Thư châu Âu: Một cuộc chiến về quyền được ly dị

12/10/2015 13:34 GMT+7

(lienminhbng.org) -Thưa quý anh chị, tuần trước, tôi mới chúc mừng một người bạn thân sau khi ông gọi điện báo tin sắp được... ly dị.

Gọi là bạn, nhưng thực ra ông đã hơn 60 tuổi, đã ly thân người mà ông gọi là vợ suốt nhiều năm. Nhưng ông và bà không thể nào ly hôn được, dù đã hết sức cố gắng theo cả hướng dân sự lẫn phía nhà thờ. Khỏi phải nói thủ tục ly dị ở Italy nhiêu khê đến mức nào.

Có những vụ đâm đơn ly dị kéo dài tới 10 năm hoặc hơn chưa xong, gây ra rất nhiều phiền toái cho các cá nhân muốn đi tìm hạnh phúc mới. Nhiều vụ án mạng đã xảy ra sau khi một trong hai bên hoặc cả hai quá mệt mỏi với sự kéo dài của quá trình ly dị. Trong tuyệt vọng, họ tìm đến giải pháp cuối cùng là bạo lực.

Ông bạn cũng đã chờ đợi, đã gần như nản lòng, đã có một vài người đàn bà trong những năm ấy, nhưng không thể lập được gia đình dù ông rất muốn. Thế rồi, khi nghe tin Quốc hội Italy đang chuẩn bị thông qua luật ly dị mới, cho phép người ta kết thúc hôn ước một cách chóng vánh hơn, ông là một trong những người đầu tiên đăng ký và giờ đây, ông đã trở thành người tự do để có thể lập gia đình với một cô gái trẻ mà ông yêu. Tôi chúc mừng ông chính là ở ý nghĩa ấy.


Hầu hết các đám cưới ở Italy được tổ chức trong nhà thờ, nơi không ủng hộ việc ly dị

Sự tự do thực sự, ở đây là tự do lập gia đình với người khác, chỉ đến với ông khi đã ở tuổi trên 60. Một đạo luật có mệnh danh là “ly hôn cấp tốc”, được báo chí Italy coi là một bước ngoặt quan trọng về pháp lý trong việc “tiến tới một xã hội dân sự công bằng và văn minh hơn”, đã giúp bạn tôi được tự do.

Theo luật mới, thời gian ly thân để tòa án xét cho chính thức ly dị giảm xuống còn một năm, thay vì ba năm như trước đây, nếu như vợ hoặc chồng, hoặc cả hai đưa đơn ra tòa. Tuy nhiên, nếu như cả hai cùng thuận ly dị, thời gian để xét cho việc xóa bỏ hôn ước được rút xuống còn 6 tháng. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản chung cũng có thể được tiến hành ngay trong thời gian ly thân.

Đấy được cho là thắng lợi của các phong trào dân sự trong một cuộc chiến kéo dài suốt hơn 40 năm ròng đấu tranh cho quyền của những cặp vợ chồng không còn yêu nhau nữa trong một cuộc sống gia đình ngột ngạt và bị cột chặt trong những quan niệm xã hội và giáo lý Công giáo hà khắc.

Đối với một quốc gia có hơn 90% dân số theo Công giáo, lại có Tòa thánh Vatican nằm ngay giữa lòng Thủ đô Rome, ảnh hưởng của Công giáo đối với vấn đề này rất lớn. Từ trước đến nay, nhà thờ luôn cho rằng, Chúa trời đã tác thành cho người nam và nữ nên duyên chồng vợ. Việc thề nguyện khi làm hôn lễ là thề nguyện trước Chúa. Duy trì một cuộc hôn nhân là đảm bảo một mối liên hệ bền vững bằng tình yêu giữa nam và nữ, với sự chứng giám của Chúa trời.

Do đó, nhà thờ không ủng hộ việc ly dị. Họ cũng bảo vệ quan điểm rằng, trong trường hợp không thể sống chung nữa, cần phải mất nhiều thời gian suy nghĩ cho những cặp vợ chồng đã ly thân trước khi cho phép họ chính thức ly dị. Tuy nhiên, ở Italy, số cặp vợ chồng đồng ý rút lại đơn ly dị không vượt quá 1%.

Theo thông lệ, nếu không có giấy hủy hôn ước từ nhà thờ, những người Công giáo muốn tái hôn sẽ không thể làm hôn lễ trong nhà thờ được nữa. Những ai tái hôn mà không có giấy tờ đó sẽ không được ban Thánh thể. Cuộc hôn nhân do đó đã trở thành nhà tù đối với những ai gặp trục trặc trong quá trình chung sống, bởi đã vào đó là rất khó ra. Nhưng trong khi Giáo hội còn đang tranh cãi về việc tái hôn, thì cuộc “cách mạng ly dị” đang tạo ra một làn sóng chưa từng có ở Italy.

Trong khi các đài phát thanh ra rả các quảng cáo về dịch vụ ly hôn cấp tốc, thì  báo chí cho thấy một sự lạ, bốn tháng sau khi đạo luật có hiệu lực: hầu hết những người nộp đơn xin chia tay người bạn đời ở lứa tuổi từ 44 đến 54. 20% số vụ ly hôn xảy ra với những cặp trên 65 tuổi, gấp rưỡi tỷ lệ năm 2001 và gấp 4 lần năm 1995. Cá biệt, có những trường các cụ già 80 tuổi cũng làm đơn xin ly dị để chung sống với người tình trẻ, chuyện chưa từng xảy ra trước kia.

Điều gì đang xảy ra với người Italy, khi câu “sống với nhau tới đầu bạc răng long” giờ chỉ để nói cho vui? Nhật báo La Repubblica cho rằng, đạo luật mới đã tạo cơ hội cho những người ở tuổi trung niên kiếm tìm hạnh phúc mới một cách chính thức bằng hôn nhân mà cũng không cần đến sự phán xét của nhà thờ, sau một thời gian dài vất vưởng trong cuộc sống không hạnh phúc trong gia đình.

Xu hướng ấy có thể tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội Italy. Ly dị quá khó và những bấp bênh của cuộc sống đã khiến người ta sợ kết hôn. Số đám cưới từ 250 nghìn vụ trong năm 2008 xuống còn hơn 190 nghìn trong năm 2013. Trong khi đó, số vụ ly dị được dự báo trong năm nay, khi có luật mới, có thể đạt từ 150 đến 200 nghìn, cao gấp đôi năm ngoái.

Một đức cha cao cấp của tòa thánh mới rồi có lên ti-vi và cảnh báo, xã hội Italy đang tồn tại những nhân tố nguy hiểm làm cho cấu trúc gia đình bị tan vỡ, khi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng phát triển, khiến “cái tôi” đóng vai trò chủ đạo trong xã hội. Nhưng ông bạn già thì lại nhìn vấn đề một cách khác hơn. “Đi tìm hạnh phúc cho riêng mình không phải là một tội lỗi. Đấy là quyền của mỗi người”, ông nói. “Bây giờ, tôi hạnh phúc, vì theo luật pháp và cả nhà thờ, tôi không còn ràng buộc gì nữa với vợ cũ”.

Niềm hạnh phúc đã được tìm thấy. Ở tuổi ngoài 60.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm