Thư châu Âu: Chúng ta chỉ sống có một lần

11/12/2015 20:19 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,

Đó là tiêu đề của một cuốn sách hướng dẫn du lịch mà Lonely Planet, thương hiệu sách du lịch nổi tiếng nhất và bán chạy nhất thế giới, cho xuất bản năm ngoái.

Đấy không phải là một tựa sách bình thường như dòng sách chuyên về các địa danh, đất nước hoặc châu lục vốn được tái bản hàng năm (trong suốt 40 năm qua) với rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới, mà là một cuốn sách đặc biệt: Nó dành cho những người tham lam. Tham lam theo cách không muốn để lỡ những cơ hội của cuộc đời ngắn ngủi để hưởng thụ cuộc sống ở những nơi ta đang ghé qua, hoặc sắp ghé qua.

1. Sách có 5 chương, lần lượt gồm “Một tiếng”, “Một ngày”, “Một tuần”, “Một tháng” và “Một năm” gợi ý các thông tin cũng như cách làm thế nào để tận hưởng tốt nhất khoảng thời gian mà ta có, để làm một việc gì đó có ích và không thể quên ở một nơi nào đó trên thế giới, không đơn thuần là đi du lịch, mà là trải nghiệm để mở mang tầm nhìn và từ đó giúp cho ta sống tốt nhất.

Đó là những việc gì? Rất nhiều, chẳng hạn việc thả diều trong một giờ đồng hồ ở Hy Lạp, ngắm nhìn nhật thực toàn phần ở châu Âu vào tháng 2/2017, thưởng thức một ly cocktail Negroni ở nơi đã sinh ra nó (Florence), xem một buổi hòa nhạc ở Cung Âm nhạc Vienna, học yoga cười ở Bangalore, Ấn Độ... Những người viết sách cũng đưa ra lời khuyên: nên tới một nước khác để học một ngôn ngữ khác và rồi từ đó đi khắp nơi trên thế giới. Đấy chỉ là một trong cả trăm ý tưởng được đưa ra trong sách, nhưng những tác giả cũng viết thêm rằng, ai cũng có thể có những ý tưởng khác cho các chuyến đi của đời mình.

2. Chúng ta chỉ sống có một lần là một trong số rất nhiều cuốn sách của Lonely Planet và các nhãn hiệu sách du lịch lớn khác của thế giới. Trong thời buổi mà Internet đang chi phối nhiều mặt của cuộc sống, tác động tới cả cách mà chúng ta đi ra thế giới, với việc cung cấp thông tin nhanh nhạy và nhiều mặt, tư vấn cho ta nên làm gì và ở đâu, giá cả thế nào, thì việc những dòng sách như trên vẫn có chỗ đứng và bán rất chạy khẳng định một điều: người ta vẫn thấy chúng rất có ích, và vẫn tiếp tục thúc đẩy những khao khát đi và sống của nhiều người.

Với Google Earth và một ứng dụng có tên Periscope, ta cứ nghĩ là ta có thể nhìn thấy tất cả. Với những trang web tư vấn du lịch và mạng xã hội, ta tin rằng, ta có thể có những thông tin cần thiết cho những chuyến đi và giúp cho chúng ta trải nghiệm về một nơi ta không thể tới, hoặc ta đang muốn tới. Trên thực tế, thế giới quá rộng và ta chưa nhìn thấy, chưa chứng kiến chừng nào ta chưa tới nơi đó.

Khi thế giới văn minh đang hướng đến việc sống chậm, sống bền vững, hưởng thụ những điều tốt nhất của cuộc sống đem đến cho họ và đi du lịch bền vững, thì chúng ta đang ở đâu, làm gì trong cuộc đời này, khi cái nghèo cả về tri thức lẫn vật chất của đời thường ngăn cản ta, trói buộc ta trong một thế giới nhỏ bé và đầy những bon chen?

Có lần tôi đứng lặng người ngắm hàng nghìn tựa sách du lịch bày đầy chật trong một hiệu sách lớn ở trung tâm Rome và rồi tự hỏi: Đến bao giờ các hiệu sách ở nước mình cũng sẽ có một gian như thế, chỉ bày các sách du lịch bằng tiếng Việt, để chúng ta, nhất là người trẻ, đọc, nghiên cứu, và rồi lấy đó làm những cẩm nang thông tin để đi ra thế giới?

Và đến bao giờ, những người trẻ mới suy nghĩ một cách nghiêm túc về cuộc sống của họ, coi việc đi ra thế giới không chỉ là một cách để mở mang đầu óc và xác định cái tôi của mình ở đâu trong cuộc đời, mà còn là một cơ hội để xây dựng cuộc sống của họ ở đâu đó, trên thế giới?

3. Vào cái thời buổi mà các sách dạy làm giàu nhiều hơn dạy làm người này, thì ưu tiên hàng đầu của nhiều người không phải là du lịch, mà du lịch, nếu có, cũng chỉ là một cơ hội để shopping, để chụp ảnh và khoe trên Facebook. Sự hưởng thụ cuộc sống theo cách ấy rất khác với những gì ở đây người ta, thường là các bạn trẻ, nhiều trong số đó đi một mình, tay cầm một cuốn cẩm nang như của Lonely Planet trên tay, vẫn làm.     

Nhiều trong số chúng ta, vì những nỗi lo ngại rất rõ ràng về việc không biết tiếng, không thông thạo đường sá, không rành văn hóa bản địa đã đi đâu đó theo cách như thế. Và họ thường không đi một mình. Đông thì có thể vui, và đông cũng là cách để cùng giúp nhau vượt qua nhiều nỗi lo lắng về việc phải đối mặt với những điều mà họ không đủ can đảm để đối mặt khi chỉ có một mình. Những trải nghiệm ít ỏi về những chuyến đi thường đi kèm với những định kiến luôn tồn tại do sự hạn chế về thông tin và vốn sống của họ.

Tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế, cả ở những bạn rất trẻ, có cơ hội để đi đây đi đó trên thế giới, nhưng rốt cục thừa nhận họ không hiểu gì nhiều về những nơi đã qua. Đơn giản là các chuyến đi chỉ còn tồn tại trên những bức ảnh chụp lại. Những dấu visa trên hộ chiếu được coi như “chiến lợi phẩm”, tương tự như những thứ đồ hiệu mà họ đem về. Tiêu thụ và chạy theo chủ nghĩa hình thức bề ngoài trở thành quan trọng hơn kiến thức và trải nghiệm của bản thân.

Những hạn chế mà họ đang có ấy sẽ không bao giờ thay đổi chừng nào họ không cởi mở và chân thành đón nhận những chuyến đi với các thách thức phía trước, với tri thức, sự học hỏi và không ngừng khao khát đi. Mà thôi, không nói nữa, vì nói nữa lại thành so sánh. Ta không phải là “Tây”. Bởi quan niệm sống khác nhau, cách hưởng thụ cuộc sống cũng khác nhau. Và một điều quan trọng hơn cả, họ đã đi xa hơn ta nhiều trong việc sống một cách bền vững.    

Xét cho cùng, thì như Mae West đã nói, “Bạn chỉ được sống có một lần. Nếu sống đúng cách, thì chỉ một lần là đủ”. Chẳng cuốn sách nào có thể sống hộ ta, nhưng có thể thôi thúc trong ta những khao khát đi.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm