20/10/2021 07:49 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Năm 2021, truyền thông đang dùng 1 từ để mô tả về những người phụ nữ ở khắp mọi mặt trận, đó là “phi thường”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ngoài vai trò quan trọng trong gia đình, họ đang làm rất tốt công việc mình theo đuổi - So với nam giới, phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi thậm chí gấp nhiều lần để được công nhận. Với thể thao, họ thật sự đã trở thành những người phụ nữ “phi thường” khi vượt qua những rào cản, định kiến, thách thức và vượt qua chính bản thân mình để thành công.
Chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện về thể thao của nữ tuyển thủ điền kinh Quách Thị Lan, người vừa tham dự Olympic Tokyo 2020. Những câu chuyện bình dị nhưng cũng hết sức "phi thường"....
* Thể thao & Văn hóa: Chọn trở thành một VĐV điền kinh chuyên nghiệp, Lan gặp những rào cản và thiệt thòi gì?
- Quách Thị Lan: Lan cũng cảm thấy một chút thiệt thòi khi mà mình không có nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân như những cô gái khác. Ví dụ đến hiện tại thì Lan cũng không dám chắc là mình đã biết cách trang điểm.
Bản thân Lan nghĩ mỗi VĐV khi lựa chọn con đường thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao, đều ít nhiều hiểu được những lợi thế của bản thân và cả những khó khăn mà mình có thể gặp. Vì vậy, Lan không coi đó là thiệt thòi mà là một thử thách cần vượt qua để có được những thành quả khác trong sự nghiệp.
Có một số bạn bè thấy tiếc cho Lan vì không thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân như những cô gái khác. Nhưng với Lan, nhờ trở thành 1 VĐV chuyên nghiệp, Lan có cơ hội rèn luyện và trải nghiệm vượt qua giới hạn bản thân, đại diện cho quốc gia thi đấu, đạt được những thành tích bước đầu trong sự nghiệp thể thao và nhận được rất nhiều tình cảm của người hâm mộ. Lan luôn cảm thấy tự hào về điều này.
* Nếu cho chọn lại, bạn sẽ tiếp tục đi con đường thể thao?
- Từ khi còn bé, Lan đã rất thích chạy theo các anh cả trên đường làng lẫn đi theo anh Lịch ra sân tập. Từ năm 15 tuổi thì Lan đã cao 1m68 nên có lẽ Lan khá có lợi thế về thể hình. Năm 2011, trong một cuộc thi cho lứa tuổi trẻ ở Nghệ An thì Lan được giải nhất và được các cô chú tuyển chọn thẳng vào đội tuyển trẻ quốc gia, và tập luyện từ chuyên nghiệp từ đó đến giờ. Sau lần đó, cơ duyên đến và Lan lại được chọn xét tuyển vào Đội tuyển điền kinh của tỉnh Thanh Hóa. Càng tiếp xúc, Lan lại càng cảm thấy thêm gắn bó và yêu thích môn thể thao này hơn. Lan đã quyết định sẽ đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp từ đó cho đến tận bây giờ.
Nếu được chọn lại, Lan vẫn sẽ chọn con đường này, vì hơn cả những khó khăn, điền kinh nói riêng và thể thao mang lại cho Lan rất nhiều điều đáng trân trọng. Thể thao giúp mình thực sự trở thành một con người tốt đẹp hơn. Ngoài việc về có một cơ thể khỏe khoắn, thì tinh thần cũng được trau dồi.
Ngoài ra Lan cũng có thêm những người bạn từ mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài nữa, những người đã và đang chia sẻ, đồng hành cùng Lan trên con đường này. Và đương nhiên còn có cả những người hâm mộ, những người coi Lan là động lực để vượt qua những giai đoạn bế tắc trong tập luyện và thi đấu. Lan cảm thấy hanh phúc và biết ơn vì được phấn đấu trên con đường phù hợp với mình.
* Theo Lan điều gì là quan trọng nhất với VĐV thể thao chuyên nghiệp?
- Đó là ý chí - yếu tố quan trọng nhất. Trong thể thao nói chung và điền kinh nói riêng thì VĐV sẽ gặp rất nhiều thời điểm không thể vượt qua được giới hạn bản thân, từ tập luyện cho đến thi đấu và nhất là đối diện với chấn thương.
Một kỷ niệm Lan nhớ nhất, đó là Lan gặp chấn thương khá nặng trước khi SEA Games 30 diễn ra khoảng 2 tháng. Mình đã phải cắn răng vượt qua chấn thương và hồi phục thật nhanh để có thể tham dự đại hội. Và cuối cùng Lan được Ban huấn luyện chọn đi SEA Games 30 ở Philippines vào năm 2019. Ở đó, chỉ vài tiếng trước khi bước vào chung kết môn thi cuối, môn thi 4x400m hỗn hợp, lúc đó Ban huấn luyện lo lắng về chấn thương sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Lan sau này, nhưng nhìn thấy quyết tâm của mình nên các thầy đã quyết định cho Lan ra thi đấu. Và may mắn, cuối cùng Lan cùng đồng đội đã giành HCV và phá kỷ lục quốc gia.
Hay như năm nay do dịch Covid-19 nên gần như không có một giải đấu nào, hàng ngày xách giày ra tập, bọn Lan gọi là tập “chay” thì luôn phải tự nhủ mình phải cố gắng duy trì để đợi đến khi được thi đấu chính thức
* Trong giai đoạn dịch Covid-19 hẳn gặp rất nhiều khó khăn thi tập luyện và thi đấu, Lan đã vượt qua như thế nào?
- Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều các kế hoạch tập huấn, thi đấu của Lan đã bị xáo trộn. Việc tham gia các giải đấu quốc tế để lấy chuẩn chính thức cũng không thể thực hiện. Việc chỉ "tập chay" khiến Lan thiếu đi cảm giác thi đấu quốc tế, khó có thể đánh giá phong độ của bản thân so với các đối thủ.
Đối với VĐV thì trải nghiệm việc thi đấu quan trọng không kém tập luyện, vì chỉ có trong thi đấu mình mới nhận ra và khắc phục các điểm yếu về tâm lý của mình. Nhất là môn điền kinh cự ly ngắn. Mọi cuộc thi chỉ nén lại trong vài phút. Vài phút đấy có thể quyết định cả sự nghiệp của mình. Nên việc không được thi đấu cả năm trời là khá khó khăn đối với Lan.
Nhưng việc được tham dự và thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua theo suất đặc cách cũng là một may mắn với Lan. Lan đến với Olympic với tâm thế thoải mái, không bị đặt nặng về thành tích nhưng tự xác định phải có một cột mốc nào đó từ cuộc thi đấu trong mơ này.
* Là VĐV điền kinh duy nhất của Việt Nam có chiếc vé vào bán kết nội dung 400m rào nữ tại Olympic Tokyo 2020 và trực tiếp thi đấu cùng ĐKVĐ thế giới lẫn người giữ kỷ lục thế giới. Dù dừng bước tại đây nhưng giới chuyên môn đánh giá đó là kỳ tích với đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt trong suốt thời gian qua các VĐV vừa vượt khó vừa luyện tập, cá nhân Lan cảm nhận ra sao về kỳ tham gia đại hội này của mình?
- Thành tích ở kỳ Thế vận hội lần này của Lan dù chưa thể chạm tới mục tiêu mà bản thân và Ban huấn luyện đã đặt ra trước đó, nhưng cũng có thể coi là khá ổn so với thành tích cá nhân của Lan những năm qua. Nhất là trong giai đoạn gần 2 năm vừa rồi, Lan không có cơ hội cọ xát ở những giải quốc tế.
Kết quả vào bán kết 400m rào nữ cũng khiến Lan cảm thấy rất hạnh phúc và vui mừng. Đặc biệt, việc được thi đấu với thần tượng của mình là Sydney McLaughlin, trên cùng một đường chạy là một niềm hạnh phúc mà Lan sẽ ghi nhớ và tạo cho mình một nguồn động lực để luyện tập và thi đấu trong thời gian tới.
* Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn ở Olympic Tokyo 2020?
- Đây là lần đầu Lan được đến với Thế vận hội Olympic vì vậy mỗi khoảnh khắc tại đây đối với Lan đều là những kỷ niệm không thể quên. Nếu phải chọn, thì Lan chọn 2 khoảnh khắc. Đó chính là khi Lan cùng với Huy Hoàng cầm cờ dẫn đầu Đoàn Thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc đại hội. Lúc ấy tinh thần Việt Nam, niềm tự hào dân tộc như căng đầy 2 lá phổi. Khi xem lại qua truyền hình, nhìn mặt Lan có vẻ căng thẳng nhưng thực tế bên trong đang sự như muốn nhảy nhót và hét lên “hạnh phúc là đây”. Còn một khoảnh khắc còn lại là khi Lan được thi đấu cùng kỷ lục gia thế giới và cũng là thần tượng của mình. Kể lại thấy tiếc vì Lan không kịp có một tấm ảnh chụp chung với cô ấy.
* Và sau cùng, thể thao có ý nghĩa ra sao với bạn?
- Việc theo đuổi đam mê với thể thao, việc trở thành 1 VĐV đã thực sự giúp Lan hiểu được như thế nào là: "Chỉ bản thân bạn mới có thể nói: Bạn không thể chiến thắng". Lan đã từng vượt qua sự trì trệ, vượt qua chấn thương, vượt qua đối thủ và vượt qua chính bản thân mình. Dù luôn có những có những nuối tiếc trên hành trình thi đấu nhưng hãy đừng để bất cứ ai có thể phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân bạn.
* Xin cảm ơn Lan về cuộc trao đổi, chúc bạn tiếp tục thành công trên con đường thể thao
Khánh Chi (thực hiện)
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất