Nhà văn vẽ tranh: Vì nghệ thuật, vì cả 'cơm áo'

27/06/2013 12:05 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhìn lại nền nghệ thuật Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, số nhà văn (bao gồm cả nhà thơ) vẽ tranh cũng không hiếm, nhưng một hai thập niên trở lại đây thì có vẻ đông hơn. Lý do vì sao các nhà văn lại chọn thêm hội họa để tỏ lộ chính mình thì đã có nhiều bình luận khác nhau, nhưng khi phỏng vấn, mỗi người nói một kiểu, thật khó để có kết luận chung.

Quả thật gần đây, số nhà văn triển lãm hội họa đã không còn xa lạ, đơn cử như triển lãm vẽ trên gốm của Nguyễn Huy Thiệp vừa qua.

Còn nếu chỉ kể tên những người còn sống (không đầy đủ), thì thế hệ 2X có Bàng Sĩ Nguyên, Phan Vũ, 4X có Trần Nhương, Đoàn Lê, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Phục, 5X có Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thị Kim, Trần Đăng Khoa, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Lê Minh Quốc, Bùi Chí Vinh, Hữu Ước, Đỗ Minh Tuấn, 7X có Phan Bá Thọ, 8X có Lê Minh Phong… Theo thống kê sơ lược, hiện có hơn 20 nhà văn đang vẽ tranh.

Vẽ “bất chấp” lý do

“Các nhà thơ, nhà văn khác vẽ tranh với lý do gì, tôi không biết. Nhưng với tôi thì có hai lý do: Một, tôi mê hội họa. Hai, có những điều viết ra đã phải xóa đi, thay vào đó là màu sắc và hình khối”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự.

“Rõ ràng thi ca ở Việt Nam hiện nay không nuôi sống được thi sĩ, cho dù đó là thi bá hoặc thi hào. Giá thơ rẻ như bèo còn giá tranh thì ngất ngưởng trên mây. Lao vào một nghề mới bằng những ngón hoa tay bẩm sinh trên vải toan, biết đâu vừa có thể mưu sinh thoát hiểm, vừa nuôi dưỡng được hồn thơ nghiệp chướng của mình”, nhà thơ Bùi Chí Vinh cho biết.

Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân thì cụ thể hơn: “Tháng 6/2012 tôi bị ngã xe gãy xương đòn vai trái, 6 tháng treo tay để nó tự lành sẽ là thời gian trống kinh khủng, sẵn ở nhà dưỡng thương tôi bày màu ra vẽ. Bạn bè người tặng cọ, người tặng canvas, người tặng màu... tôi chỉ ngồi vào giá vẽ. Tôi minh họa báo đã hơn 20 năm nhưng lần đầu tiên trong đời sử dụng chất liệu sơn dầu vì thế tự mày mò tìm kiếm kỹ thuật, cái nào không làm được thì hỏi bạn bè là họa sĩ. Tôi cũng hoàn toàn không có ý định vẽ để triển lãm, chỉ vẽ treo chơi, bạn bè ai thích thì tặng, ai để lại tiền màu mực thì cảm ơn. Cái vui là được vọc màu sắc trong những ngày chỉ còn một tay”.

Trích ra vài ý kiến như vậy để thấy rằng lý do của việc vẽ tranh có rất nhiều, chẳng ai giống ai. Mà ngay thời trước cũng vậy, trong bối cảnh mà quan niệm “thi nhạc họa bất phân” còn khá phổ biến, thì Trần Trung Tín, Văn Cao, Quang Dũng, Trần Dần, Bùi Giáng… cũng có những lý do vẽ tranh khá khác nhau.


Tác phẩm Ngựa vàng, sơn dầu trên bố, 60x50cm, 2013. Cùng vài tác phẩm khác mà Đỗ Trung Quân đã vẽ và công bố gần đây như Cá, Cổ thành Quảng Trị, Ngày Chủ nhật của cá, Tranh tối tranh sáng, Xóm cũ, Thành vách sương mù... nhà thơ này đã vẽ chẳng khác gì họa sĩ chuyên nghiệp

Nghệ thuật là bình đẳng

Trên thế giới, tranh của các nhà văn thành danh trở thành một đối tượng để hiểu nhiều hơn về tác giả, và cũng để sưu tập. Ngay tại Việt Nam cũng thế, đương thời, nhiều người có thể lơ là hay coi thường tranh của Trần Trung Tín, Văn Cao, Quang Dũng, Trần Dần, Bùi Giáng… bây giờ thì khó mà sở hữu, nên được giới sưu tập truy tìm gắt gao. Nó hiển nhiên trở thành một phần sự nghiệp nghệ thuật của tác giả.

“Trong thơ tôi đã “định dạng” tôi một cách rõ ràng, tôi là thế, tôi yêu, tôi ghét, tôi thích, tôi sống… Mọi cái đều được thể hiện trong ngôn ngữ, đọc thơ là thấy một phần con người tôi”. Lê Minh Quốc cũng nói thêm: “Nhưng trong tranh thì khác, người xem cảm nhận qua màu sắc, hình ảnh, mang cái “tôi” của họ để nhận dạng tôi. Và khi đó tôi trong mắt họ có nhiều chân dung khác nhau. Đó cũng là điều thú vị mà trong thơ không thể có”.

“Nếu làm thơ, tôi tối kỵ sự giả dối thì vẽ tranh tối kỵ sự sao chép. Khi đạt được các mục tiêu này thì bạn sẽ cực kỳ thanh thản và không bao giờ “phá giá” tác phẩm của mình”, Bùi Chí Vinh cho biết.

Có quan điểm cho rằng nhà thơ vẽ tranh chỉ có ý, có tứ, hoặc chỉ có cảm xúc, mà thiếu kỹ thuật, thiếu chất hội họa. Điển hình là những đánh giá trước đây với tranh của Trần Trung Tín, thậm chí có ý khắt khe là “vớ vẩn, điên, vẽ bậy”, nhưng bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, tranh của ông là một giá trị khó phủ nhận.

Thế nhưng, trong quan điểm thoáng mở hơn, nghệ thuật không có ranh giới, nên khả năng sáng tạo là vô biên, nên chỉ có tác phẩm thành công, hoặc không thành công mà thôi. Những người sáng tạo thất bại luôn chiếm đa số, còn người thành công là thiểu số.

“Khi đã vẽ và đã công bố tranh của mình thì nhà thơ không được phép so sánh với họa sĩ như thế này thế kia để tìm sự cảm thông, chia sẻ. Bởi khi bạn đã sáng tạo thì không có một sự ưu tiên nào cả. Nếu những gì bạn viết, bạn vẽ không phải là một tác phẩm nghệ thuật thì suốt đời nó không phải là nghệ thuật. Mọi thứ mà một nghệ sĩ làm, hoặc là nghệ thuật, hoặc không là gì cả”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm