Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

16/09/2011 10:56 GMT+7

(TT&VH) - 1. Cái danh con người trong cuộc sống quan trọng lắm. Nguyễn Công Trứ từng viết “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Khổng Tử cũng đã nói: “Danh chính ngôn thuận”. Đúng là làm gì cũng phải có cái danh.

Đến thằng hề trong chèo cũng phải xưng danh nữa là. Nhiều tích chèo, cứ ra đến sân khấu là anh hề lại phải dùng tiếng đế “danh”. Lời đế có nhiều loại, nhưng loại dùng nhiều nhất, cho nhiều tình huống, hoạt cảnh nhất là: “Bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Liền ngay đó có tiếng đế lại “Không xưng danh thì ai biết là ai”. Nhiều đến nỗi tiếng đế này trở thành câu cửa miệng của các anh hề.

Quả thực tiếng đế danh ấy có vai trò quan trọng lắm, nó khiến cho nhân vật anh hề được giao lưu với người xem. Ngược lại người xem được tham gia cả vào diễn xuất qua câu trả lời. Tóm lại, nó làm cho chú hề chèo và người xem có một sự đồng cảm đặc biệt. Trong sự đồng cảm ấy, người xem không còn là người thưởng thức thụ động, mà họ từng lúc tham gia vào trò diễn với tư cách là người chứng kiến sự việc đang diễn ra trên sân khấu.

Có lẽ giữa chiếu chèo, tiếng trống, mõ, thanh la, não bạt, chũm choẹ... chưa đủ gây không khí nên người ta phải đế thêm như thế thì nó mới đủ xôm tụ. Để ai chưa biết buổi diễn bắt đầu hãy đến mà xem. Hơn nữa, tiếng đế ấy cũng làm cho người xem tỉnh táo, phân tích từng vấn đề được dựng lên trên sàn diễn với thái độ thích hợp. Bởi người xem đã biết người diễn ấy là ai.

2. Nhưng danh ấy được dùng đúng lúc, đúng chỗ, còn mấy ngày nay dư luận lại sôi sục chuyện danh của một số “ông quan”. Có ông chức danh “Phó Ban chỉ đạo TP.Cần Thơ về Phòng chống tham nhũng” được in chỗm chệ lên thiệp mời đám cưới con mình. Có ông quan mượn tiền cấp dưới cả tỷ bạc, dù ấy là “giao dịch cá nhân”, nhưng cá nhân ấy đang khoác trên mình một cái danh to tướng.

Ranh giới giữa công - tư vốn mong manh. Tổ chức Minh bạch Thế giới có đưa ra một định nghĩa ngắn gọn mà triết lý: “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được trao phó cho tư lợi”, cụ thể đó là khi quan chức sử dụng quyền lực công cho lợi ích tư. Chưa biết vô tình hay hữu ý thế nào, nhưng qua những việc thế này, hình ảnh những vị quan đáng kính, vốn được coi là “công bộc” của dân sẽ được nhìn với thái độ như thế nào.

Luật pháp Việt Nam đã quy định cấm sử dụng tài sản công vào những việc riêng tư như không dùng xe công để đi chơi, thăm viếng, lễ lạt; không dùng nhà công để kinh doanh; không đủ tiêu chuẩn thì không lạm chiếm nhà công sau khi công vụ đã kết thúc... Có lẽ giờ phải thêm, “không được mượn danh “công”.

Đạo lý tự xưa: “Việc công làm trọng niềm riêng sá gì”. Vậy nên, làm quan mà không công tư rạch ròi, dùng công để vun vén tư thì nên từ chức cho dân nhờ, kẻo nếu không, dễ biến phường mang danh mưu cầu giá áo túi cơm, có hơn một cái danh anh hề.

Nguyễn Gia

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm