Thị trường xe điện lớn nhất thế giới bẻ lái sang hybrid?

09/10/2024 11:51 GMT+7 | HighTech

"Các công ty sản xuất xe thuần điện đều không có lãi" - một giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn ô tô Geely (Trung Quốc), bất ngờ cho biết. Còn theo Bloomberg, thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là "đại nhà máy" sản xuất ô tô thuần điện của thế giới, vẫn chưa sẵn sàng loại bỏ động cơ đốt trong.

Một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc từng chỉ sản xuất các dòng xe thuần điện mới đây đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất xe hybrid cắm điện (Plug-in Hybrid Electric Vehicle, hoặc PHEV), hoặc xe điện mở rộng phạm vi hoạt động (Extended Range EV, còn được gọi là thế hệ xe điện mới EREV), cả hai đều hoạt động trên nguyên tắc tích hợp pin vào động cơ.

Thị trường xe điện lớn nhất thế giới bẻ lái sang hybrid? - Ảnh 1.

Sealion 6, mẫu xe PHEV (hybrid cắm sạc) dự kiến sẽ được BYD đưa vào thị trường Việt Nam ngay trong năm 2024. Xe trang bị động cơ 1.5L tăng áp kết hợp với khối pin "dao điện" của BYD, có khả năng di chuyển tới 1.092 km sau 1 lần sạc đầy!

Ít nhất đã có 3 hãng xe Trung Quốc xác nhận đang đi theo xu hướng "lai" này, gồm Xpeng (đã được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Mỹ) và thương hiệu cao cấp Zeekr của Geely (đã có kế hoạch vào thị trường Việt Nam qua nhà phân phối Tasco Auto) và cả thương hiệu Aion của tập đoàn ô tô Quảng Châu cũng đang phát triển công nghệ mới cho dòng xe điện có phạm vi mở rộng (EREV).

Vẫn theo khảo sát của Bloomberg, xe hybrid đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và hơn thế nữa, vì chúng giúp xoa dịu nỗi lo về phạm vi di chuyển và có xu hướng giá cả phải chăng hơn so với xe thuần điện (EV). Xe plug-in hybrid chứa bình xăng và động cơ có thể hoạt động nếu hết pin. Với xe điện mở rộng phạm vi hoạt động, động cơ xăng chạy định kỳ để sạc lại pin.

Sự tăng trưởng của các dòng xe PHEV và EREV đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của xe thuần điện, với số lượng đăng ký xe hybrid ở Trung Quốc tăng gần 140% trong tháng 8/2024 và xe điện mở rộng phạm vi tăng vọt 90%. Trong khi ấy, cùng thời điểm, doanh số xe thuần điện (EV) chỉ tăng 20%, theo Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ ô tô Trung Quốc.

Và lợi nhuận là lý do chính khiến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang chuyển sang lĩnh vực xe plug-in hybrid.

Tại một hội nghị liên quan tới vấn đề này vào tháng 3 năm nay, Gui Shengyue, giám đốc điều hành cấp cao của Geely, tiết lộ rằng các hãng xe Trung Quốc kiếm được tiền là những nhà sản xuất động cơ đốt trong! Ông khẳng định: "Các công ty xe thuần điện không có lãi. Ngoại trừ Tesla, không có nhà sản xuất xe thuần điện nào thoát khỏi cảnh báo lỗ. Các công ty BYD và Li Auto đang có lãi nhưng họ cũng sản xuất xe hybrid, hoặc tập trung vào xe điện phạm vi mở rộng".

Giám đốc điều hành Geely cũng cho rằng công nghệ plug-in hybrid còn nhiều tiềm năng và ủng hộ việc phát triển cả động cơ đốt trong và ô tô chạy bằng pin, vì hành trình hướng tới phương tiện giao thông không phát thải có thể không đơn giản như vậy!

Thực tế cập nhật, doanh số tháng 9/2024 vừa qua của BYD, nhà sản xuất ô tô năng lượng mới hàng đầu Trung Quốc đã lập kỷ lục mới (419.420 NEV - New Energy Vehicle, xe năng lượng mới) trong đó gần 2/3 là xe hybrid cắm sạc (PHEV) - mức tăng kỷ lục tháng thứ bảy liên tiếp trong năm nay và tăng tới hơn 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Việt Nam, sau khi ra mắt hoành tráng 3 mẫu xe thuần điện (Dolphin, Seal và Atto3) nhưng gặp nhiều rào cản về hạ tầng sạc pin, BYD tiết lộ kế hoạch sẽ đưa thêm vào thị trường Việt Nam các mẫu xe hybrid cắm sạc, một mặt đa dạng thêm sản phẩm, mặt khác tăng tính cạnh tranh ở phân khúc plug-in-hybrid còn rất ít đối thủ và sẽ tránh việc đối đầu trực tiếp với hãng xe điện Việt Nam. Các mẫu xe năng lượng mới của BYD dự kiến gia nhập thị trường Việt Nam trong năm nay được trang bị công nghệ hybrid DM-i thế hệ thứ 5 với khả năng tiêu hao nhiên liệu chỉ 2,9 lít/100km sau khi hết pin và phạm vi di chuyển lên đến 1.200km sau mỗi lần sạc đầy, thông tin từ nhà sản xuất.

Phan Ka (theo Bloomberg)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm