chưa bao giờ vượt quá vòng tứ kết Roland Garros (1970, 1972).
4.Jimmy Connors
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1974. Wimbledon 1974, 1982. US Open 1974, 1976, 1978, 1982, 1983
Ngay trong năm đầu tiên bước ra ánh sáng (1974), Jimmy Connors đã chinh phục được 3 trong số 4 Grand Slam. Sau đó, ông còn giành thêm 1 Wimbledon và 4 US Open nữa. Jimmy Connors chưa bao giờ vô địch Roland Garros, nhưng có một điều đáng tiếc là trong những năm tháng đẹp nhất của mình (1974-1978) thì ông lại bị Liên đoàn quần vợt Pháp cấm dự giải Grand Slam này.
Thành tích tốt nhất của Jimmy Connors ở Paris là 4 lần vào đến bán kết vào các năm 1979, 1980, 1984 và 1985. Có một chi tiết khác đáng chú ý: Khi Jimmy Connors vô địch US Open 1976, giải đấu này còn diễn ra trên mặt sân đất nện
5. Stefan Edberg
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1985, 1987. Wimbledon 1988, 1990. US Open 1991, 1992.
Huyền thoại người Bỉ nổi tiếng với lối chơi serve-and-volley và ông đã vô địch 3 Grand Slam kia ít nhất 2 lần, nhưng chưa một lần đăng quang tại Roland Garos. Ông là một trong hai tay vợt ở danh sách này từng chỉ còn cách Grand Slam sự nghiệp đúng một chiến thắng nữa, khi đã lọt vào đến chung kết Roland Garros 1989, nhưng lại thua tay vợt mới 17 tuổi Michael Chang.
Trong bài phỏng vấn trước khi được giới thiệu vào Đài danh vọng quần vợt thế giới năm 2004, Edberg đã thừa nhận: “Đó thực sự là trận đấu mà tôi muốn đánh lại một số pha bóng. Thời điểm ấy, tôi không nghĩ nhiều về điều đó vì đó là thành tích tốt nhất của mình ở Roland Garros, và tôi nghĩ rằng cơ hội còn nhiều. Nhưng rồi, nó không bao giờ đến nữa”.
6. Boris Becker
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1991, 1993. Wimbledon 1985, 1986, 1989. US Open 1989
Giống như Edberg, tay vợt có những cú giao bóng rất mạnh người Đức từng giành 6 Grand Slam – với 2 Australian Open, 3 Wimbledon và 1 US Open – nhưng chưa bao giờ vượt quá vòng bán kết tại Roland Garros. Đó là các năm 1987, 1989 (thua chính Edberg), và 1991.
7. Pete Sampras
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1994, 1997. Wimbledon 1993, 1994, 1995, 1997, 1998, 1999, 2000. US Open 1990, 1993, 1995, 1996, 2002.
Tay vợt giàu thành tích nhất trong danh sách này vô duyên với Roland Garros. Sampras đã giành tổng cộng 14 Grand Slam, trong đó có 2 Australian Open, 7 Wimbledon và 5 US Open. Nhưng thành tích tốt nhất của anh ở Roland Garros chỉ là lọt vào đến bán kết năm 1996. Điều đáng nói là tại giải đấu ấy, Sampras đã bị vắt kiệt sức khi đánh 3/5 trận với 5 set tối đa. Và khi vào tới bán kết, anh đã thua Yevgeny Kafenikov với tỷ số 6-7 (4), 0-6, 2-6. “Tôi đã rất, rất mệt mỏi trong ngày hôm nay. Sau set đấu đầu tiên, tôi giống như quả bóng bay bị xì hơi vậy”, huyền thoại người Mỹ thừa nhận.
8. Martina Hingis
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 1997, 1998, 1999. Wimbledon 1997. US Open 1997.
Tay vợt tiến sát nhất Career Slam chính là Martina Hingis. Sau khi đã vô địch cà Australian Open, Wimbledon, và US Open vào năm 1997, khi mới 16 tuổi, cô gái xinh đẹp người Thụy Sĩ đã có thêm 2 lần đăng quang nữa ở Australian Open, và hai lần lọt vào chung kết Roland Garros nữa, song đều thua. Năm 1997, cô gác vợt 4-6, 2-6 trước Iva Majoli, nhưng đáng tiếc hơn cả là năm 1999, khi cô thua đàn chị Steffi Graf 6-4, 5-7, 2-6. Ở trận ấy, Hingis đã dẫn Graf 6-4, 5-4, 15-0, nhưng rồi lại thua ngược hết sức đáng tiếc.
Năm 2007, khi được hỏi rằng có điều gì muốn thay đổi trong quá khứ, Hingis thừa nhận rằng đó chính là trận chung kết Roland Garros 1999. “Tôi đã kiểm soát được trận đấu rồi bất chợt tất cả trượt khỏi tay. Tôi chỉ cách chức vô địch có 3 điểm nữa. Nhưng rồi tôi đánh mất sự cân bằng…”
9. Lindsay Davenport
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 2000, Wimbledon 1999, US Open 1998
Là một trong những kình địch của Hingis, Davenport đã giành 3 Grand Slam. Cô đánh bại tay vợt người Thụy Sĩ ở chung kết US Open 1998, Australian Open 2000 và Graf ở chung kết Wimbledon 1999. Nhưng thành tích tốt nhất của Davenport ở Roland Garros chỉ là lọt vào bán kết năm 1998, trước khi thua Arantxa Sanchez Vicario 3-6, 5-7.
10. Angelique Kerber
Danh hiệu Grand Slam: Australian Open 2016. Wimbledon 2018. US Open 2016.
Cựu số một thế giới người Đức là tay vợt duy nhất trong danh sách này còn có cơ hội hoàn tất Career Slam. Cô đã vô địch Australian Open và US Open vào năm 2016, Wimbledon vào năm 2018, nhưng thành tích tốt nhất ở Roland Garros chỉ là hai lần lọt vào tứ kết vào các năm 2012 và 2018.
“Giành 3 Grand Slam khác nhau là điều tốt nhất với tôi từ trước đến giờ”, Kerber phát biểu sau khi vô địch Wimbledon 2018, “Còn về sân đất nện, tôi nghĩ còn phải chờ. Có thể là một chặng đường dài”.
Roland Garros khó chơi như thế nào? “Tôi chơi quần vợt từ năm lên 5 ở Nam California, nhưng phải đến năm 11 tuổi mới được đặt chân lên mặt sân đất nện, và chỉ 2, 3 tuần vào mỗi mùa hè. Tôi không thể học được cách trượt cũng như di chuyển giữa các góc trên mặt sân này”, Davenport thú nhận, “Chơi ở đây thật khác, bạn phải sáng tạo hơn nữa, với nhiều cú đánh chéo góc hơn. Mặt sân chậm khiến những cú giao bóng nặng bị giảm bớt tác dụng, và đối phương dễ phản đòn hơn. Mặt sân này cũng đòi hỏi thể lực, tốc độ và sức chịu đựng lớn hơn nhiều. Theo tôi, đây là giải đấu khó vô địch nhất”. |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất