Văn học Nga ở Việt Nam: Xa rồi thời hoàng kim

14/11/2014 14:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Từ thập niên 60 đến thập niên 90 của thế kỷ trước là thời đại độc tôn của văn chương Nga ở Việt Nam, với Tolstoy, Dostoievski, Puskin... được dịch và phổ biến rộng rãi. Từ đầu thập niên 1990, văn học Nga đã biến mất, nhưng như thế nào và vì sao?

Theo dịch giả tiếng Nga Lê Đức Mẫn (hiện là Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga), có 4 nền ngôn ngữ có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam: Trung Quốc (sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc), Pháp (từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20), Nga (từ thập niên 1960 đến thập niên 1990), và hiện nay là tiếng Anh.

“30 năm tiếng Nga vào Việt Nam đã giúp đưa tinh hoa văn học XHCN vào Việt Nam, cùng với văn chương Nga, Liên Xô là văn chương của các nước Đông Âu như Hungary, Bulgary… cũng vào Việt Nam thông qua tiếng Nga”. Tiếng Nga, văn chương Nga một thời ảnh hưởng đến cả gu thẩm mỹ lẫn cách đọc, cách viết của người Việt Nam, đến nay dù đã mờ nhạt, nhưng cả một giai đoạn văn hóa không thể dễ dàng biến mất.

Tổng thống Putin cũng “ra tay” hỗ trợ văn học

Có hẳn một tổ chức được giao nhiệm vụ làm cầu nối văn học giữa Việt Nam và Nga, đó là Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga do Chính phủ Nga đầu tư thành lập. Theo dịch giả Thúy Toàn, Giám đốc quỹ, Tổng thống Nga Putin là người ra quyết định thành lập, và chỉ đạo 5 cơ quan ở Nga đảm trách quỹ, bao gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Quỹ Hòa bình Nga, Quỹ Văn hóa Nga và Ngân hàng Nga.

Mặc dù vậy, người Nga không đầu tư bằng tiền, họ chỉ hỗ trợ in ấn các bản thảo từ Việt Nam gửi sang và chuyển về Việt Nam. Hoạt động từ tháng 2/2012 đến nay, quỹ cho ra 13 ấn phẩm, trong đó có cả tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và sách nghiên cứu văn học.


Các đầu sách của đại văn hào Dostoievski được in nhờ quỹ hỗ trợ quảng bá của Chính phủ Nga

Dostoyevsky là nhà văn lớn nhất và có nhiều đầu sách được in nhất, gồm có Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov, Những kẻ tủi nhục, Trái tim yếu mềm, Bút ký từ nhà chết, Làng Stepantsikovo và cư dân. Ngoài ra còn có thơ và truyện của Nicolai Leskov, sách về dịch giả thân thiết với Việt Nam Marian Tkachev và tiểu thuyết hiện đại Cuộc chiến đi qua của Kanta Ibragimov (đoạt giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về văn học nghệ thuật năm 2003).

Các đầu sách đều được Nga in ấn đẹp đẽ, thiết kế sang trọng, hầu hết bìa cứng, do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội lưu trữ. Đặc biệt, sách không phát hành ra thị trường mà chỉ đem biếu các tổ chức, cá nhân nghiên cứu về văn học và văn hóa Nga ở Việt Nam. Vì thế, không thể tìm thấy thông tin giới thiệu về các đầu sách này trên mạng Internet hoặc báo chí.

Mỗi năm dăm bảy đầu sách, chất lượng “đáng thất vọng”

Văn học Nga ở Việt Nam bắt đầu mờ nhạt và suy sụp từ đầu thập niên 1990 đến nay. Từ giữa thập niên 1990 bắt đầu không còn bóng dáng trong làng xuất bản. Sau năm 2000, văn học Nga mới bắt đầu quay lại nhưng không thực sự nổi bật. Giới xuất bản vẫn gần như lãng quên và loại bỏ văn học Nga ra khỏi kế hoạch xuất bản, chỉ có vài đầu sách do NXB Trẻ, NXB Lao động, các công ty sách như Phương Nam hay Đông Tây phát hành. Nhưng sách Nga khó in, nhuận bút và sự chú ý không thể bằng được văn học phương Tây.

“Mỗi năm dăm bảy đầu sách văn học Nga là quá ít so với mặt bằng chung của nền xuất bản” - dịch giả tiếng Nga Đoàn Tử Huyến nhận định. Vì thế, văn học Nga dường như đã bị bỏ quên, nhưng cần lưu ý, rằng sự bỏ quên này chỉ là ở lớp công chúng đại chúng, còn tình yêu với văn học Nga vẫn tồn tại ở lớp công chúng từng học ở Nga và gắn bó với văn hóa Nga.

Tình trạng đó hoàn toàn trái ngược với quá khứ hoàng kim. Trong ký ức của dịch giả Thúy Toàn, những năm 1980, sách văn học Nga đắt khách đến nỗi có sách tập 1 chưa ra mắt tại Việt Nam nhưng tập 2 đã được dịch. Đó là tác phẩm Đoạn đầu đài của nhà văn lớn Chingiz Aitmatov. Hay Chuyện thường ngày ở huyện, tên tập truyện ký của nhà văn Valentin Ovechkin, đã trở thành cụm từ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói của người Việt.

Hơn thế, số người tâm huyết với văn học Nga ở Việt Nam hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, theo nghĩa đen. Theo dịch giả Thúy Toàn, Ban thường trực quỹ có 5 thành viên nhưng chỉ có 2 người thường xuyên hoạt động là Giám đốc Thúy Toàn và Phó giám đốc Lê Đức Mẫn. Một ủy viên Ban thường trực là dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền đảm nhận vai trò đại diện của quỹ tại Nga nhưng vì công việc riêng nên không thể hoạt động nhiều.

Không dễ tìm dịch giả, vì những người có khả năng lại không đủ thời gian làm công việc dịch thuật văn học. Chẳng hạn, quỹ từng mời 15 dịch giả làm công việc dịch nghĩa các bài thơ từ tiếng Việt sang tiếng Nga, nhưng làm giữa chừng phải ngừng lại, vì có những người bỏ dở công việc. “Mà đó mới là dịch nghĩa chứ chưa phải dịch thơ. công việc còn khó hơn nhiều” - dịch giả Thúy Toàn nói.

Nhưng theo dịch giả Đoàn Tử Huyến, cố vấn của quỹ, về chất lượng các ấn phẩm đã xuất bản, quỹ đã “gây thất vọng cho cá nhân tôi”. Ông phân tích: “Đông đảo người đọc không biết đến sản phẩm của quỹ. Những người biết, như tôi, thì lại tiếc cho sự lãng phí của nó. Tôi cho là những người điều hành quỹ đã đi lạc định hướng. Một số thành viên Ban giám đốc, được công bố hẳn hoi, gần như không có vai trò gì trong hoạt động của quỹ. Cách chọn sách để dịch, in (ra cả tiếng Nga và tiếng Việt) tùy tiện, không phù hợp với yêu cầu; chất lượng biên tập nhiều sai sót”.

“Nếu vẫn tiếp tục như vậy, tôi cho là quỹ không xứng với đồng tiền được phía Nhà nước Nga chi ra hỗ trợ và nhu cầu của bạn đọc mong mỏi được tiếp xúc với những tác phẩm tinh hoa, những ấn phẩm có giá trị”.

Hơn nữa, điều quan trọng là sách in ra chỉ để đem biếu, không đến được với người đọc đại chúng. Quỹ cũng không hề có hoạt động truyền thông cho các đầu sách. Không thể tìm được thông tin về các đầu sách trên mạng hay báo chí.

Từ bao cấp đến mờ nhạt

“Mờ nhạt” là từ dịch giả Đoàn Tử Huyến dùng để nói về vị thế của văn học Nga tại Việt Nam hiện nay.


Theo ông, nền văn học Nga - Xô Viết những thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, nếu không nói là độc tôn thì cũng gần như vậy đối với đông đảo người đọc Việt Nam. “Từ phương pháp sáng tác, cơ cấu tổ chức văn học, định hướng và hệ thống tác giả, tác phẩm được lọc qua lăng kính Liên Xô - một món ăn “bao cấp”: có thể bổ, cần lúc đó nhưng đơn điệu, nặng nề” - dịch giả nhận định.

Nhưng đến khi văn học phương Tây xâm nhập vào Việt Nam, với sự mới lạ, đại chúng, phần lớn hấp dẫn một cách dễ dãi (trinh thám, tình yêu, tình dục - những chủ đề mà văn học Nga còn thiếu), đã gần như loại bỏ sách văn học Nga ra khỏi “thực đơn” của các NXB.

Mặc dù vậy, tình yêu văn học Nga vẫn sống trong lòng một bộ phận không ít người đọc, nhất là ở thế hệ những người từng trải và gắn bó với văn hóa Nga, với Liên Xô, sống qua những năm chiến tranh chống Mỹ). “Tình yêu đó, có thể là mãnh liệt, có thể với sự tiếc nuối, ngậm ngùi, nhưng không bao giờ dứt” – theo dịch giả Đoàn Tử Huyến.

Kiệt tác bán 1.000 bản trong 10 năm

Cuốn Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov, một tác phẩm kiệt xuất của văn học Nga do Đoàn Tử Huyến dịch, ra năm 2006. Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây in 1.000 bản bán trong gần 10 năm nay mới hết. Một tác phẩm tầm vóc tương tự, nếu là ở thời hoàng kim của văn học Nga tại Việt Nam, có thể rất ăn khách.

Đón đọc bài tiếp theo Dịch giả Thụy Anh: 'Quá khứ đáng tôn thờ, nhưng không nên tiếc nuối'

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm