06/06/2016 12:10 GMT+7
(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,
Ở một đất nước có vẻ không hào hứng lắm với công nghệ thông tin như Italy thì việc sử dụng các mạng xã hội chủ yếu là để theo dõi các hành trình đời của nhau hơn là giải trí hoặc thực hiện các tranh luận chính trị và xã hội. Và như thế, Facebook có thể đem đến những điều gì cho mọi người?Đám cưới sau 70 năm nhờ Facebook
Đối với nhiều cụ già, đấy không chỉ là một sự "tái hội nhập xã hội" khi nỗi cô đơn ngày càng trở nên lớn hơn và lấn át mọi thứ, mà còn có thể là một kênh thông tin tuyệt diệu, với những điều không thể tin nổi có thể xảy ra.
Đầu năm ngoái, nước Ý đã xôn xao trước thông tin nhờ Facebook mà hai cụ già đã tìm lại được nhau sau 70 năm xa cách. Ông Giovanni Molinari, 90 tuổi, và bà Antonia Gottifredi, 87 tuổi, ở Lecco, miền Bắc Italy, gặp nhau lần đầu vào năm 1944, yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và nhưng sau đó, chiến tranh đã khiến họ li tán trong rất nhiều thập kỉ, khiến họ nghĩ rằng, những gì họ có với nhau trong quãng thời gian yêu nhau ngắn ngủi ấy mãi mãi chỉ là những kỉ niệm đẹp.
Họ cùng trở thành góa bụa vào năm 2013, sau khi lần lượt những người chồng và vợ của họ qua đời. Cuộc đời của họ chắc chắn sẽ trôi đi như thế, không có gì đặc biệt, và những kí ức của thời tuổi trẻ ấy sẽ mãi mãi tan biến đi cùng với thời gian, nếu như không có một ngày, bỗng nhiên các cháu của họ lập cho họ các trang Facebook.
Họ "dạo chơi" trên đó, kiếm tìm bạn bè, kết bạn với những người thân trong gia đình, và rồi một ngày, bỗng nhiên họ tìm thấy nhau. Xúc động đến nghẹn ngào, họ gặp nhau ở Lecco sau hơn nửa thế kỉ xa cách. Và cuối cùng, họ quyết định cưới nhau.
Khi "các cụ" cũng nghiện mạng xã hội
Câu chuyện của ông bà Molinari-Gottifredi là một điều kì diệu cho thấy, mạng xã hội có thể kết nối con người ta đến mức nào, thậm chí tạo ra những thứ cổ tích ở đời như ta đã thấy.
Những câu chuyện như thế thật kì lạ và hãn hữu, nhưng việc ngày càng nhiều người cao tuổi ở Italy dùng mạng xã hội trong cuộc sống hàng ngày đang cho thấy một sự thật: Trong một đất nước mà người già nhiều hơn số trẻ con (thống kê năm 2015 cho thấy tỉ lệ cứ 100 người Ý dưới 15 tuổi thì có tới 161 người trên 65 tuổi), người ta không muốn bị đời gạt sang bên, không muốn cô đơn vì đa phần trong số họ sống xa con cháu, không muốn trở thành một gánh nặng với quỹ phúc lợi xã hội, khi quỹ lương hưu đang phình to ra, không muốn bị coi như là một lực cản đối với xã hội, do nước Ý đang ngày càng già đi. Và vì thế, mạng xã hội đang phát huy những mặt tích cực của nó nhờ người già.
Thống kê của Viện nghiên cứu xã hội và kinh tế Italy (Censis) cho hay, cứ 4 người trên 65 tuổi ở Ý thì có 1 người ngày ngày dương mục kỉnh vào Facebook, Twitter hoặc thường xuyên dùng Instagram.
Các trang mạng ấy không thay thế được thói quen ngồi tán gẫu của họ trong các quán cà phê, như tôi vẫn luôn thấy một ông bạn già gần nhà mỗi ngày lượn hai lần tán phét các bạn bè trong một quán bar, nhưng thế giới của họ được mở rộng ra hơn, nhờ họ dùng rất tích cực.
Ông Lanfranco Villa, 71 tuổi, từng là một người làm bánh ngọt, có hàng nghìn người theo dõi trên Facebook nhờ hàng ngày ông đưa lên mạng những bức ảnh về bánh ngọt mà ông làm. Ông Angelo Pastura, 90 tuổi, thì dành mỗi ngày 2 đến 3 tiếng trên Facebook để... làm thơ.
Rất nhiều các tổ chức của người cao tuổi ở Italy cũng đã sử dụng mạng xã hội để mở rộng các hoạt động của họ và khuyến khích người già thuyết phục các "tỉ phú thời gian" khác dùng Facebook như là một công cụ hiệu quả nhằm duy trì và mở rộng các mối quan hệ xã hội, đồng thời phát huy các giá trị truyền thống của nước Ý.
Nếu bạn thấy bố mẹ hoặc ông bà mình ở tuổi đó đam mê Facebook và các mạng xã hội, hãy tin rằng, họ vẫn muốn sống tốt và sống đẹp cho đời.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong những bức thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất