Thói hư tật xấu người Việt: Thích ứng đến mức không còn là chính mình

29/12/2013 11:16 GMT+7

(lienminhbng.org) - Lái buôn Pièrre Poivre đến Việt Nam thế kỷ 18 từng kể lại một mẩu chuyện: ông ta gặp những thợ dệt hết sức tài hoa, đủ sức dệt được loại xa–tanh đẹp, sang trọng, chất lượng không kém gì hàng Trung Hoa.

Trong khi đó thì ngoài chợ toàn những thứ hàng xấu. Hỏi tại sao không bỏ công làm thứ hàng cao cấp kia, những người thợ cho biết có làm mang bán thì người ta cũng chê ỉ chê eo, bởi dân Việt nghèo chỉ ham hàng rẻ, người tài rất khó sống.

Thứ nữa, biết ai làm hàng tốt, chúa lập tức cho người đến bắt về làm cho chúa. Loại thở giỏi này tập trung trong các quan xưởng, sinh hoạt gò bó, tiền công rẻ mạt, và suốt đời ở đó cho đến khi già nua tật nguyền mới được về quê.

Trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh cho biết nghề làm đồ sứ xưa rất tinh xảo. Song khi bán hàng ngoài phố, dân buôn phải đề hiệu giả làm đồ Tàu để các quan hoặc lính tráng đi qua khỏi mua rẻ hoặc lấy không.

Nói về phản ứng tiêu cực của người dân, Đào Duy Anh dẫn lại một câu trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú như: “Nhà nước không đòi sơn thì dân chặt cây đi; nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt; đòi gỗ thì dân quăng búa rìu; đòi tôm cá thì dân xé lưới”.

Có thể xem đây là ví dụ cho thấy một cách thích ứng tiêu cực của người Việt, nhất là của những đầu óc tinh hoa, trước tình trạng trì trệ của đời sống. Trước đây, trong trường kỳ lịch sử, văn hóa cai trị không phát triển. Mối quan hệ hợp lý giữa nhà nước và cá nhân không sao hình thành nổi. Trước những khó khăn của cuộc sinh tồn, những tài năng chỉ còn có cách thu mình lại, làm hèn mình đi, cốt để sống qua ngày.

Không chỉ là nếp sống riêng của những người tài, thích ứng đã thành mặt trội trong “sự khôn ngoan làm người” của xã hội. Cuộc sống lan ra theo chiều rộng, mà không vươn lên theo chiều cao. Con người thường dừng lại ở tình trạng dang dở nửa vời mà không có nhu cầu theo đuổi cái gì tới cùng, không có khát vọng vươn tới tận thiện, tận mỹ.

Rộng ra mà xét, tâm lý dừng lại thỏa mãn, xa lạ với sự hoàn thiện có thể bắt đầu từ một cuộc sống quá dễ dàng và sự tự bằng lòng đến với người ta một cách tự nhiên; mà cũng có khi bắt đầu từ một cuộc sống quá khó khăn, mỗi phen vượt lên là một lần tróc da sày vẩy.

Trong cả hai trường hợp, cái chính của chúng ta là thiếu sự dẫn dắt của lý tính, để hiểu ra sự vô tận của đời sống, cũng như sự vô tận của khả năng con người. Không có đích để nhắm tới, không có đủ khát vọng và ý chí để thực hiện khát vọng, chúng ta nghĩ ra đủ thứ lý do biện hộ cho sự dừng lại của mình.

Đã có nhiều người ca ngợi và biện hộ cho bản tính thích ứng của người Việt, hiếm hoi lắm mới thấy có người tìm ra ở đây một cái gì cần phủ nhận. Trong số này có Thái Kim Lan. Bà cho rằng, việc thích ứng quá nhanh làm cho người ta không trau dồi được bản lĩnh và không nâng cao được mình lên. Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học xuất phát từ kinh nghiệm của các dân tộc khác, cũng có những kết luận tương tự.

Trong một tài liệu mang tên Xã hội học cá nhân, I.X.Kon (Nga thời Xô viết), từng cho rằng về đường trí tuệ, kẻ lo thích nghi kém phát triển hơn người độc lập. Họ thường nghe ngóng dao động và rất dễ bảo thủ. Họ không đủ lòng tự tin. So với những nhân cách độc lập, và được phát triển trong điều kiện chính thường, thì quan niệm của họ về bản thân phiến diện hơn, hời hợt hơn. Đứng trước thực tế khách quan, năng lực phán đoán của họ thấp. Với người chung quanh họ, vừa thiếu tin tưởng, vừa dễ bị lừa. Nói chung là họ rất thụ động hay đạo đức hóa các mối quan hệ và sợ xa rời tiêu chuẩn.

Những đặc điểm đó của “con người thích ứng” cũng là đặc điểm của người Việt trong trường kỳ lịch sử, và có thể nói nó đã làm nên một thứ đạo lý, một thứ cốt cách.

Một ông già thạo đời có được một bộ đồ trà rất đẹp chẳng may sa vào cảnh bần hàn. Một lão già khác biết vậy, cho ông tá túc và dùng trăm phương nghìn kế để chiếm chiếc ấm đó, kể cả có lần trả giá rất cao. Người chủ nhân chiếc ấm không chịu, vẫn ngày ngày pha trà uống nước. Cho tới trước lúc trút hơi thở cuối cùng, ông còn cố sức ném cái ấm ra sân để nó vỡ ra từng mảnh.

Trên đây là một mẩu chuyện mà nhà văn Trung Quốc Ba Kim từng ghi lại trong Tùy tưởng lục (dịch nôm ra là Nhớ gì ghi nấy).

Mẩu chuyện này có mô-típ tương tự với truyện ngắn Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân mà trong một số báo trước, chúng tôi đã nhắc tới. Cần nhắc lại là trong Vang bóng một thời, ông già chơi ấm hôm qua, tới lúc quẫn bách mang ấm đi bán lẻ, lại bán theo kiểu láu cá, bán thân ấm trước, bán nắp sau, để cốt nã tiền. Chắc chắn cái kết cục ở đây không phải do Nguyễn Tuân nghĩ ra, mà đó là hiện tượng đã thấy nhiều trong đời sống người xưa.

(còn tiếp)

Vương Trí Nhàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm