Y, bác sĩ hiến máu cấp cứu bệnh nhân: 'chuyện thường ngày' ở bệnh viện

26/02/2017 10:59 GMT+7

(lienminhbng.org) - Để kịp thời cứu chữa bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, nguy hiểm tính mạng, nhiều y bác sỹ đã không ngần ngại hiến máu của chính mình.

Hành động này đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua cơn "thập tử nhất sinh", và góp phần xây dựng hình ảnh người y bác sỹ đúng theo phương châm “lương y như từ mẫu”.


Ban giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tham gia hiến máu. Ảnh có tính chất minh họa cho bài. Nguồn: báo CATP.HCM

* Thầm lặng hiến máu cứu người

Bác sỹ Ya Đuyên, người Chu ru, công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông từ năm 2008. Hiện anh là phó trưởng khoa Truyền nhiễm và là một tấm gương điển hình trong việc hiến máu cứu chữa cho bệnh nhân.

Lần gần nhất là khi bệnh viện tiến hành phẫu thuật một bệnh nhân bị tràn dịch màng tim vào cuối năm 2016. Kết quả là nữ bệnh nhân, mới chỉ 10 tuổi đã được phẫu thuật thành công, ổn định sức khỏe và được xuất viện vài ngày sau đó.

Bác sỹ Ya Đuyên cho biết anh đã nhiều lần hiến máu để cứu chữa bệnh nhân và giờ không nhớ rõ là bao nhiêu lần. Mỗi lần cần máu truyền cho bệnh nhân mà nguồn máu dự trữ của bệnh viện hết hoặc không phù hợp là anh sẵn lòng. Nhiều lúc rất gấp gáp nên cũng không kịp suy nghĩ hay kiểm tra gì nhiều, vì càng chậm trễ thì khả năng cứu chữa bệnh nhân càng khó.

Theo bác sỹ Ya Đuyên, là bác sỹ nên anh hiểu rất rõ việc hiến máu không có hại gì cho sức khỏe. Mỗi lần có bệnh nhân cần máu mà mình thấy đủ điều kiện thì đâu có ngần ngại gì, vì mạng người là quan trọng nhất.

Bài học từ dòng máu của thầy cô

Bài học từ dòng máu của thầy cô

Học sinh M, trường THCS Trần Quốc Toản (Quảng Ninh) khi đang nô đùa đã ngã từ lan can tầng 4 xuống đất hôm 21/2. Em nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bác sỹ Chu Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông chia sẻ, "bác sỹ Ya Đuyên có chuyên môn tốt và rất tâm huyết với nghề. Anh đã nhiều lần hiến máu để kịp thời cứu chữa bệnh nhân nhưng không phải lần nào lãnh đạo bệnh viện đều biết. Nhiều khi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện, người nhà tìm tới Ban Giám đốc để cám ơn, lúc đó chúng tôi mới biết”.

Anh Trần Đình Nguyên, điều dưỡng viên, khoa Hồi sức – Cấp cứu cũng là một trường hợp điển hình. Anh Nguyên cho biết mình đã công tác tại bệnh viện được 6 năm và đã nhiều lần hiến máu cứu người.

Kỷ niệm làm anh nhớ nhất là có lần một sản phụ được đang được chuyển từ Buôn Ma Thuộc (tỉnh Đắk Lắk) xuống bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) để cấp cứu. Khi đi tới thị xã Gia Nghĩa thì bệnh nhân gặp biến chứng, bị vỡ tử cung phải phẫu thuật gấp. Vì bệnh nhân mất rất nhiều máu nên cần tới 6 đơn vị máu mới đủ. Anh Nguyên kể mình đang trực thì nghe nói có sản phụ đang nguy cấp và cần truyền máu gấp. Kiểm tra thông tin anh thấy mình phù hợp nên hiến liền. Kết quả sản phụ và con đều khỏe mạnh, ca phẫu thuật thành công mỹ mãn.

Anh Nguyên chia sẻ "lần nào hiến máu cứu bệnh nhân anh cũng… vội nên không kịp suy nghĩ gì nhiều. Cái chính là thấy sức khỏe mình đảm bảo và kiểm tra kỹ thông tin về nhóm máu là quyết định thôi". Điều quan trọng nhất đối với mỗi y bác sỹ là đem đến những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.

Bác sỹ Chu Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, xuất phát từ nhu cầu truyền máu cứu chữa bệnh nhân, nhất là trong các trường hợp quá khẩn cấp, khi bệnh nhân không có người thân hoặc nguồn máu dự trữ không phù hợp, từ đầu năm 2014, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo thành lập ngân hàng máu sống với sự tham gia của hầu hết các y bác sỹ, cán bộ công nhân viên bệnh viện. Trong năm 2016, đã có 16 trường hợp các y bác sỹ trực tiếp hiến máu truyền cho bệnh nhân.

“Đây là hành động thể hiện cao nhất tinh thần trách nhiệm của các y bác sỹ, nhân viên bệnh viện. Tất cả đều tự nguyện và hướng tới điều cao cả nhất là sự hài lòng của bệnh nhân và người thân” – bác sỹ Hồng chia sẻ.

* Bác sỹ trẻ hơn 50 lần hiến máu và tiểu cầu

"Với những người đang điều trị ở Khoa Bệnh máu tổng hợp - Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An, máu chính là thuốc, họ có nhu cầu truyền máu rất nhiều trong khi đó nguồn cung thì có hạn. Do đó, mỗi lần hiến máu hay tiểu cầu cho bệnh nhân nghĩa là mình đang giúp đỡ một người khác khỏe lại. Mình đang có sức khỏe tại sao mình lại không giúp đỡ họ". Đó là những chia sẻ của Bác sỹ Nguyễn Văn Trọng - Khoa Bệnh máu tổng hợp - Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An.

Bác sỹ Trọng đã có trên 50 lần hiến máu và tiểu cầu cho bệnh nhân.

Sinh năm 1992 ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu và trong gia đình không có ai theo nghề y, khi đăng ký thi đại học, Trọng cũng chỉ đăng ký duy nhất một trường là Đại học Y Huế và xác định đây là con đường duy nhất, không còn sự lựa chọn thay thế.

Mặc dù là bác sỹ trẻ, chỉ mới vào nghề được 1 năm nhưng bác sỹ Trọng cho biết mình bắt đầu tham gia hiến máu nhân đạo từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất ở trường đại học. Khi ấy, Trọng có giờ thực tế ở bệnh viện. Tình cờ, qua các bạn cùng lớp biết tin có một bệnh nhân nhi bị bệnh tim bẩm sinh đang cấp cứu trong khi mổ. Do nhóm máu A+ không nhiều, bệnh nhân đang nguy kịch nên dù chưa bao giờ hiến máu Trọng vẫn tình nguyện đăng ký.

Sau lần đó, Trọng đăng ký tham gia vào Câu lạc bộ ngân hàng máu sống của trường và trở thành một tuyên truyền viên cho phong trào hiến máu tình nguyện. Trọng cũng bắt đầu hiến tiểu cầu 3 tháng sau đó và từ đó đến nay trung bình mỗi tháng Trọng hiến máu một lần.

“Thực tế, đã hiến máu nhiều lần nên tôi thấy công việc này cũng bình thường, tương tự như một cách để mình cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân vậy. Hơn nữa, tôi rất hào hứng với hoạt động này bởi qua đó tôi tập hợp được nhiều người cùng tâm huyết. Ở đấy, mọi người cùng nhau chia sẻ công việc và thấy được mình thực sự có ích”, bác sĩ Trọng chia sẻ.

Học ngành bác sỹ đa khoa và thích làm về ngoại khoa, vì vậy khi mới tốt nghiệp, bác sĩ Trọng cũng có khá nhiều lựa chọn. Thế nhưng việc về công tác tại Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh Nghệ An với bác sỹ Trọng lại như một cái duyên.

“Điều đầu tiên tôi đồng cảm với một đơn vị đang còn nhiều khó khăn trong ngày mới thành lập. Bên cạnh đó, tôi thấy rằng ở đây dù không làm ngoại khoa nhưng công việc của tôi hiện tại cũng gắn rất nhiều với chuyên ngành tôi đang học. Đây cũng là công việc mà tôi thấy rằng có rất nhiều ý nghĩa bởi tôi được tiếp xúc với người bệnh hàng ngày, được điều trị và chia sẻ với họ những khó khăn mà họ đang gặp phải" - bác sỹ Trọng tâm sự.

"Đến đây, tôi cũng có cơ hội để tiếp tục làm tốt vai trò của một “tuyên truyền viên” trong phong trào hiến máu nhân đạo. Thực tế, tại Trung tâm huyết học – máu chính là thuốc và mỗi ngày người bệnh ở đây cần hàng chục đơn vị máu. Để có thể giúp người bệnh, ngoài gia đình thì vai trò của cộng động, của xã hội là rất quan trọng. Hiện tại, tôi rất mừng bởi phong trào hiến máu ở Nghệ An ngày càng được phát triển, nhân rộng và được đông đảo người dân hưởng ứng, chia sẻ”- bác sỹ Trọng chia sẻ.

Có thể nói, bên cạnh việc cứu chữa kịp thời nhiều trường hợp khẩn cấp, hành động hiến máu phục vụ cấp cứu bệnh nhân của nhiều y bác sỹ đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về "lương y như từ mẫu" trong lòng người bệnh.

Hưng Thịnh, Bích Huệ (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm