'Nên miễn thi cho học sinh có hành động cao đẹp!'

04/01/2014 10:05 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GDĐT vừa đưa ra xin ý kiến ngay lập tức nhận được phản hồi của dư luận. Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài xét tốt nghiệp theo tiêu chí kiến thức, việc xét tốt nghiệp THPT dựa vào tiêu chí đạo đức cũng nên áp dụng trong kỳ thi này.

Cụ thể, Dự thảo đưa ra 2 phương án: Thí sinh sẽ thi 4 môn (trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán cùng 2 môn tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học…); Phương án hai, thí sinh sẽ thi 5 môn (trong đó, Ngữ Văn, Toán và Ngoại ngữ là ba môn thi bắt buộc, 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý).


“Không thể chậm trễ hơn”


Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Chúng ta không lo học sinh bị sốc bởi cả 2 phương án thi tốt nghiệp Bộ vừa đưa ra, những môn thi bắt buộc vẫn giữ nguyên hoặc được giảm đi. Còn những môn tự chọn các em sẽ được lựa chọn môn mình học tốt để thi. Những phương án này giúp học sinh “nhẹ gánh” chứ không gây khó khăn với các em.


PGS Văn Như Cương

Môn Đạo đức chưa bao giờ được đưa vào các kỳ thi và cũng khó đưa môn này vào kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng việc mở rộng đối tượng miễn thi tới các em có những hành động cao đẹp, lối sống cống hiến, được xã hội ghi nhận sẽ động viên các em rất nhiều - (PGS Văn Như Cương).

Còn theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc áp dụng ngay hình thức thi mới này trong kỳ thi năm 2014 là thích hợp. “Từ lâu, kỳ thi tốt nghiệp THPT là sức ép lớn với các em và toàn xã hội. Trong khi đó, chất lượng kỳ thi vẫn không đánh giá đúng thực lực. Nên việc giảm tải, gỡ bỏ dần những gánh nặng trên là bức thiết và chúng ta không thể chậm trễ hơn”- PGS Văn Như Cương nói.


“Việc thi ít môn hơn, đơn giản hơn không ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi. Thậm chí, việc để học sinh tự lựa chọn môn thi, cộng điểm tiếng Anh trong phương án 1 còn khiến kỳ thi thực chất hơn. Học sinh sẽ được tự lựa chọn hướng phát triển của mình. Đó là cơ sở để xây dựng được một đội ngũ lao động chuyên môn hóa thay vì những cô tú, cậu tú cái gì cũng biết nhưng chẳng giỏi cái gì” - PGS Văn Như Cương nhận định thêm.


TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: M.Cường

PGS Cương cũng đề xuất phương án thứ 3, dung hòa cả hai phương án Bộ đưa ra. Đó là vẫn tổ chức thi ngoại ngữ như môn bắt buộc, song chỉ lấy điểm đạt. Còn các em có điểm vượt qua những ngưỡng nhất định sẽ có ba - rem điểm thưởng riêng. Nhưng điểm thưởng sẽ không quá lớn. Điều này vừa khuyến khích được các em học ngoại ngữ, vừa hạn chế sự bất công với các em vùng sâu vùng xa, nơi việc dạy và học ngoại ngữ còn có khó khăn khách quan.


Học làm người là mục tiêu trên hết


Trong dự thảo của Bộ GDĐT, việc mở rộng đối tượng miễn thi, trong đó có các thí sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt, cũng được dư luận chú ý. PGS Văn Như Cương cho hay: “Đây là quyết định đáng hoan nghênh của Bộ để kỳ thi “dễ thở” hơn”.


“Thi tốt nghiệp quyết định rất lớn tới cách học và thái độ sống của học sinh. Nên việc mở rộng đối tượng miễn thi là cơ hội tốt để khích lệ các em sống đẹp. Môn Đạo đức chưa bao giờ được đưa vào các kỳ thi và cũng khó đưa môn này vào kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng việc mở rộng đối tượng miễn thi tới các em có những hành động cao đẹp, lối sống cống hiến, được xã hội ghi nhận sẽ động viên các em rất nhiều” - PGS Văn Như Cương khẳng định.


Học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Còn theo TS Tùng Lâm, việc miễn thi còn nhiều điều phải bàn. Song, ông cũng đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương trong triết lý giáo dục. “Các em học để làm người trước khi học để trở thành một cái gì đó siêu phàm. Nên việc xem nhẹ đạo đức, lối sống trong việc học và thi như suốt thời gian qua nên dừng lại tại đây, ngay trong kỳ thi 2014 này” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.


Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, những sự vụ đáng buồn suốt thời gian vừa qua như: “hôi bia”, “đinh tặc”, “hoa tặc”, thờ ơ, vô cảm khi thấy người gặp hoạn nạn... lỗi phần lớn do giáo dục. Và việc xét xử từng sự vụ nhỏ lẻ không bao giờ triệt tận gốc được vấn đề.


“Nếu đạo đức là khía cạnh được coi trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đó là bước tiến lớn của giáo dục Việt Nam”- TS Nguyễn Tùng Lâm nói.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm