'Thiết kế thương hiệu' cho Hà Nội bằng những sáng tạo văn hóa

05/10/2020 11:23 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(lienminhbng.org) - Tại Giải Bùi Xuân Phái năm nay có một việc làm “Vì tình yêu Hà Nội” đã được đề cử. Đó là: Những nỗ lực xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Cuối tháng 10/2019, Hà Nội đã chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân Hà Nội, đặc biệt là lực lượng văn nghệ sĩ trí thức, trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo của thành phố trên nhiều lĩnh vực. Đây là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới.

Trao giải kết hợp triển lãm tranh, ảnh về Bùi Xuân Phái

Trao giải kết hợp triển lãm tranh, ảnh về Bùi Xuân Phái

Khởi động từ tháng 6/2020 và đã có kết quả vào đầu tháng 8/2020, nhưng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức, đã phải lùi lại đến ngày 7/10 tới...

Vậy, những thay đổi chiến lược đó là gì và làm thế nào để Hà Nội thực hiện được những cam kết với UNESCO, luôn là trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á?

Từ nguồn lực thiết kế sáng tạo…

Thực ra, không phải đến khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội mới “ôm ấp những giấc mơ sáng tạo” mà từ trong lịch sử, thành phố đã sẵn có nền tảng của lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Sáng tạo bất kể ở quy mô nào, từ nhỏ bé, tinh tế như việc đưa nghề thêu truyền thống của làng nghề vào các sản phẩm đương đại cho đến quy mô như xây dựng Thành phố thông minh…

Có thể chỉ ra một thế mạnh của Hà Nội trước tiên là ở thế mạnh về hệ thống cơ sở đào tạo quốc gia và liên kết quốc tế về thiết kế mỹ thuật, thiết kế công nghiệp, kiến trúc, truyền thông đa phương tiện, quảng cáo, công nghệ thông tin, quản lý đổi mới sáng tạo, quản lý thương hiệu… Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi tập trung các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo với nhu cầu thiết kế sáng tạo cao như hệ thống các bảo tàng, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa nghệ thuật và trung tâm thương mại.

Đặc biệt, Hà Nội có thế mạnh về nguồn lực con người, gồm lực lượng lao động trẻ năng động và được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo.

Trong những năm gần đây, Hà Nội còn là nơi tập trung một số lượng lớn các cá nhân và tổ chức quốc tế, các nghệ sĩ và nhà thiết kế quốc tế tới sinh sống và làm việc. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn, mang tầm quốc tế khác đã được tổ chức thành công, không chỉ là niềm tự hào về năng lực tổ chức sự kiện của Hà Nội, mà còn là bằng chứng thuyết phục về khả năng sáng tạo của Thành phố Rồng bay.

Chú thích ảnh
Nỗ lực đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực

Những năm gần đây, Hà Nội triển khai rất nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn); dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống); đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, đường đua xe Công thức 1 ở Mỹ Đình…

Đặc biệt không thể không kể đến Dự án Thành phố thông minh, một yếu tố cấu thành của Thành phố sáng tạo được khởi công cách đây gần 1 năm tại huyện Đông Anh. Điều đáng nói của dự án này là sau khi hoàn thành (triển khai theo 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành sau gần 10 năm), các hạng mục đều hướng tới việc áp dụng những công nghệ hiện đại để phục vụ cho mọi sinh hoạt của người dân và quản lý đô thị từ năng lượng, giao thông, quản trị, học tập đến kinh tế… Cùng với dự án này, theo kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Những “liệt kê sơ bộ” ở trên cho thấy năng lực và tiềm năng sáng tạo dồi dào của thành phố Hà Nội trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

… đến định vị thương hiệu bằng sáng tạo văn hóa

Việc Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo mới chỉ là sự khởi đầu. Làm gì và làm thế nào để phát huy ý nghĩa của danh hiệu này cho sự phát triển Thủ đô mới là điều quan trọng nhất.

Trong kế hoạch hành động mà Thủ đô triển khai thực hiện sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội đã cam kết thực hiện 3 dự án quan trọng: Thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội nhằm cung cấp một nền tảng bền vững cho hoạt động sáng tạo; Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội gồm các chương trình truyền hình (talk show, game show và live show) được tổ chức với sự phối hợp của kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và các báo điện tử tại Thủ đô, hướng tới mục tiêu tạo ra một sân chơi công bằng, hữu ích cho giới trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Cùng với đó là 3 dự án cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức hằng năm, bao gồm một loạt sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành thiết kế và quan hệ công chúng, nhằm nêu bật những ý tưởng và sự đổi mới trong thiết kế sáng tạo tại Hà Nội và trên toàn cầu. Thứ hai là chương trình Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm hỗ trợ trao đổi kiến thức, tăng cường sự hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Và, cuối cùng là hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội thực hiện với sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từ đó cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm tạo cơ hội cho những người có tham vọng, có ý tưởng sáng tạo phục vụ thiết thực cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trong chương trình hành động của thành phố có nhiều hoạt động như: Xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, các chương trình nghệ thuật, tổ chức các quỹ văn hóa… nhằm tiếp tục sử dụng sáng tạo như một động lực phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật, giáo dục…

Đây vừa là một thách thức, vừa là cơ hội để Hà Nội lồng ghép yếu tố sáng tạo vào mọi kế hoạch phát triển của mình nhằm tạo ra dấu ấn, động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong những năm sắp tới.

Sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft khẳng định, việc trở thành Thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội bên cạnh danh hiệu Thành phố vì hòa bình, đồng thời nhấn mạnh, giá trị thực sự của danh hiệu này còn mang ý nghĩa và tầm vóc lớn lao hơn.

Đó là việc hướng Hà Nội trở thành một Thủ đô sáng tạo, có thể trao quyền cho mọi người dân, có năng lực đa dạng hóa các ngành nghề kinh tế thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo để phát triển bền vững. Đây mới chính là cốt lõi của khái niệm Thành phố sáng tạo - một thành phố sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương với các Thành phố sáng tạo khác hay hợp tác đối nội ngay trong chính thành phố mình vì các mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo

Tại cuộc tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo” được tổ chức vào 2/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Tọa đàm tập trung thảo luận, tham vấn ý kiến về các sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và cụ thể hóa mục tiêu trên. Nội dung xoay quanh 3 trụ cột chính, nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo.

 

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm