Thiếu cương quyết, nể nang khiến bộ máy hành chính phình to

30/10/2017 14:18 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo chương trình làm việc, sáng 30/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đó là: việc tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; tổ chức biên chế phình to; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chất lượng cán bộ, công chức chưa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra; số lượng cán bộ, công chức lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.

Bộ máy “phình” do thiếu cương quyết, nể nang

Mặc dù cơ cấu bộ máy Chính phủ tiếp tục giữ ổn định, không tăng thêm bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhưng tổ chức bộ máy bên trong còn nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, một số nơi hoạt động hiệu quả không cao. Đây là điều đại biểu đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chỉ ra tại phiên thảo luận. Đại biểu Hoa dẫn giải, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu cơ bản không tổ chức phòng trong vụ và Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quán triệt rõ ràng chủ trương nêu trên, quy định không tổ chức phòng trong vụ, riêng vụ có nhiều mảng công tác, khối lượng công việc lớn, bộ trình Chính phủ quyết định. Song, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ có 2/22 bộ không tổ chức phòng trong vụ; còn các bộ đều tổ chức phòng trong vụ tham mưu. Hiện số phòng trong vụ đã giảm nhưng còn 681 phòng, như vậy cứ 1 vụ có 4 phòng, thậm chí lên tới 7 phòng.

“Rõ ràng, biến cái cá biệt, đặc thù thành cái phổ biến. Bên cạnh đó, có bộ đã giải thể các phòng trong vụ thuộc tổng cục nhưng một số vụ thuộc tổng cục lại nâng cấp thành cục và khi đó lại được tổ chức phòng trong cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn. Phải chăng đây là hiện tượng lách quy định của pháp luật?”, đại biểu đặt vấn đề.

Chú thích ảnh
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ý kiến của đại biểu Hoa cho thấy, nhiều trường hợp cấp phòng trong vụ đã gây khó khăn khi phối hợp công tác, đồng thời làm cho đơn vị có quá nhiều tầng nấc trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả công việc. Việc thành lập phòng trong vụ góp phần gây nên tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức.

“Nguyên nhân là do tình trạng thiếu cương quyết, nể nang khi ban hành quy định, nghị định về quy định tổ chức hoạt động của các bộ. Có thực tế nghị định quy định tổ chức của bộ nào lại do chính bộ đó soạn thảo và trình Chính phủ. Vì thế, đề nghị trong công tác này, cần tập trung trách nhiệm và nâng cao vai trò của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ chuẩn bị dự thảo các văn bản, các bộ khác chỉ nên tham gia, phối hợp. Có như vậy, mới giữ nguyên kỷ luật”, đại biểu nói.

Cho rằng “đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đã được Đảng chủ trương từ nhiều năm nay”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phân tích, nếu chỉ đơn thuần so sánh số tổ chức hành chính khóa XII và khóa XIII của Chính phủ cho thấy, khóa XIII có 9 bộ, cơ quan ngang bộ tăng tổ chức bộ máy bên trong. Đặc biệt có bộ tăng 9 tổ chức hành chính; có 7 bộ, cơ quan ngang bộ chuyển từ cơ quan đại diện đặt ở miền Nam, miền Trung thành Văn phòng bộ đặt tại miền Nam, miền Trung; có bộ chuyển cơ quan đại diện thành cục. Hai khóa không tăng số tỉnh, số bộ và cơ quan ngang bộ nhưng sự chia tách ở cấp huyện, cấp cơ sở, cấp đơn vị hành chính ở cục, bộ đã làm cho gánh nặng hành chính tăng đáng kể.

Trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội so sánh ngân sách nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ, rất muốn tăng tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển thì chi hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ co kéo mãi. Từ khi Đảng chủ trương đổi mới, cái gì Nhà nước ôm không nổi nên để xã hội chung lo. Tuy nhiên, 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới toàn diện, bánh ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Sơn bày tỏ.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Biên chế tăng - gánh nặng lớn cho ngân sách

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Chính phủ có Nghị định 108 về tinh giản biên chế, nhưng theo số liệu báo cáo của Chính phủ thì giai đoạn 2007 - 2011 chỉ tinh giản 2,8%, trong đó hơn 90% đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Năm 2011 - 2016, biên chế tăng, cuối năm 2016 tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân mỗi năm tăng gần 1%. Cùng với đó là sự tăng nhanh của lực lượng không chuyên trách cấp xã. Trong 5 năm, số cán bộ này tăng 210.266 nghìn người, tăng bình quân 2 - 3 người/xã. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này thấp. Điều đó cho thấy, giải pháp giảm biên chế chưa hiệu quả.

Nhìn nhận về vấn đề tinh giản biên chế, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, Chính phủ nỗ lực cố gắng nhưng kết quả khiêm tốn, nhóm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm hơn 3.000 người trong khi nhóm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập lại tăng nhanh, đến nay đã là hơn 2 triệu người, tăng 5,8% so với năm 2011. Đây là nhóm cần giảm nhưng lại tăng rất nhanh, điều này tạo gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân chủ quan, theo đại biểu Hoa, là một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm kỷ luật quản lý biên chế, việc xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu chưa cao. Cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện quy định không đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phân tích: báo cáo nhận định đa số bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật, sử dụng đúng, thậm chí ít hơn số biên chế được giao và chứng minh bằng các số liệu “biết nói”. Nhưng, trong đó có một số bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn như Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế, Bộ Nội vụ dư 492 biên chế, Bộ Ngoại giao dư 334 biên chế.

Bày tỏ phân vân, đại biểu cho rằng việc giao biên chế hoàn toàn không sát hợp với nhu cầu sử dụng biên chế ở các tổng cục hoặc các vụ, cục trực thuộc bộ. Đáng quan tâm hơn, đây không chỉ là hiện tượng cá biệt mà là xu thế phổ biến ở các bộ, ngành vì chỉ có một bộ và một cơ quan ngang bộ sử dụng đúng biên chế. Có đến 13/15 bộ không sử dụng hết biên chế được giao tại các tổng cục trực thuộc. 20 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc.

“Nếu đặt vấn đề này bên cạnh hiện tượng một số bộ, ngành dù dư biên chế, chưa thực hiện nhưng vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế như Bộ Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… buộc chúng ta phải suy nghĩ đến ba vấn đề. Thứ nhất, phải chăng đây là hệ lụy của cơ chế xin – cho, mạnh ngành nào thì xin biên chế cho ngành mình, không cần biết thực tế nhu cầu sử dụng đó tạo gánh nặng thế nào đối với ngân sách và quỹ lương. Thứ hai, hoàn toàn có dư địa để thực hiện mục tiêu tinh giản 10% biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39, vấn đề có quyết tâm làm vì mục đích chung hay không. Thứ ba, hơn lúc nào hết, cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác xác định giao biên chế theo hướng rất cần có một cơ quan đầu mối đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về quản lý thống nhất về biên chế. Thời gian qua, thẩm quyền về quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan dẫn đến thiếu thống nhất và thiếu tập trung”, đại biểu Xuân nói.

Cho rằng tinh giản biên chế đụng đến con người nên vướng vào tư duy tình cảm, không khéo dễ bị phản ứng, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), phải thiết kế lại toàn bộ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chuyển đổi tổ chức và phương thức vận hành của tổ chức bộ máy đúng nguyên tắc, quy trình, theo cơ chế xã hội hóa đối với đơn vị sự nghiệp. Những gì xã hội làm, nhà nước không nên tham gia mà chỉ tập trung định hướng, có chính sách hỗ trợ hợp lý người dân trên các lĩnh vực, qua đó công chức, viên chức sẽ chọn lựa con đường cho mình, không nhất thiết phải theo khu vực nhà nước lương thấp, phải thường xuyên phê bình, tự phê bình, nhận xét bình bầu cuối năm. “Như thế, biên chế sẽ giảm mà không xáo trộn, mất bạn, mất lòng”, đại biểu nhìn nhận.

Cũng theo đại biểu Hòa, phải có quy định rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan đơn vị về chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, trao quyền mạnh về đánh giá quản lý cán bộ thuộc quyền, xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ thật cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đồng thời phân công thẩm quyền người đứng đầu tương xứng với quyền lực được giao ở đơn vị, cơ quan mình. Giao quyền phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để không rơi vào độc đoán, cục bộ địa phương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điều trong Hiến pháp, không tổ chức HĐND cấp huyện, xã; không thí điểm mà tổ chức thực hiện luôn Bí thư cấp huyện, xã đồng thời Chủ tịch UBND và thống nhất trong cả nước. Cấp xã không còn là cán bộ chuyên trách hay không chuyên trách mà đều được công nhận công chức như cấp huyện; được phân bổ biên chế theo xã loại 1, loại 2, loại 3…

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Phân cấp quản lý triệt để cho địa phương

Đánh giá bộ máy vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, một số nơi còn trì trệ, gây phiền hà cho dân, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định hướng dẫn từ cấp trên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sự cứng nhắc trong các quy định đã triệt tiêu sự sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức, bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện ở mỗi địa phương.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, mặc dù quy định về tổ chức bộ máy ở địa phương là rất cụ thể, chi tiết nhưng không gắn với yêu cầu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ. Vì thế, khi những khó khăn, phức tạp, yếu kém, buông lỏng quản lý nảy sinh, đã xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có chỗ đổ thừa cho quy định cấp trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề về chủ trương phân cấp chưa được tích cực thực hiện. Cụ thể, tình trạng cấp trên ôm đồm, bao biện; cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên. Điều này dẫn đến hệ lụy cấp trên quá tải, công việc ách tắc; việc tất cả các địa phương đổ dồn về Trung ương để xin trình duyệt, phê chuẩn dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai”.

“Trong trường hợp này, chính sách một cửa không những không phát huy tác dụng mà làm cho việc xếp hàng dài thêm, ách tắc nhiều thêm. Bên cạnh đó, thói quen xin ý kiến cấp trên đang làm cho chính quyền Trung ương quá tải mà công việc của dân, của nước chậm được giải quyết. Nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở chưa được xử lý vì chúng thuộc thẩm quyền xử lý của cấp trên”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích.

Theo đại biểu, việc không thực hiện phân cấp triệt để làm cho nhiều cấp hành chính bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh hàng ngày, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, cơ chế xin phép làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, làm gì cũng đùn đẩy lên cấp trên để né tránh trách nhiệm. Ngoài ra, cơ chế xin cho dễ bị lợi dụng; trong một số trường hợp làm phát sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng. Đặc biệt, việc cấp trên giữ quyền phê duyệt nhiều việc thuộc cơ sở dẫn đến tình trạng trách nhiệm không rõ ràng, mỗi khi đổ vỡ, hỏng việc cấp dưới có lá bùa hộ mệnh là phê duyệt cấp trên còn cấp trên có căn cứ là đề nghị của cấp dưới rất khó quy kết trách nhiệm. Từ thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, trên cơ sở rà soát, xác định chức năng nhiệm vụ của từng cấp hành chính mà phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính; chấm dứt tình trạng cấp trên ôm việc hoặc can thiệp trái quy định vào công việc của cấp dưới và cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên.

Liên quan đến cơ chế phân cấp, phân quyền, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) chỉ rõ, hiện nay có nhiều văn bản quy định nhưng thực chất việc phân cấp hiện nay rất chậm. Chính phủ cần có những giải pháp để phân cấp quản lý triệt để hơn cho địa phương. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ phân định rõ, phần việc nào của Trung ương, phần việc nào của địa phương, giao thẳng cho địa phương quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai các quy định của pháp luật. Có như thế mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, tránh tình trạng trông chờ như hiện nay.

Nội dung này tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp chiều nay.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về cải cách bộ máy hành chính nhà nước

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về cải cách bộ máy hành chính nhà nước

Theo dự kiến, hôm nay 30/10, ngày đầu tiên tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận về vấn đề này. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.

TTXVN/Thanh Vân – Phan Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm