21/06/2016 14:37 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Dù làm ở mảng văn hóa, văn nghệ được cho là ít gai góc nhất, nhưng trong 20 năm làm nghề, đã có lần nhà báo Chu Thu Hằng bị dọa kiện, thậm chí bị dọa… đốt nhà.
Nhà báo Chu Thu Hằng hiện đang giữ chức Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa. Sau khi “bị” Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải “dụ dỗ” viết kịch bản phim, chỉ trong vòng vài năm, Chu Thu Hằng đã cho ra lò một loạt kịch bản đã làm phim và phát sóng, như: Tình yêu không hẹn trước, Hoa nở trái mùa, Lời ru mùa đông.
* Viết về nghề nghiệp mình hiểu nhất sẽ rất hứng thú, nhưng đôi khi vì quá hiểu, có quá nhiều thông tin về nó, công việc này sẽ trở nên khó khăn hơn. Chị có gặp áp lực gì khi triển khai đề tài này không?
- Báo chí như một tấm gương phản ánh đời sống xã hội. Xã hội có gì sẽ được phản ánh vào báo chí như thế dưới nhiều góc độ khác nhau.
Trong bộ phim này, tôi chọn một mảng nhỏ của hoạt động báo chí, nhưng cũng là vấn đề khá đau đầu của nhiều tòa soạn hiện nay đó là áp lực phải tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, cạnh tranh bán báo khi mà báo in đang đối diện với việc sụt giảm tia ra, ngân sách bị cắt giảm, thậm chí là phải tự bơi trong cơ chế.
Vấn đề này không mới, ai cũng biết nhưng thoát ra bằng cách nào để vẫn giữ được uy tín, thương hiệu, niềm tin của độc giả nhưng vẫn bán được báo, có nhiều bạn đọc, có nhiều nguồn thu mà không đánh mất mình là vấn đề cực kỳ đau đầu đối với tất cả những người đứng đầu các tòa soạn.
* Điện ảnh và truyền hình của Việt Nam hiện nay hơi yếu khi xây dựng các nhân vật có nghề nghiệp đặc biệt. Điện ảnh đã từng có những nhân vật làm báo mà khi nhà báo ngoài đời xem thấy mắc cười. Chị đặt mục tiêu gì khi xây dựng nhân vật nhà báo trong Nguyệt thực?
- Tôi chỉ chọn những gì thật giản dị mà tôi biết, tôi hiểu và tôi rung cảm để đưa vào tác phẩm. Đó là quan hệ ứng xử giữa báo chí và giới showbiz, thông qua đó thấy áp lực phải vật lộn để tồn tại của báo chí trong cơ chế hiện nay là vô cùng khốc liệt.
Ngoài ra, phim cũng phản ánh các vấn đề nóng khác của xã hội. Các câu chuyện trong phim đều là chuyện có thật, được cấu trúc lại gắn với đường dây truyện; các nhân vật, phù hợp với thông điệp phim.
* Tóm tắt nội dung Nguyệt thực có nhà báo Hoàng ủng hộ con đường báo chí chính thống tôn trọng sự thật, và nhà báo Sơn ủng hộ xu hướng giải trí, giật gân, câu khách. Tuyến nhân vật dường như đã được phân rõ trắng đen. Trong khi đó xu hướng phim ảnh hiện nay xây dựng những nhân vật phức tạp hơn. Thực tế cuộc chiến báo chí hiện nay cũng rất phức tạp, báo chí chính thống tôn trọng sự thật đang có nguy cơ tụt hậu. Còn báo lá cải dù giật gân câu khách nhưng lại rất chịu khó update công nghệ. Chị nghĩ thế nào về điều này?
- Các nhân vật của tôi có xuất thân tốt, cái tạo nên mâu thuẫn chính là quan điểm làm báo. Quan điểm khác nhau, sẽ có mục đích hướng đến khác nhau, từ đó sẽ có cách nhìn nhận khác nhau khi đứng trước cùng một vấn đề. Nhưng không có ai tốt tuyệt đối; cũng không có ai xấu tuyệt đối. Bản thân mỗi nhân vật đại diện cho hai cách làm báo luôn có sự đấu tranh với chính mình.
Vấn đề tôi muốn nói không phải là báo chính thống thì hay ho và đáng trân trọng hơn báo lá cải, mà cách làm báo nào thì cũng phải tôn trọng sự thật, không bịa đặt, vu cáo, lừa dối người đọc. Báo chính thống muốn bán được báo thì cũng phải vận động mạnh mẽ hơn trong việc vận dụng các thành tựu công nghệ, thay đổi cách tiếp cận vấn đề, thay đổi cách viết cho sinh động.
Ngược lại, báo hướng tới số đông thì dù giật tít kiểu gì, khai thác kiểu gì cũng phải bám sát sự thật, phản ánh đúng sự thật, nói những vấn đề cần nói, chứ không phải 1 con bò nhưng chỉ đề cập một nốt muỗi cắn trên cái tai nó và thổi nốt muỗi cắn ấy to hơn cả con bò.
* Đời làm báo của chị có gặp trắc trở như chị đã bày ra trong kịch bản?
- Công việc làm báo rất vất vả, trong hơn 20 năm làm báo, tôi cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau, mỗi tờ có tiêu chí, mục đích khác nhau, đòi hỏi người viết phải có cách tiếp cận vấn đề, khai thác và viết phù hợp. Tôi may mắn là luôn được các tòa soạn ưu ái, trân trọng. Nhưng cũng luôn gặp sóng gió từ các đối tượng mình đề cập, khai thác.
Có vị đạo diễn vì loạt bài của tôi mà bay mất dự án hàng chục tỉ đã gọi điện dọa đốt nhà tôi, kiện tôi ra tòa bắt đền bù hàng trăm triệu tiền danh dự; có người gọi điện đến gia đình tôi bịa đặt đủ chuyện khiến tôi phải cắt điện thoại cố định; có người gọi điện cho tổng biên tập nơi tôi công tác tố cáo tôi viết bài, nhận lương ở báo khác khiến tôi bị lãnh đạo sạc một trận mất hồn.
Lý do rất đơn giản, tờ báo tôi làm việc là một tờ báo hiền lành, ít đụng chạm. Còn các bài viết của tôi ở các báo khác thì gây sốc và đụng chạm quyền lợi của nhiều người.
Kinh nghiệm làm báo của tôi là biết 10 nhưng chỉ viết 6-7 và tăng cấp độ, chứ không có 10 viết 11. Họ sai đến đâu viết đến đó, thậm chí ngồi vào vị trí của họ để hiểu vì sao họ lại sai, từ đó chia sẻ, thông cảm. Vì thế, nhiều người dọa kiện nhưng sau đó họ lại trở thành bạn bè của tôi.
* Thông qua bộ phim này, chị mong muốn gửi gắm thông điệp gì tới những người làm báo?
- Sức mạnh của báo chí là sự thật. Báo chí không thể tồn tại và phát triển vững mạnh nếu không có độc giả. Vì thế, cho dù là chính thống hay ăn khách thì cũng phải hướng đến độc giả và tôn trọng sự thật. Muốn thế thì năng lực, bản lĩnh, cái tâm của người làm báo là cốt lõi. Nhà báo chúng tôi muốn được sống bằng nghề một cách đàng hoàng.
* Cảm ơn chị!
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất