13/03/2019 11:23 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Bất chấp những nỗ lực "bền gan quyết chí" của Thủ tướng Theresa May nhằm đưa nước Anh ra khỏi "mê cung Brexit", Hạ viện Anh vẫn nói "không" với dự thảo thỏa thuận Brexit tại cuộc bỏ phiếu lần hai diễn ra rạng sáng 13/3 (giờ Việt Nam, tối 12/3 giờ Anh) với kết quả 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận. Tiến trình Brexit của nước Anh lại bước vào một ngã rẽ mới mà không biết khi nào mới nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
Kết quả này đưa Hạ viện Anh tới cuộc bỏ phiếu tiếp theo không ràng buộc pháp lý, dự kiến diễn ra tối 13/3, về việc có chấp nhận hay không một Brexit không thỏa thuận. Nếu các nghị sĩ đồng ý phương án này thì nước Anh sẽ vẫn rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/3 tới, nhưng sẽ là một cuộc chia tay " hỗn độn và thiệt hại kinh tế nặng nề" cho cả hai bên. Nếu các nghị sĩ bác bỏ Brexit không thỏa thuận, ngày 14/3 sẽ có cuộc bỏ phiếu quyết định việc có lùi ngày Anh rời EU hay không, và trì hoãn trong bao lâu, cũng như vấn đề "lưới an toàn chốt chặn" (backstop) sẽ được xử lý ra sao.
Sau những nỗ lực đàm phán phút chót với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tối 11/3, Thủ tướng May đã có thêm được một số đảm bảo pháp lý mới từ phía EU gồm 3 phần chính: đảm bảo mang tính pháp lý được viết thành văn bản, tuyên bố chung về tương lai mối quan hệ thương mại, và hai bên sẽ bàn thảo để đưa ra "những thỏa thuận xếp đặt khác" thay cho "lưới an toàn chốt chặn" trong vòng 20 tháng tới trên tinh thần thiện chí. Phần 3 nói rằng Anh có thể đơn phương tuyên bố sẽ sử dụng trọng tài độc lập rút khỏi những điều khoản của "lưới an toàn chốt chặn" nếu như Chính phủ Anh tin rằng EU không nỗ lực để thay thế "lưới an toàn chốt chặn" bằng những thỏa thuận xếp đặt khác.
Những thỏa thuận phút chót mà Thủ tướng May đạt được với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker nêu rõ bản chất tạm thời của "lưới an toàn chốt chặn", vốn là điểm mấu chốt gây tranh cãi trong nội bộ Anh khi các nghị sĩ phản đối "lưới an toàn chốt chặn" do lo sợ Anh sẽ bị kẹt trong bẫy lưới này vĩnh viễn. Với những bảo đảm pháp lý mới mà bà May nhận được, nước Anh có thể trông cậy vào trọng tài độc lập để kiểm soát EU nếu như EU không thể hiện thiện chí trong việc tìm kiếm các giải pháp khác thay thế cho "lưới an toàn chốt chặn". Chẳng hạn nếu EU "lờ đi một cách có hệ thống" những đề nghị của Anh, hay phớt lờ những quyết định của các trọng tài, Anh có thể được phép tạm thời ngưng một phần của "lưới an toàn chốt chặn".
Tuy nhiên, những bảo đảm pháp lý này chưa đủ để thuyết phục nhiều nghị sĩ đang lưỡng lự đưa ra phán quyết nghiêng về phía Thủ tướng May. Một phần, có thể do Tổng chưởng lý Anh Geoffrey Cox, người phụ trách tư vấn pháp lý về Brexit cho chính phủ và cũng là nhân vật chủ chốt trong các đàm phán với EU mấy tuần trở lại đây, đưa ra đánh giá khá thận trọng về vấn đề này. Tổng chưởng lý Geoffrey Cox nhận định những đảm bảo pháp lý mới mà bà May có được từ EU sẽ làm rủi ro "lưới an toàn chốt chặn" được giảm thiểu, nhưng không phải loại bỏ hoàn toàn. Theo ông, nếu như các cuộc đàm phán thất bại không đạt được tiến bộ nào đơn giản chỉ bởi vì hai bên có quan điểm quá khác nhau, thì sẽ không có gì đảm bảo Anh được quyền tự ý rời bỏ "lưới an toàn chốt chặn".
Những người ủng hộ Anh rời EU coi thỏa thuận Brexit là sự thỏa hiệp chủ quyền của nước Anh, Liên minh hải quan sẽ ngăn cản nước Anh ký các thỏa thuận thương mại toàn diện. Bắc Ireland sẽ bị gắn chặt với các quy định của EU hơn là các vùng khác thuộc Vương quốc Anh. Điều này khiến đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP) của vùng Bắc Ireland tức giận. Tại cuộc bỏ phiếu lần hai ở hạ viện, cả 10 nghị sĩ của DUP, đảng thường ủng hộ Chính phủ Anh, đã bỏ phiếu chống. Có 75 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền cũng bỏ phiếu phản đối thỏa thuận sửa đổi của Thủ tướng May, cùng với đa số nghị sĩ các đảng nhỏ còn lại.
Các nghị sĩ phản đối thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng May cho rằng thỏa thuận lần này vẫn để cho EU có tiếng nói quá nhiều đối với các điều luật của Anh, mà những người dân Anh tại cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã bỏ phiếu rời EU vì không chấp nhận điều này. Một số nghị sĩ Bảo thủ thuộc nhóm "chống đến cùng" thỏa thuận của Thủ tướng May thậm chí còn tuyên bố họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc giữ "Brexit không thỏa thuận" như một lựa chọn đặt trên bàn đàm phán, với lập luận rằng nếu bỏ phương án này thì mọi đòn bẩy sức mạnh tại các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ rơi vào tay EU. Nghị sĩ Công đảng, Thị trưởng London Sadiq Khan, tuyên bố Thủ tướng May cần đặt thành phố London và nước Anh lên trên hết, và rút lại điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon, đồng thời kêu gọi hãy để người dân Anh có tiếng nói cuối cùng về vấn đề này.
Tỷ lệ thất bại với số phiếu chống nhiều hơn phiếu thuận là 143 phiếu, so với số phiếu chênh lệch trong cuộc bỏ phiếu lần trước là 230 phiếu, cho thấy những nỗ lực kiên định của Thủ tướng May đã được ghi nhận ở một chừng mực nhất định. Tuy nhiên, mức chênh lệch phiếu lần này vẫn còn rất lớn, khiến giới phân tích chính trị Anh cho rằng khó có thể xảy ra kịch bản tiếp tục có những nỗ lực lần thứ 3, thứ 4 thuyết phục các nghị sĩ đang chống Thủ tướng May hiện nay quay sang ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà. Phải thừa nhận một thực tế rằng khó có khả năng Thủ tướng May sẽ đạt được điều gì thông qua bỏ phiếu tại quốc hội. Điều đó dẫn đến việc cần nghĩ lại khung toàn cảnh cho thỏa thuận này, có thể hướng tới một Brexit mềm mỏng hơn, như giữ nước Anh trong liên minh hải quan vĩnh viễn với EU, và có thể bổ sung thêm kế hoạch nhằm duy trì mối liên kết gần gũi với thị trường đơn lẻ của EU.
Bên cạnh đó, kết quả thất bại nặng nề vừa qua tại hạ viện cùng sự phản đối mạnh mẽ đối với kịch bản Brexit không thỏa thuận có thể sẽ thúc đẩy yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Hiện nay số nghị sĩ kêu gọi "cuộc bỏ phiếu của người dân" vẫn là thiểu số và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn gần đây đã đưa ra ủng hộ có điều kiện với ý tưởng này. Tuy vậy, vẫn có thể có một biến số - để ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng May, thỏa thuận này sẽ được đưa ra để trưng cầu dân ý, và lúc đó việc ở lại trong EU sẽ được coi là một lựa chọn khác. Một thực tế đáng nói nữa là ngày càng gia tăng số nghị sĩ Bảo thủ đề xuất Thủ tướng May nên từ chức, với hy vọng người kế nhiệm bà May sẽ cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa trong các cuộc đàm phán quan trọng quyết định vị thế thực sự của nước Anh trên bản đồ kinh tế và chính trị tại châu Âu cũng như trên thế giới khi Anh không còn là thành viên EU.
Những ngày sắp tới sẽ chứng kiến tiến trình Brexit bế tắc, nước Anh tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới cùng những chia rẽ nội bộ ngày càng trở nên sâu sắc và trầm trọng hơn. Với tình cảnh này, dường như nước Anh càng cố tìm lối thoát càng như bị chìm sâu vào các cuộc tranh cãi không nhân nhượng, kéo dài lê thê để rồi lạc lối khi tìm đường ra.
Diễm Quỳnh - Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất