05/02/2019 05:43 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Cứ đến năm lẻ, đa phần những “diễn viên chính” của thể thao Việt Nam (TTVN) gồm các VĐV, HLV cứ như “mở cờ trong bụng” vì lại có cơ hội xuất hiện trên sân khấu SEA Games. SEA Games diễn ra mang theo rất nhiều niềm hi vọng lẫn cơ hội “thu hoạch” huy chương, bởi đây là đấu trường mà các cuộc thi đấu không khắc nghiệt như ASIAD hay Olympic. Dù vậy, đã đến lúc, ngành thể thao cần tính toán và cơ cấu lại sự đầu tư cho việc giành thành tích ở sân chơi này của TTVN, nếu như sự muốn đưa nền thể thao nước nhà vươn tầm ra châu lục và thế giới.
SEA Games là bàn đạp
Kể từ khi trở lại hội nhập với thể thao quốc tế, con đường phát triển của TTVN đã được vạch sẵn với phương châm “lấy SEA Games làm bàn đạp, tấn công vào ASIAD và Olympic”. Trên thực tế, phương châm này hoàn toàn đúng đắn, đến nay giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn và điều này thể hiện qua sự phát triển về thành tích của thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế. Rất nhiều các tuyển thủ, các ngôi sao sáng nhất của TTVN đã đạt được thành tích châu lục và thế giới như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, võ sỹ Dương Thúy Vi, lực sỹ Thạch Kim Tuấn… và rất, rất nhiều các tuyển thủ khác đều trưởng thành từ các cuộc thi đấu tại SEA Games. Thậm chí, những tài năng trẻ sau này như kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn hay nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh…. cũng đều được biết đến thông qua những cuộc thi đấu hay giành được thành tích cao tại các kỳ SEA Games gần nhất.
Dưới góc độ chuyên môn, SEA Games bấy lâu nay dù mang tiếng “ao làng” nhưng thực tế nó vẫn đem đến những tác động tích cực và thực tế đóng vai trò nhất định trong sự phát triển chung của TTVN trong ít nhất 2 thập kỷ gần đây. Với chu kỳ 2 năm/1 lần, SEA Games “giúp” cho kế hoạch chuẩn bị của TTVN gần như không bị gián đoạn quá lâu, đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các khoản tiền đầu tư cho lực lượng VĐV đều trông đợi vào nguồn ngân sách nhà nước vốn còn nhiều khó khăn. SEA Games giúp cho TTVN có được sự đa dạng hơn về số lượng các môn thể thao mang tính hội nhập với quốc tế, đồng thời củng cố được sức mạnh ở các môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, hay mở rộng hơn là các môn trong hệ thống Olympic gồm cử tạ, thể dục, bắn súng, đua thuyền, hoặc rộng hơn nữa là các môn của ASIAD gồm wushu, Karate…
Nói như thế để thấy, SEA Games rất quan trọng với TTVN. Sân chơi này vừa là nền tảng nhưng cũng là đòn bẩy, là điểm tựa để TTVN vươn mình ra châu lục và thế giới. Hay nói như rất nhiều người làm chuyên môn của ngành thể thao đã từng nói, “không có SEA Games thì cũng không… có gì cả”.
Nhưng SEA Games cũng là nỗi khổ
SEA Games với những phân tích nêu trên cho thấy, ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực chẳng có tội lỗi gì nếu như ai đó cho rằng nó đang ngăn cản hay làm trì hoãn sự phát triển của TTVN. Vấn đề ở đây, đó chính là cách nghĩ, cách làm và cách chinh phục SEA Games của TTVN.
Đã 8 kỳ đại hội kể từ SEA Games 22 vào năm 2003 đến nay, TTVN có một vị trí ổn định trong tốp 3 đoàn dẫn đầu và vì thế, việc lọt vào tốp 3 cũng đã “auto” trở thành nhiệm vụ của đoàn TTVN mỗi khi khi tham dự đại hội. Rất nhiều tranh cãi xung quanh mục tiêu này đã xuất hiện vì sự thiết thực của nó song cho đến cuối cùng vẫn không có bất cứ sự thay đổi nào. Và kể từ khi nhiệm vụ “vào tốp 3” gắn chặt với TTVN thì SEA Games dường như đã trở thành nỗi khổ.
Bởi ở một đại hội thể thao mà ngoại trừ điền kinh và bơi lội, nước chủ nhà với quyền sinh quyền sát trong tay có thể loại bỏ bất cứ môn thể thao nào, đồng thời cũng có thể đưa vào bất cứ môn thể thao truyền thống quốc gia của mình vào chương trình thi đấu, thì việc đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc không phải chuyện dễ dàng.
SEA Games cũng là một trong số ít đại hội thể thao quốc tế mà cơ cấu và số lượng các môn, các nội dung ở từng môn có thể thay đổi tới 60-70% sau mỗi lần tổ chức. Thế mới có chuyện, đánh bài cũng có thể được coi như một môn thi của SEA Games hay có những nội dung thi đấu được “sáng chế” riêng theo yêu cầu của nước chủ nhà.
Trong cái vòng xoáy ấy, nếu TTVN tự buộc mình vào chỉ tiêu thành tích thì sẽ phải đầu tư dàn trải cho rất nhiều môn thể thao, cho nhiều nội dung khác nhau. Thậm chí, cũng sẽ phải toan tính và “luồn lách” trong ma trận SEA Games thì mới mong giành được đủ số HCV để hoàn thành mục tiêu vào tốp. Nếu như vậy, việc làm này sẽ ảnh hưởng rất lớn cho các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm và nên nhớ rằng, cứ sau mỗi kỳ SEA Games thì sẽ đến ASIAD hoặc Olympic.
Vậy nên, đã đến lúc ngành thể thao cần có những tính toán phù hợp cho mục tiêu của TTVN tại SEA Games. Hãy để SEA Games là bàn đạp, là cầu nối cho những ước mơ cao hơn, xa hơn của các tuyển thủ, của nền thể thao nước nhà. Chứ đừng để SEA Games là nỗi khổ, là gánh nặng cho nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp và tác động tiêu cực trở lại đến các mục tiêu lớn hơn của TTVN.
SEA Games 30: Kỷ lục của những kỷ lục Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), SEA Games 30 năm 2019 sẽ là kỳ đại hội có số lượng môn thi đấu và số bộ huy chương nhiều nhất trong lịch sử. Trong phiên họp mới nhất của Hội đồng, Ban chấp hành, Ban chuyên môn SEAGF và Ban tổ chức SEA Games 30, toàn bộ các thành viên đã thống nhất thông qua danh sách 51/56 môn thể thao sẽ được tổ chức tại kỳ đại hội lần này. 5 môn thể thao còn lại đang chờ hoàn thiện các thủ tục liên quan gồm Thể thao Điện tử (Esport), Jujitsu, Kurash, Skateboarding, Surfing. Dự kiến, BTC SEA Games 30 sẽ trao tổng số 524 bộ huy chương nhưng con số này chưa dừng lại do nhiều đoàn có ý kiến cần bổ sung thêm. Và dù chưa chính thức chốt lại số môn thi và số bộ huy chương, song có thể khẳng định đây là kỳ đại hội được tổ chức với quy mô lớn nhất về chương trình thi đấu. SEA Games 30 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tại 3 thành phố lớn của Philippines gồm Manila, Clark và Subic. |
Bằng Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất