Chuyện buồn điện ảnh Việt chỉ 'ra chợ' tại Cannes

13/05/2015 06:30 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Với câu hỏi: Điện ảnh Việt quan hệ như thế nào với LHP Cannes thì chắc chắn khó trả lời, vì chúng ta rất thụ động, phập phù, mỗi năm mỗi khác. Vì LHP Cannes giữ quyền phát hành quốc tế đầu tiên nên năm nay và nhiều năm trước đây, Việt Nam hoàn toàn không có phim mới để tham dự, chưa nói các phim ấy có đủ chất lượng để được lựa chọn hay không.

LHP Cannes lần thứ 68 diễn ra từ ngày 13 hết ngày 24/5 tại Pháp, về thông tin chính thức, dường như chỉ Lý Nhã Kỳ được mời tham dự, cho hạng mục nào thì còn chưa rõ. Và Hãng phim Fortissimo nói sẽ đưa Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đến giới thiệu theo kiểu tiếp thị tại chợ phim.

Cũng có những thông tin bên lề cho biết tại chợ phim của Cannes năm nay vẫn có thể gặp các phim như Đó... hay đây? của đạo diễn Síu Phạm, Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp, Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh… thông qua các công ty đại diện đem bán. Thế nhưng thông tin chi tiết thế nào thì vẫn chưa thể kiểm chứng chi tiết được.

Nhìn lại các LHP Cannes trước đây, có những kỳ nghệ sĩ và nhà sản xuất Việt tham dự khá đông, vậy mà năm nay khá vắng vẻ. Điều này có lẽ đến từ mấy lý do: Thứ nhất, điện ảnh Việt cũng tự lượng sức mình nên không thể trông ngóng hay chuẩn bị quá nhiều với liên hoan phim danh giá này. Thứ hai, thái độ thụ động trong giao lưu, chia sẻ, tiếp thị ra quốc tế vốn đã thành cố hữu của nhiều ngành nghệ thuật tại Việt Nam. Và thứ ba, có tài trợ mới đi, năm nay không đi vì thiếu vắng họ, ít nhà sản xuất, đạo diễn hay diễn viên đủ tự tin để chủ động đến tìm kiếm cơ hội.

2. Mọi so sánh đều tương đối, chứ tại hạng mục Un Certain Regard (Một cách nhìn) của liên hoan phim, một đại diện của Ethiopia ở châu Phi là Yared Zeleke đã đem đến phim Lamb, đây là lần đầu tiên nước này có phim tham dự. Brillante Mendoza của Philippines với phim Taklub, Apichatpong Weerasethakul của Thái Lan với phim Rak Ti Khon Kaen, Ida Panahandeh của Iran với phim Nahid… Cách làm phim phù hợp với từng hoàn cảnh của các quốc gia này đều là bài học thiết thực cho điện ảnh Việt Nam.

Còn tại hạng mục tranh giải chính thức Main Competition (Cành cọ vàng), trong số 21 phim, có 3 phim đến từ châu Á. Đó là Nhiếp ẩn nương của đạo diễn lẫy lừng Hầu Hiếu Hiền từ Đài Loan (Trung Quốc), Sơn hà cố nhân của Giả Chương Kha từ Trung Quốc, Umimachi Diary của Hirokazu Kore-Eda từ Nhật Bản. Nếu Việt Nam có phim tham dự này, thì chỉ riêng khu vực châu Á cũng khó để vượt qua các đạo diễn này, họ đều là “quá cỡ để so gân”.

Hay cả BGK năm nay của Main Competition, gồm chín thành viên, BTC đã mời Xavier Dolan, một đạo diễn và diễn viên Canada, 26 tuổi, chỉ có sáu năm kinh nghiệm nhưng thành tích lẫy lừng. Dường như với Cannes, tài năng là tất cả, nên không thể thiếu sự chuẩn bị và chiến lược lâu dài, nếu muốn xuất hiện đều đặn hơn.

Nhưng ngoài tài năng và chiến lược dài hơi, dường như phim Việt còn thiếu nhiều thứ nữa...

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm