21/09/2017 21:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Trong năm nay ít nhất có 8 tàu hàng Triều Tiên đã rời nước Nga đem theo kiện hàng chở đầy nhiên liệu hướng về đất mẹ, mặc dù trước đó các tàu này đánh lạc hướng bằng cách đăng kí điểm đến khác.
Theo giới quan chức Mỹ, đây được coi là một mánh khóe Triều Tiên sử dụng để sống sót qua các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân nước này.
Hãng thông tấn Reuters cho biết việc tàu Triều Tiên đến Nga và mang nhiên liệu về không phát hiện vi phạm luật. Việc thay đổi điểm đến của một con tàu trong khi vận hành không bị cấm và cũng chưa hề có bất kỳ thông tin nào xác minh những con tàu đó dỡ kiện hàng nhiên liệu tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận định việc thay đổi điểm đến trong hành trình là một dấu hiệu trong chiến thuật của Triều Tiên nhằm tránh né các lệnh trừng phạt thương mại quốc tế.
Mẹo thay đổi đường đi và sử dụng một chuỗi các công ty khác nhau – trong đó có nhiều công ty ngoại biên – trong lĩnh vực vận tải bằng đường hàng hải có thể khiến giới giám sát gặp khó khăn khi xác định chính xác lượng nhiên liệu cung cấp cho Triều Tiên.
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall S. Billingslea giải thích trong cuộc họp Ủy ban các Vấn đề đối ngoại Quốc hội: “Như một phần trong các nỗ lực của Triều Tiên nhằm thu về lợi nhuận, quốc gia này sử dụng một mạng lưới vận tải qua đường hàng hải để nhập và xuất khẩu hàng hóa”.
Theo Hệ thống thông tin Kiểm soát Cảng biển Nga, 8 tàu hàng bị phát hiện trên xuất phát từ cảng Vladivostok hoặc Nakhodka thuộc vùng Viễn Đông, và đăng kí nơi đến là Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau khi rời Nga, đội tàu này lại được ghi nhận dừng chân ở các cảng Kimchaek, Chongjin, Hungnam và Najin của Triều Tiên. Không có chiếc tàu nào tới Trung Quốc và phần lớn trong số đó quay trở lại nước Nga.
Một nguồn tin từ công ty cung cấp dịch vụ tàu biển tại Vladivostok tiết lộ trên tất cả các tàu đều chứa kiện hàng dầu diesel. Trọng lượng của một thùng hàng đo được từ 500 đến 2.000 tấn.
Một trong tám chiếc tàu gây chú ý trên là Ma Du San, do công ty Vận tải Kyongun của Triều Tiên làm chủ quản. Con tàu đó đã chuyển vào một kiện hàng 545 tấn nhiên liệu tàu thủy tại bến Pervaya Rechka ở Vladivostok.
Theo vận đơn, kiện hàng mà Ma Du San vận chuyển xuất phát từ Khabarovskiy NPZ – một nhà máy lọc dầu do công ty dầu khí Độc lập Nga (IPC) quản lí.
Con tàu khởi hành ngày 20/5. Tài liệu dự trữ tại Hệ thống thông tin Kiểm soát Cảng biển Nga cho thấy, điểm đến tiếp theo của con tàu là cảng Zhanjiang (Trung Quốc) trong khi tờ vận đơn lại ghi cảng Busan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, trên thực tế, theo dõi vị trí Ma Du San, con tàu này sau khi rời Vladivostok đã xuất hiện tại cảng Kimchaek (Triều Tiên). Khi vào vùng lân cận cảng biển, các tàu Triều Tiên này có lúc tắt hệ thống tiếp sóng, chính vì thế vệ tinh không thể theo dõi tiếp hướng đi của tàu trong những khoảng thời gian trên.
Ngày 1/6, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa công ty IPC của Nga vào danh sách trừng phạt, buộc tội công ty này đã cung cấp dầu cho Triều Tiên. Ngày 22/8, chính phủ Mỹ tiếp tục trừng phạt thêm hai công ty nữa, Transatlantic Partners và Velmur Management, đăng kiểm tại Singapore.
Hai công ty này đã bị khiếu nại với tội danh “rửa tiền” thay cho những ngân hàng Triều Tiên bị cấm vận và tìm cách mua các sản phẩm dầu khí. Andrey Serbin – đại diện cho công ty Transatlantic Partners – trần tình: “Chúng tôi bán nhiên liệu cho một công ty Trung Quốc. Chúng tôi chỉ là người trung gian. Làm thế nào mà chúng tôi có thể kiểm soát được hàng hóa”.
Hiện IPC vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vấn đề trên. Công ty mẹ, công ty dầu khí Alliance đăng kí tại Bermuda phủ nhận mối liên hệ làm ăn với công ty Triều Tiên khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên IPC.
Bộ Tài chính Mỹ cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến thông tin mà Reuters tìm được. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga không trả lời câu hỏi về việc xuất khẩu nhiên liệu cho Triều Tiên, tuyên bố Nga tuân thủ việc trừng phạt. Hải quan Nga cũng cho biết không thể cung cấp thông tin về những chuyến hàng vận chuyển qua biên giới.
Kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên IPC, tất cả tàu hàng có cờ Triều Tiên đều rời khỏi cảng Vladivostok và không đem theo bất kỳ thùng hàng nào.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất