21/11/2014 13:51 GMT+7
(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,
Hôm nọ, sững người khi xem ảnh một cuộc biểu tình nhỏ ở trung tâm Rome. Một nhóm người thuộc một tổ chức bảo vệ động vật giơ lên những tấm biển đòi chấm dứt tình trạng tiêu thụ ngà voi, tê giác, trong một tấm biển, thấy đích danh tên nước mình. Tự nhiên thấy buồn, chẳng khác gì chuyện 4 năm trước tôi đến Nam Phi, nhận ra là nước mình quá nổi tiếng ở đây do liên quan đến “công tác” buôn bán sản phẩm từ các động vật được bảo tồn của họ, chứ không phải là vì những câu chuyện liên quan đến quá khứ chiến tranh. Vài người Nam Phi biết tôi là người Việt đều nhắc đến chữ “sừng tê, ngà voi”. Hoặc đơn giản là họ đang nhắc tôi về thực trạng ấy, hoặc cũng có thể, họ nghĩ, tôi tới Nam Phi vì những thứ đó.
Ông bạn người Ý hỏi tôi: “Chuyện này có nghiêm trọng như việc ở nước các bạn, người ta ăn thịt chó như một thú vui không?”. Tôi đưa cho ông xem một clip của ca sĩ Hồng Nhung. Chị và một đoàn làm phim Việt Nam đến Vườn quốc gia Kruger thực hiện clip này để truyền đi thông điệp về việc nâng cao nhận thức nhằm chống lại tệ nạn buôn bán ngà voi và sừng tê giác. Ông bạn gật gù, nhưng nói thêm rằng, thực ra thông điệp này khó mà đến được với những người cấn tới nó, những người có địa vị cao trong xã hội và rất giàu có, nhưng ít ra, thông điệp cũng có thể đến được với cộng đồng, để họ nhận thức được rằng, Việt Nam đang mang tiếng ở nhiều nước vì chuyện này.
Thời buổi mạng xã hội ngày càng phát triển, thì những chuyện của nước mình, nhất là những chuyện không vui lắm, chỉ vài hôm, thậm chí vài giờ là xuất hiện trên các trang báo giấy hoặc báo mạng của nước ngoài. Mới rồi, một trang mạng nổi tiếng của Anh đăng bài viết chuyện ở Hà Nội, người ta làm thịt một con chó như thế nào. Bài báo và một video được đưa lên, với rất nhiều những bình luận giận dữ ở phía dưới.
Một trang mạng rất đông người đọc khác của Italy đưa lại. Tiếp tục những dòng bình luận nặng nề của độc giả. Ông bạn bảo vệ động vật gửi tôi một cái link bằng tiếng Ý nói rằng, mỗi năm người Việt Nam ăn đến 5 triệu con chó. Bài báo cũng viết, năm ngoái, đã có những người trộm chó bị dân làng đánh chết và tình trạng trộm chó để lấy thịt bán ra thành phố, cũng là ăn trộm một “người canh gác” đối với các gia đình ở nông thôn, đang diễn ra tràn lan.
Những bài báo như thế rất nhiều, và sự khác biệt về văn hóa có thể tạo ra những phản ứng khác nhau...
Thế giới không hề phẳng như Thomas Friedman viết. Các trang mạng xã hội không hề làm thế giới nhỏ lại, mà dường như đang làm tăng thêm những khoảng cách giữa các nền văn hóa...
Hẹn các anh chị trong những thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất