Xạ thủ Trần Quốc Cường: 'Vĩ nhân' nơi tỉnh lẻ

30/07/2016 09:24 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Thành tích thể thao thì anh nhất cả tỉnh. Nhưng có vẻ như cái vị thế tỉnh nghèo vùng đồng bằng sông Hồng nó "vận" khiến anh chỉ còn là "kép phụ" mỗi khi bước ra những sàn đấu lớn hơn. Anh là xạ thủ Trần Quốc Cường, quê Hải Dương, một trong 2 tay súng Việt Nam dự Olympic Rio 2016....

" Lucky Luke" của thành Đông

Kẹp" giữa 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng, nói đến thể thao Hải Dương, chẳng ai nghĩ đến bắn súng, bởi lẽ, đặc sản của thành Đông phải là bóng bàn với những cái tên đi vào lịch sử như: Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Đức Long hay Vũ Mạnh Cường...

Hơn thế, nói đến bắn súng trên bình diện quốc gia, thì tốp đầu phải là Hà Nội, Quân đội, Bộ Công an... Hải Dương cũng chỉ "làng nhàng" phía sau cùng với những Thanh Hóa, Quảng Ninh, nhờ có được truyền thống lâu dài. Một cái CLB bắn súng nhỏ bé bên cạnh bờ sông Thái Bình và ngày càng xập xệ thời chuyên nghiệp và tay súng đáng kể nhất cũng chỉ là nam xạ thủ Nguyễn Đức Uýnh, người sau này có thời lên làm công tác quản lý bộ môn, hơn là về thành tích.

Bởi những cái lẽ thế, chuyện Trần Quốc Cường đến với cái môn "ngắm bắn, bóp cò" này cũng chẳng có gì thật đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình "vừa vừa" gần với Cầu Cất, cây cầu xi măng lớn nhất thời Hải Dương còn là thị xã, Cường đến với bắn súng lúc lên cấp 3 đơn giản là vì bố anh cũng là tuyển thủ bắn súng cựu trào, ông Trần Đình Mấn. Mà đâu cũng chỉ mình Cường, em gái anh, chị Trần Thị Hồng Vân và người chị vợ cũng theo nghiệp súng ống này.



Và mọi chuyện cứ trở nên tuần tự. Năm 1995, giành HCV Đại hội TDTT toàn quốc nội dung sở trường súng ngắn bắn chậm, Quốc Cường được gọi vào đội tuyển quốc gia. Hơn 20 năm sau, trong cả màu áo đội tuyển lẫn địa phương, anh có đủ bộ huy chương quốc gia, quốc tế, từ SEA Games đến ASIAD, từ khu vực đến châu lục. Và với suất chính thức tham dự Olympic Rio 2016 khi vượt qua vòng loại ở Cúp thế giới tại Tây Ban Nha năm 2014, Trần Quốc Cường trở thành VĐV giàu thành tích nhất của thể thao Hải Dương lúc này.

Sắm vai "kép phụ"

203.000 kết quả (0,38 giây) - Đó là kết quả tìm kiếm trên Google với cụm từ "xạ thủ Trần Quốc Cường", nhưng hầu hết chỉ gắn với "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" mà Cường đã giành được cũng như suất dự Olympic có phần bất ngờ của anh.

Lên tuyển từ những năm 1990, nhưng ít khi Cường được nhắc nhiều tới dù "đạn vẫn chạm hồng tâm", lẽ đơn giản - xạ thủ sinh năm 1974 này không phải là gương mặt, hay niềm hy vọng số 1. Cuối thập niên 90 tới đầu năm 200, cái bóng của những Nguyễn Quốc Cường (Quân đội); Phạm Cao Sơn (Hải Phòng); Nguyễn Mạnh Tường (Bộ Công an)... là quá lớn ở thê đội súng ngắn nam, khó có chỗ cho một tay súng trẻ có thể len vào.

Tới khi lứa đàn, đàn chú giã nghiệp, Cường luôn có mặt trong đội hình chính, thì cái tên được nhắc đến nhiều hơn lại là... Hoàng Xuân Vinh, tay súng vượt lên với thành tích, kỷ lục tầm thế giới. Vậy nên dễ hiểu, những lần "nổi danh" của Quốc Cường, đó lại là một lần sắm vai "anh hùng bất đắc dĩ".



Trần Quốc Cường giới thiệu cho đại diện thương hiệu Galle Watch về bộ môn bắn súng trong thời gian tập luyện cho Olympics Rio

Gần đây nhất là "cuộc đấu nội bộ" tại SEA Games 28 khi mà Cường vượt qua chính Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam để giành chức vô địch cá nhân mà báo chí đã gọi anh là - Người hùng ngoài dự kiến.  Hay như giải bắn súng thế giới năm 2010 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khi mọi kỳ vọng được đặt vào lão tướng Nguyễn Mạnh Tường thì Cường bất ngờ vươn lên xếp hạng tư ở nội dung súng ngắn bắn chậm, thành tích tốt nhất tại cấp độ thế giới của Việt Nam lúc bấy giờ.Số 2, nhưng trong một môn thể thao mà tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng như bắn súng thì chẳng thể có số 1 nếu không có những "kép phụ" xuất sắc như Trần Quốc Cường

"Ôm súng" nhiều hơn "ôm vợ"

Với 1 tuyển thủ bắn súng thành danh thì đó là câu chuyện... thường! Bởi thời gian tập huấn, thi đấu trên Nhổn (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) còn nhiều hơn ở nhà. Cường cũng chẳng là ngoại lệ. Vợ anh, chị Trần Thị Mai Anh hiện đang công tác ở Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) trở hành người trụ cột bất đắc dĩ của gia đình cho biết, một năm nếu "tính dồn" thì người đàn ông 42 tuổi này chỉ ở nhà với vợ con được... 2 tháng! Nhưng cũng chính người vợ đảm và 2 cậu con trai một cháu 12 tuổi, một cháu 4 tuổi là nguồn động lực để anh gắn bó dài lâu với cây súng.

Nhiều người đã "dự báo" rất có thể Olympic Rio sẽ là cuộc đấu cuối của Cường và anh sẽ chuyển qua công tác huấn luyện. Nhưng ở Hải Dương, Cường vẫn là của qúy, là cái mỏ huy chương, niềm tự hào của cả tỉnh. Hơn thế, tỉnh nghèo, lấy đâu ra nơi tập luyện, súng, đạn cho anh thi đấu đỉnh cao... Thôi thì "gửi" trên đội tuyển để lúc này Quốc Cường vẫn là VĐV kiêm HLV, vẫn là tay súng vô địch " Lucky Luke" của thành Đông! Một "vĩ nhân" của tỉnh lẻ.

VĐV Hải Dương thứ hai dự Olympic

Trước Trần Quốc Cường, thể thao Hải Dương cũng từng có 1 VĐV giành quyền tham dự Olympic. đó nữ lực sĩ cử tạ Nguyễn Thị Thiết. Sau khi giành HCĐ giải vô địch châu Á năm 2004, Nguyễn Thị Thiết có suất chính thức tham dự Thế vận hội Athens cùng năm đó. Tuy nhiên, với thành tích tổng cử 205,0kg, Thiết chỉ xếp thứ 6/9 hạng 58-63kg nữ.

Kẻ vô danh trên wiki

Không khó để tìm thấy trên Google, nhưng khác với nhiều VĐV nổi tiếng của Việt Nam, Trần Quốc Cường lại "vô danh" hoàn toàn trên Wikipedia - Bách khoa toàn thư tự do. Cái tên Trần Quốc Cường ở các giải đấu, ở đội tuyển quốc gia...khi bấm vào trên Wikipedia (phần tiếng Việt) lại ra... Ông Trần Quốc Cường sinh năm 1961, một chính khách!

Galle Watch – thương hiệu phân phối đồng hồ chính hãng số 1 Việt Nam vinh dự được là nhà tài trợ cho đội tuyển bắn súng Quốc gia tham dự Olympic Rio 2016. Theo đó, ngay tại buổi lễ công bố nhà tại trợ cho đội tuyển đã diễn ra vào ngày 27/05/2016 tại Tổng cục thể dục thể thao, số 36 Trần Phú vừa qua, đại diện Galle Watch đã trao tặng HLV, VĐV và chuyên gia của tuyển bắn súng các mẫu đồng hồ mới nhất đến từ thương hiệu Thụy Sĩ – Festina nhằm động viên khích lệ tinh thần của đội tuyển trước giờ lên đường thi đấu. Với mỗi chiếc huy chương đạt được tại đấu trường thể thao danh giá này, Galle Watch sẽ trao cho các VĐV của đội tuyển bắn súng phần thưởng tiền mặt lên tới hơn 100 triệu đồng/ mỗi giải.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm