Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc

07/05/2010 14:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nếu có ngày mai anh trở gót/Quay về lãng đãng bến sông xa... Vâng! Thi sĩ của Bên kia sông Đuống, đã trở gót từ sáng qua, hồn trở về Kinh Bắc.

1. Tôi đến thăm ông lần đầu năm 1993. Một buổi trưa đương ngồi nhà Trần Hòa Bình ở Cầu Giấy thì có Chu Văn Sơn và Văn Giá đến chơi. Văn Giá thì đã về Học viện Báo chí làm giảng viên. Còn Chu Văn Sơn vẫn là giáo viên bên Đại học Sư phạm Hà Nội I. Trên những chiếc xe cọc cạch, ba chúng tôi tìm thăm thi sĩ ở số 43 Lý Quốc Sư. Con phố ấy gần với Nhà thờ lớn Hà Nội. Căn nhà của Hoàng Cầm cũ kỹ và có vẻ hơi tồi tàn. Nhà gác lợp ngói mái liêu xiêu xô lệch.


 Hoàng Cầm (phải), Lê Đạt (trái). Hàng sau là Chu Văn Sơn và tác giả bài viết (bên phải). Ảnh chụp năm 1993
Lúc chúng tôi đến thấy Hoàng Cầm và Lê Đạt ngồi trên một chiếc chiếu trải giữa sàn nhà. Hai ông ngồi tựa lưng vào cái đầu giường gỗ. Chắc hai ông đã ngồi như vậy quá nhiều năm, nên phần gỗ đầu giường mà các ông tựa lưng mòn bóng như khắc hình chân dung của mỗi người. Hai cái bóng ba mươi năm đổ vào đó.. .Họ ngồi đó, ngồi như vậy, bên cái ấm nước và cái điếu cày gần ba mươi năm còn gì!


Lê Đạt chốc chốc lại rít điếu cày sòng sọc rồi khoan khoái nhà khói. Mắt Lê Đạt lúc nào cũng như cười. Cái cả cười ấy nghe nói ông đem đối đãi với tháng ngày u ẩn mà tồn tại với đời.

Lê Đạt bàn về thơ, còn Hoàng Cầm nói về tập Kinh Bắc mới ra. Có thần thi, Tâm thi và Ngôn thi. Lê Đạt chia thơ như vậy. Thần thơ là thơ xuất thần, hiếm lắm. Tâm thi là thơ viết từ rung động của trái tim. Còn ngôn thi là thứ thơ ghép chữ có thể sản xuất được hàng ngày...

Chiều đông ấy không biết vui hay nhạt. Tiễn tôi ra cổng, tôi muốn ghi hình ảnh buổi gặp hôm nay bèn lôi cái máy Zenit cũ kỹ của Nga ra và xin phép chụp. Những bức ảnh ấy vẫn còn đây. Hoàng Cầm cao, đầu tóc trắng phất phơ. Lê Đạt thấp đậm, tươi cười như không bao giờ biết cau có. Chu Văn Sơn và Văn Giá vẫn thư sinh trẻ trung, mắt chàng nào cũng có vẻ trong trẻo...

2. Bức ảnh ấy còn, nhưng hai thi sĩ nổi tiếng Lê Đạt rồi Hoàng Cầm lần lượt rủ nhau về cõi khác. Cuộc chia ly nào chả buồn. Ba mươi năm họ lặng lẽ như vậy giữa cuộc đời. Nhưng trái tim thi sĩ của tình yêu Hoàng Cầm vẫn rung lên nỗi niềm Kinh Bắc. Chính trong cõi lặng lẽ ấy, những bài thơ tuyệt bút của ông được viết. Những Bên kia sông Đuống; Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc, Lá Diêu bông, 99 tình khúc... lần lượt làm sửng sốt người yêu thơ.

Thơ Hoàng Cầm ám ảnh nỗi buồn, nhưng đó là nỗi buồn đẹp trong trẻo và đầy mộng mị. Tôi đồ rằng nếu không có cái thời lặng lẽ ấy, Hoàng Cầm vẫn là “công chức văn hóa”, thì cuộc đời chắc gì đã có những tuyệt phẩm kia. Người ta gọi ông là “hoàng tử của thơ tình”. Thơ ông nhiều mộng ảo, một giọng một lối khó lường khó theo. Chất tính dục nằm ngoài câu chữ, kín đáo và gợi cảm đến là khéo: Ngủ lại giấc mơ dang dở/Chũm cau căng nứt mạch tằm/Yếm may ba ngày mẹ vá lại... hoặc: Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu/ Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt...Có một ám ảnh mang tên “yếm” làm người ta liên tưởng đến vẻ đẹp kín đáo mà thật gợi của gái miền Kinh Bắc: Nâu sồng nén nghẹn búp thanh xuân... Lẩn khuất đâu đây giấc mơ tính dục. “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” K. Marx từng nói vậy. Vâng! Cái tài riêng Hoàng Cầm khó ai theo nổi khi viết về khát vọng yêu...


Cúi lạy mẹ, con trở về Kinh Bắc
3. Lần đến thăm Hoàng Cầm sau này tôi đến một mình với tư cách nhà báo hỏi chuyện thi sĩ. Hoàng Cầm đã dành cho tôi cả buổi chiều, để kể chuyện tình mình. Vâng, chuyện tình đời ông vốn đâu có ít gì. Cho nên câu chuyện dài và buồn nhiều hơn vui. “Tên tôi là Bùi Tằng Việt”, ông lý giải, “Cái tên Hoàng Cầm là tôi lấy tên một vị thuốc đắng. Rồi chính số phận người cũng cay đắng vậy thôi...”. Và cái tai nạn văn chương khiến ông rơi vào cõi lặng ba mươi năm đằng đẵng...

- Một phần ba thế kỷ ấy như một nốt lặng trong bản nhạc đời tôi. Cái chết tinh thần không đến được, cũng nhờ nghị lực. Gia đình cả thảy có đến 11 người... Phải lạc quan sống.

Trong căn nhà buổi chiều đông ấy ông đã xúc động kể về những người đàn bà đã đi qua đời mình. Và kể ra những chuyện ấy một cách rành mạch như vừa mới đây, tôi biết hình như trong vô thức, ông muốn ký thác một điều gì ở người đối diện. Vâng! Tôi sẽ đến đều thăm ông để nghe ông, để viết về đời ông.

Những thăng trầm trong đời người chiến sĩ, thi sĩ Hoàng Cầm đã được ông kể với nỗi niềm hoài cảm. Chuyện Tuyết Khanh đã đi cùng đoàn kịch dựng Kiều Loan. Người đàn bà xinh đẹp Tuyết Khanh đóng Kiều Loan đã đem lòng yêu ông, sinh hạ được cô con gái xinh xắn được bố cho mang tên vở kịch thơ Kiều Loan để kỷ niệm mối tình nghệ sĩ... Hai mẹ con lên Việt Bắc, đi biểu diễn cùng Hoàng Cầm rồi sau có tin bà cụ đẻ Tuyết Khanh ở Hải Phòng ốm, nàng bế con đi bộ nửa tháng trời về Hải Phòng. Lần đi ấy Tuyết Khanh đã không trở về Việt Bắc. Cuộc chia ly ấy không hẹn trước và để lại trong lòng chàng thi sĩ trên đường kháng chiến một nối đau buồn vô bờ bến. Tuyết Khanh dẫu không đoạn tuyệt với người mình yêu, với kháng chiến nhưng hình như duyên phận của họ chừng bấy nhiêu.

Ngồi với Hoàng Cầm được một lát thì anh Hoàng Kỳ, con trai cả của thi sĩ đến. Thi sĩ dừng câu chuyện dang dở để giới thiệu với tôi về người trưởng nam của mình. “Kỳ con bà vợ cả. Hồi tôi đương đi học ở Hà Nội thì thầy mẹ tôi gọi về bảo cưới vợ. Con cái thì phải thuận theo. Thế là cưới một người con gái Bắc Giang. Sinh được Hoàng Kỳ, sau đương mang bầu một lần nữa nhưng chưa kịp sinh thì mất. Lần ấy tôi không về được, vì đương ở Việt Bắc. Nghe tin vợ mất, sau ba ngày nhận được tôi lần theo đường rừng về đến nhà thì nhà tôi đã mồ yên mả đẹp lâu rồi... Kháng chiến mà”.

Và chuyện về người vợ chính thức sau này của ông hình như làm ông cảm động nhất. Hòa bình về Hà Nội, Hoàng Yến là nữ y tá hoa khôi Nhà thương Phủ Doãn đem lòng cảm mến người nghệ sĩ tài hoa và đào hoa Hoàng Cầm... Hai người đều đã lỡ dở, nên chắp nối yêu thương như một lẽ đương nhiên. Nhiều người ngăn cản mối tình ấy... “Bà Hoàng Yến đã thực sự là chỗ dựa tinh thần và cuộc sống vật chất của tôi những năm ấy” - ông chầm chậm kể. Nhà lúc đó hơn mười miệng ăn làm sao tránh khỏi cảnh nheo nhóc.... Nhưng người đàn bà đẹp cuối cùng ấy đã đi bên cạnh đời ông, không than phiền hay dao động mảy may. Năm 1985 sau cái chết của người vợ từng tảo tần ba mươi năm khốn khó nhất cuộc đời, ông còn lại trơ trọi một mình cùng những câu thơ...

Hầu chuyện với ông già được một lúc thì anh Kỳ xin phép lên nhà. Anh Kỳ bảo cụ rất muốn có vài lần lên Kinh Bắc về Bên kia Sông Đuống mà chưa có dịp nào. Hôm nào rỗi Tân Linh lại đây rồi mấy thầy trò mình làm chuyến taxi đi lên Bắc Ninh chăng?! Tôi hứa sẽ cùng đi. Nhưng mãi chả có dịp nào. Đau xót thay, Hoàng Kỳ thì đã “ra đi” trước cha, anh đã trở về Kinh Bắc trước, chỉ còn lại người cha thi sĩ già yếu giữa đất Hà Thành...

4. Lần gần đây tôi đến chơi, nhân đọc bài thơ Áo mẹ, ông lấy bút giấy bình luôn bài thơ ngắn của tôi. Nét chữ ông ngoạch ngoạc nhưng bay bướm. Có lẽ viết về chị về mẹ thường là đề tài ông hay xúc động. Chia tay ông tôi đã xin phép chụp bức ảnh bằng cái máy ảnh Ricoh cũ kỹ. Ông đeo kính khoác cái áo đơn sơ...Mái tóc trắng tương phản ánh sáng chiều khá hiệu quả... Bức ấy tôi phóng lớn tặng ông, hiện vẫn treo ở nhà...

Nếu có ngày mai anh trở gót/Quay về lãng đãng bến sông xa...(thơ Hoàng Cầm). Vâng! Thi sĩ của Kinh Bắc, của những áng thơ tình ám ảnh yêu đương ấy đã trở gót từ sáng ngày Thứ Năm mồng sáu tháng Năm năm Dần 2010...

Tân Linh (nhà thơ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm