13/08/2016 23:28 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) – Trả lời phỏng vấn phóng viên Thể thao & Văn hoá tại Rio de Janeiro, ông Trần Đức Phấn, trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), đã thẳng thắn chia sẻ về những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm những ngày vừa qua.
- Xuân Vinh đạt được thành tích 1 HCV và 1 HCB tại Olympic 2016. Đây là một kì tích của môn bắn súng và thể thao Việt Nam. Trong thời gian tới, tất cả các môn thể thao Olympic nói chung và bắn súng nói riêng sẽ tiếp tục được đầu tư theo hướng thể thao thành tích cao trọng điểm.
Chúng ta muốn có những tấm huy chương tại các giải thể thao lớn như ASIAD hay Olympic thì đương nhiên chúng ta phải có những kế hoạch đầu tư trọng điểm. Và song song với việc tiếp tục đầu tư, chúng ta sẽ phải đổi mới phương thức, cách làm thể thao đỉnh cao để có thêm nhiều những Hoàng Xuân Vinh.
Đối với thể thao Việt Nam thì các kế hoạch, các đội tuyển liên quan tới các giải đấu SEA Games, ASIAD hay Olympic…có sự liên thông với nhau. Có nghĩa là thời điểm này, chúng ta đang thi đấu tại Olympic 2016 nhưng cũng đã có sự chuẩn bị, kế hoạch cụ thể cho SEA Games 2017, ASIAD 2018 và Olympic 2020.
Kế hoạch nối tiếp kế hoạch và chúng tôi sẽ phải chuẩn bị các lớp VĐV làm sao có tính kế thừa cao. Có như thế mới phát huy được sức mạnh của thể thao Việt Nam tại các giải đấu lớn.
* Ngoài thành công của môn bắn súng thì môn cử tạ hay TDDC chưa đáp ứng được sự kì vọng. Ông có thể cho biết nguyên nhân?
- Thạch Kim Tuấn là VĐV được kỳ vọng đem về huy chương ở môn cử tạ nhưng trên thực tế Tuấn đã thi đấu không thành công. Cũng phải nói thêm rằng, đấu trường Olympic quy tụ rất nhiều VĐV mạnh và đây là giải đấu rất khốc liệt.
Tuấn phải đối mặt với 2 VĐV quá mạnh của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó là 1 VĐV mới nổi của Thái Lan thi đấu cũng rất hay. Trong các lần cử giật của Tuấn, tôi nhận thấy Tuấn xuất hiện với trạng thái tâm lí không tốt ở ngay lần cử đầu tiên. Vì thế, Thạch Kim Tuấn đã thi đấu không thành công.
Đây sẽ là bài học không chỉ cho Tuấn mà cho cả bộ môn cử tạ của chúng ta. Chúng ta phải có những cái rút kinh nghiệm để lần sau có sự chuẩn bị tốt hơn.
* Thành tích của VĐV Ánh Viên có làm ông bất ngờ hay không? Theo ông, thành tích của nữ kinh ngư này còn có thể phát triển hơn nữa hay như thế đã là giới hạn của Ánh Viên?
- Trong quá trình chuẩn bị cho Ánh Viên tham dự Olympic 2016, chúng tôi đã làm việc với BHL để đánh giá trình độ và chuyên môn của Ánh Viên. Mặc dù Ánh Viên có thành tích xuất sắc tại SEA Games nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic thì thành tích của Viên như vậy chưa là gì.
Còn riêng về thành tích của Ánh Viên tại kì Olympic lần này tôi đánh giá là tốt. Và trên thực tế, ở nội dung 400m hỗn hợp nữ, Ánh Viên đã phá kỉ lục của bản thân và chỉ cần thêm một chút may mắn nữa là Ánh Viên có thể góp mặt ở VCK. Quả thực rất là đáng tiếc.
Còn ở các nội dung sau của Ánh Viên, BHL xác định cho em tham gia thi đấu để kiểm tra và làm quen với trạng thái thi đấu. Tôi nhận thấy thành tích không tốt của Ánh Viên ở 2 nội dung sau cũng ít nhiều có vấn đề về tâm lí.
* Đoàn TTVN làm gì để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, thưa ông?
- Thực tế, TTVN có những hạn chế và khó khăn nhất định. Trước hết, nguồn đầu tư cho các VĐV trọng điểm không nhiều và nhìn chung nguồn lực đầu tư cho thể thao thành tích cao còn nhiều hạn chế.Vì thế, chúng ta chỉ có thể tập trung trọng điểm ở một vài môn và một vài VĐV.
Trong tương lai phải làm sao có số VĐV được đầu tư trọng điểm nhiều hơn hiện nay. Đồng thời phải mở rộng và tuyển chọn các VĐV đỉnh cao cho các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic. Chúng ta phải đầu tư ở nhiều mặt và có hệ thống ở tất cả các khâu để làm sao có nhiều VĐV có thành tích tương đương nhau.
* Có ý kiến cho rằng, thành phần đoàn TTVN tham dự Olympic có số cán bộ quá nhiều trong khi HLV và bác sĩ quá ít. Thậm chí, có người đánh giá đây là căn bệnh của TTVN tại các đấu trường quốc tế. Ông có ý kiến gì về các nhận xét trên?
- Với tư cách trưởng đoàn, tôi khẳng định tất cả cán bộ sang đây không có một ai là không được phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng. Nói một cách khác là không có ai đi chơi.
Chúng tôi đã phân công rất kĩ ai làm việc gì và làm như thế nào. Đoàn TTVN tham dự Olympic được phép có 10 cán bộ và 1 Trưởng đoàn là 11. Chúng ta phải có một bộ phận gọi là tổng hợp, quan hệ quốc tế để giúp đoàn thuận lợi trong quá thi đấu tại Brazil. Bên cạnh đó, một số HLV sang đây chỉ đạo không có ngoại ngữ tốt nên nhiều khi khó khăn cần có phiên dịch. Vì vậy, nhiều khi công tác đối ngoại trong các cuộc họp là rất quan trọng.
Ngoài các VĐV và cán bộ chuyên trách các bộ môn thì thì còn có mặt của cán bộ quản lí ở Vụ TDTT thành tích cao, Trung tâm huấn luyện thể thao QG và báo chí tác nghiệp. Kể cả quá trình tác nghiệp của báo chí, chúng tôi có quy chế phân công cụ thể cho từng cán bộ đảm nhận nhiệm vụ thích hợp.
Còn về vấn đề bác sĩ, đây là lần đầu tiên đoàn TTVN cử tới 3 bác sĩ tham dự đấu trường này. Bác sĩ ở đây không phải là chăm sóc sức khỏe cho đoàn mà bác sĩ sang đây làm công tác rất quan trọng là công tác hồi phục cho VĐV sau quá trình tập luyện để chuẩn bị thi đấu. Cũng như bác sĩ làm cả công tác trị liệu và chữa trị chấn thương của VĐV. Cá nhân tôi nghĩ với 10 cán bộ đi theo đoàn làm công tác quản lí như vậy là không nhiều. Tôi đánh giá tới giờ phút này, nhìn chung các cán bộ theo đoàn đã làm tương đối tốt nhiệm vụ và chức năng được giao.
Tuấn Cương(thực hiện từ Rio, Brazil)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất