Thư châu Âu: Buổi diễn kịch của lớp cô Uguccioni

14/07/2015 16:05 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,

Đấy là buổi biểu diễn để kết thúc một năm học của lớp kịch. Chỉ là một môn ngoại khóa, học ròng rã từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 6 năm sau, mỗi tuần một buổi, nhưng thu hút được khá đông học sinh các cấp tham gia. Bọn trẻ ở bên này rất thích diễn xuất và bố mẹ chúng coi việc học kịch như một cách để tiếp cận với nghệ thuật.

Tôi cũng nghĩ thế khi con gái hào hứng đề nghị cho học môn này vào một buổi chiều sau khi tan học về nhà. Con bé và bọn trẻ học diễn xuất không phải để trở thành những diễn viên chuyên nghiệp, mà để hiểu được nghệ thuật kịch là gì và vai trò của nó trong cuộc sống ra sao.

Cô Uguccioni thuê một nhà hát ở trung tâm Rome, giữa những con phố cổ kính và thơ mộng của thành phố. Nhà hát có chừng 100 chỗ, không lớn, nhưng hiện đại và là một trong những sân khấu nhỏ được nhiều người biết đến vì những vở kịch thể nghiệm thường được diễn ra ở đây. Cô Uguccioni, một giáo viên xinh xắn nhưng cương nghị, đã từng học kịch khi còn là sinh viên và rất hào hứng với dự án tổ chức lớp kịch cho học sinh trong trường.

Lớp kịch của cô năm nào cũng diễn ra. Có những học sinh đã học kịch cô dạy được mấy năm liền, nhưng con tôi là học sinh mới nhất của cô. Đích thân cô ngồi điều chỉnh ánh sáng và âm thanh trong phòng kỹ thuật cùng với một cô giáo khác, phía trước mặt là kịch bản dày cộp.     

Đấy không phải là một vở kịch bình thường, mà là một bài tập rất khó đối với các học sinh lớp 6 như con gái tôi, và cả những đứa lớp trên nữa. Vì vở kịch bằng tiếng Pháp Le Roi Se Meurt (công diễn lần đầu năm 1962) của Eugene Ionesco, nhà viết kịch nổi tiếng từng đoạt Nobel Văn học, dày hơn 200 trang kịch bản. Bọn trẻ đã tập diễn xuất và thuộc lời thoại trong nhiều tháng, đã tự tập cùng nhau một vài buổi khi cô Uguccioni bận không hướng dẫn chúng được, và rồi háo hức lắm khi ngày biểu diễn sắp tới gần.

Đối với nhiều đứa trẻ, đấy là lúc chúng thể hiện đam mê diễn xuất. Đối với con gái tôi, đấy đơn giản chỉ là một thử thách, bởi nó chưa từng diễn xuất bao giờ. Thực ra, thế là nó hơn tôi, người rất ngại phải nói gì đó trước nhiều người. Vào cái tuổi của nó, tôi chỉ là một đứa trẻ bẽn lẽn, nhút nhát và không dám nói ra chính kiến của mình.

Buổi diễn ấy là một cuộc vui của gia đình. Cha mẹ, anh chị em, rồi cả ông bà của lũ trẻ đến chật nhà hát, ngồi kín trên những băng ghế, háo hức chờ đợi con cháu họ bước ra sân khấu. Thế rồi đèn tắt, lũ trẻ lần lượt bước ra trong những vai diễn của chúng. Ở phía trên, trong khu kỹ thuật, cô Uguccioni theo sát từng trang kịch bản, từng lời thoại và điều chỉnh đèn cho từng cảnh.

Không có người nhắc vở, nên thỉnh thoảng có lúc lũ trẻ quên một vài lời. Nhưng gần hai tiếng của vở kịch rồi cũng trôi qua suông sẻ, đèn bật sáng, cô Uguccioni ào xuống ôm hôn và chúc mừng lũ trẻ. Chúng đã vượt qua được một thử thách rất lớn không chỉ về diễn xuất, mà còn cả sức ì của bản thân mình. Nhìn chúng diễn một cách tự nhiên và trong sáng, quan sát cách mà cô Uguccioni chỉ dạy chúng từng chi tiết nhỏ, tôi hiểu được tại sao ở bên này, lũ trẻ sống tự tin, mạnh mẽ và tự lập đến thế, và nghệ thuật luôn được vun trồng trong tuổi trẻ là vậy.

Con gái là “lính mới”, nên chỉ được giao một vai phụ, vai rất nhỏ, một người lính và chỉ thoại chừng chục câu ngắn, chủ yếu đứng suốt từ đầu tới cuối, nhưng nó cũng như lũ trẻ phải học thuộc cả 200 trang kịch bản. Chỉ giữ một vai nhỏ, thậm chí không hề quan trọng, nhưng con gái rất hào hứng, vì đấy là lần đầu tiên nó được học diễn xuất, và nó hiểu rằng, nếu không nhận vai ấy, nó sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Cô Uguccioni đã động viên con bé bằng cách nói rằng, hồi trước, khi diễn xuất, cô cũng từng đóng một vai nhỏ, đã từng phải đứng suốt 3 tiếng trong một vở kịch, nhiều lúc như phát điên, nhưng cô vẫn kiên trì đứng như thế cho đến khi kết thúc. Và rồi, sau vở kịch, cô nhận ra rằng, thực ra vai phụ cũng rất quan trọng.

Không thành công nào của những vở kịch và của sân khấu đời mà ta thiếu những vai phụ. Học diễn xuất nhưng lại hiểu được ý nghĩa của vai trò cá nhân trong tập thể chính là điều mà tôi muốn con gái lĩnh hội được sau một năm học kịch với cô Uguccioni. Sẽ có những người nghĩ rằng, con họ phải đóng những vai chính cả trên sân khấu lẫn trong cuộc đời. Cũng có những người chỉ muốn con cái mình hoặc chính mình luôn đứng trong ánh sáng và không quan tâm đến những ai khác âm thầm sống trong bóng tối hoặc làm nền cho họ. Tôi chỉ đơn giản nghĩ như cô Uguccioni, con đóng vai nào cũng được, miễn là con hết mình với vai diễn ấy, và đóng góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của tập thể.

Bây giờ, con chỉ đóng một vai trong vở kịch. Lớn lên, con sẽ có một vai trong cuộc đời và con sẽ hiểu vị trí của con trên sân khấu ấy là gì. Vai chính hay phụ thì điều quan trọng nhất, phải là người tử tế...

Hẹn quý anh chị trong các thư sau.    

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm