'Hồi hương' bộ ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam 'Requiem'

14/09/2016 14:43 GMT+7 | Văn hoá

Đồng bào trong nước và du khách quốc tế khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn ám ảnh với bộ ảnh Requiem (Hồi niệm) nổi tiếng thế giới. Requiem từng được triển lãm nhiều nơi trên thế giới, sau đó đưa đến Việt Nam trưng bày như một món quà người dân Kentucky, Mỹ tặng nhân dân Việt Nam với thông điệp “Hy vọng, Hàn gắn và Lịch sử”.

Đây được coi là bộ ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam. Những "sứ giả" làm cầu nối để bộ ảnh lưu giữ vĩnh viễn tại Việt Nam là nhà báo Nguyễn Duy Cương, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN và nhà nhiếp ảnh Lê Phức, Nguyên Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, Nguyên Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.


Nhà báo Nguyễn Duy Cương (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng ông Richarsd Lennon (trái) tại thủ phủ bang Kentucky, nơi tổ chức triển lãm Hồi niệm tại Mỹ

Chiêu hồn

Nhiều năm sau kết thúc chiến tranh, một nhóm phóng viên chiến trường châu Âu từng tham gia đưa tin chiến tranh Việt Nam, đứng đầu là hai phóng viên chiến trường lừng danh, Tim Page người Anh và Horst Faas người Đức, đưa ra sáng kiến sưu tầm những bức ảnh và những tên tuổi của phóng viên ảnh chiến tranh hi sinh ở miền Nam Việt Nam. Họ ấp ủ ý định ra một cuốn sách và đặt tên là Requiem. Tim Page nói Requiem có nghĩa là Chiêu hồn, sau này khi dịch tiêu đề này ra tiếng Việt chúng ta gọi là Hồi niệm.

Tim Page, Horst Faas đã lặn lội đến nhiều nơi trên thế giới, tập hợp hàng ngàn bức ảnh từ những người ở cả hai bên chiến tuyến để chọn lọc ra 275 tác phẩm đưa vào bộ ảnh này.

Khi sang Việt Nam, nơi đầu tiên Tim Page tìm đến là Thông tấn xã Việt Nam, lúc đó ông mới “phát hiện” ra rằng, số phóng viên ảnh các nước chết trong chiến tranh Việt Nam kể cả của Mĩ, Anh, Pháp và chế độ Sài Gòn cộng lại cũng không bằng số phóng viên miền Bắc của TTXVN đã hi sinh trên chiến trường.

Tim Page đề nghị Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh và TTXVN cùng sưu tầm biên tập và xuất bản bộ sách ảnh Hồi niệm. Song song vơi quá trình tìm kiếm đó, Tim page cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên ảnh Việt Nam tại TP HCM và Hà Nội. Trong số giảng viên có cả Nick Út, người chụp bức ảnh Em bé Napalm.

Cuối năm 1998, cuốn Requiem được xuất bản. Bộ ảnh gồm 275 tác phẩm của 134 tác giả thuộc 11 quốc tịch khác nhau, từng tác nghiệp trong các cuộc chiến ở Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 1954 - 1975.

Trong 134 tác giả có tên trong sách có 72 phóng viên liệt sĩ cách mạng Việt Nam, 16 phóng viên người Mỹ, 12 phóng viên người Pháp, 4 phóng viên người Nhật Bản, 11 phóng viên người Việt thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, số còn lại thuộc các quốc tịch Australia, Áo, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Singapore và Campuchia mà phần lớn họ đã tử nạn trên chiến trường khi vừa bấm máy xong.

Mỗi bức ảnh đều in đủ thông tin tiểu sử tác giả, chân dung, thời gian và địa điểm hi sinh… Đó được ví như một trang hồi niệm về người đã khuất.

Khi xuất bản cuốn sách này, Tim Page phóng ra hai bộ ảnh lớn, một nhóm cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã mua lại hai bộ ảnh. Sau đó, họ tổ chức triển lãm, một triển lãm ở Nhật và ở Châu Âu.



Bà mẹ cùng các con ở Quy Nhơn (Bình Định) vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. Bức ảnh trong bộ Hồi niệm đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1966. Ảnh: Kyoichi Sawada

Sứ giả hòa bình

Các cựu binh Mỹ bang Kentucky từng tham chiến tại Việt Nam đã mua lại bộ tranh triển lãm tại Nhật. Họ mang bộ ảnh này về Mỹ và triển lãm tại quê hương Kentucky và sau này triển lãm một lần nữa ở New York.

Cựu binh Richarsd Lennon là người vận động tổ chức mua lại bộ ảnh này. Richarsd nói với nhà báo Nguyễn Duy Cương rằng Kentucky là bang nhỏ nhưng số lượng người lính Mỹ chết ở chiến tranh Việt Nam lại nhiều nhất trong các bang của Mỹ, vì thế họ muốn tổ chức triển lãm để nhắc người dân Mỹ về cuộc chiến tranh vô nghĩa và đau đớn của người Mỹ. Việc này được chính quyền bang ủng hộ.

Tháng 11 năm 1999, trước khi khai mạc triển lãm họ mời đoàn của Việt Nam sang Mỹ tham dự. Đoàn gồm nhà nhiếp ảnh Lê Phức và nhà báo Nguyễn Duy Cương, Phó Tổng Giám đốc TTXVN cùng với một trợ lý người Pháp.


Khí tài hiện đại của quân đội miền Nam Việt Nam và Mỹ mỗi khi rời căn cứ ở khu vực Sài Gòn thập niên 60 của thế kỷ 20... Ảnh: Henri Huet

Nhà báo Nguyễn Duy Cương nhớ lại: “Trong cuộc triển lãm, Thống đốc bang Kentucky Paul Pason đến phát biểu và trao cho hai nhà báo Việt Nam tấm bằng danh dự. Thống đốc nói: “Những tác phẩm ở triển lãm là những tác phẩm gần như cuối cùng của những phóng viên nhiếp ảnh ở chiến trường miền Nam. Đó là những di sản cuối cùng mà chúng ta phải giữ gìn để nói nên sự kiện đau thương giữa hai nước. Chúng tôi trao bằng chứng nhận cho hai sứ giả từ Việt Nam để ghi nhận sự đóng góp của hai người trong việc đặt mối quan hệ của bang Kentucky với Việt Nam”.

Đoàn Việt Nam đã kí với đại diện ban tổ chức Richarsd Lennon bản ghi nhớ: Sau triển lãm ở Mỹ, các cựu binh Mỹ sẽ gửi tặng Việt Nam bộ ảnh và sẽ chịu toàn bộ kinh phí để đưa sang Việt Nam. TTXVN phải có trách nhiệm tổ chức hai cuộc triển lãm ở Việt Nam và mời họ sang dự. Sau đó, Việt Nam được toàn quyền sử dụng bộ ảnh này.

Để có kinh phí đưa bộ ảnh sang Việt Nam, các cựu binh bang Kentucky đã đi quyên góp từ các doanh nghiệp nguồn kinh phí không phải nhỏ bởi 100 ảnh lớn gồm cả khung, kính nặng tới mấy tấn hàng chở về Việt Nam bằng máy bay.

Năm 2000, bộ ảnh được triển lãm tại Hà Nội và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP HCM. Sau đó, bộ ảnh được trao cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lưu giữ và trưng bày thường xuyên tới ngày nay.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm