Thư châu Âu: Cập nhật đất nước ra thế giới

29/04/2015 08:01 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị.

“Bạn đến từ Bắc, hay Nam Việt Nam”? - Tôi ngạc nhiên khi nghe cô chuyên viên tư vấn ngân hàng hỏi thế trong lúc cô nhập dữ liệu cá nhân tôi để mở một tài khoản ngân hàng. Tôi vẫn không tin vào tai mình, hỏi lại: “Cô hỏi gì cơ?”. Cô mỉm cười đáp lại: “Trên máy tính của tôi, khi khai báo địa danh Việt Nam, có trường là “Bắc Việt Nam” và “Nam Việt Nam”. Tôi chỉ muốn hỏi nơi anh sinh ra ở đâu để tôi điền thôi”.

1. Hóa ra, vấn đề nằm ở hệ thống máy móc. Đối với những hệ thống hành chính quan liêu và nặng nề theo kiểu Italy này, Việt Nam luôn được hiểu là hai khu vực hoàn toàn khác nhau. Đối với những người nhạy cảm về mặt chính trị, đây là một điều khó chấp nhận. “Tôi biết là Việt Nam bây giờ là một nước, nhưng hệ thống này được lập trình từ rất lâu rồi và đến bây giờ họ vẫn chưa thay đổi lại” - cô chuyên viên cười nói.

Điều tương tự đã xảy ra ở một vài hệ thống máy tính liên quan hành chính Italy, và có lần, tôi đã phải giải thích với những người làm công tác nhập liệu văn phòng ở Rome rằng, chỉ có một Việt Nam duy nhất, và hệ thống của họ cần phải được cập nhật. Chuyện này đã xảy ra nhiều năm rồi, và với nhiều người Việt ở Italy này, vậy mà từ đó đến nay, vẫn chẳng có gì thay đổi. Nhưng tôi hiểu, vấn đề ở đây không chỉ là máy móc.


Một áp phích quảng cáo của chương trình “Những ngày Việt Nam ở Italy” gồm một chuỗi các sự kiện văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật do Đại sứ quán Việt Nam ở Italy tổ chức

40 năm sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, đối với không chỉ máy móc, mà còn không ít người Italy nói riêng và châu Âu nói chung, vẫn nghĩ rằng cuộc chiến ấy vẫn tồn tại, rằng Việt Nam vẫn đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh.

Đã vài lần tôi được những người Italy hỏi, chiến tranh đã kết thúc chưa, miền Bắc bây giờ thế nào và miền Nam ra sao, làm thế nào mà tôi sang được đây, và Việt Nam bây giờ có nguy hiểm không? Một lần khác, một ông già người Áo đã hỏi tôi đến từ đâu. Tôi bảo: “Cháu đến từ Việt Nam”. Ông già hỏi lại, một cách rất nghiêm túc: “Ở đó đã có hòa bình chưa?”. Tôi giải thích cho ông rằng, chiến tranh đã kết thúc từ lâu và Việt Nam bây giờ đang trên con đường phát triển, làm bạn với thế giới và mong ông một ngày nào đó sang Việt Nam chơi. Ông cười hiền hậu, bảo một ngày, ông sẽ đến du lịch ở Việt Nam.

2. Mấy năm trước, hồi tôi công tác ở Nam Phi, một cậu trông rất trí thức cũng hỏi tôi đến từ đâu. Tôi trả lời, “Việt Nam”. Cậu ấy lắc lắc đầu, giơ tay làm hiệu bắn súng rồi nói: “Các cậu không tốt. Các cậu toàn sang đây để săn ngà voi và sừng tê giác. Vietnam no good”. Tôi trả lời lại, rằng không phải ai từ Việt Nam sang Nam Phi đều làm việc xấu ấy. Cậu cười, bảo rằng bây giờ khó mà có thể thay đổi được suy nghĩ đó trong nhiều người Nam Phi, sau rất nhiều vụ buôn lậu bị phát giác. Ở Nam Phi, Việt Nam không còn là một cuộc chiến nữa, mà đồng nghĩa với những đối tượng đang tiêu diệt những động vật được bảo tồn của họ. Vậy những người dân ở các nước khác, nơi người Việt gây ra nhiều chuyện không hay ho gì cho cuộc sống của họ, họ đã nghĩ gì về chúng ta?

Thực sự là tôi không rõ kiến thức về lịch sử của họ đến đâu, và liệu thế giới phẳng trong cơn bão công nghệ và thông tin hiện tại có bỏ sót họ không, nhưng đích thân nghe một ai đó - không ít - nói đến đất nước mình như một cuộc chiến - điều dường như đem đến cho họ những ấn tượng mạnh mẽ, như là định nghĩa về một đất nước, và không hề biết đến những điều tích cực bây giờ, không thể là một điều thích thú. Trong thời buổi công nghệ thông tin mà chỉ cần một cú nhấp chuột, người ta có thể biết mọi chuyện, cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng ở nước ngoài vẫn có rất nhiều người không biết đến chúng ta một cách đầy đủ, hoặc chỉ biết đến những điều tiêu cực. Hoặc họ vẫn nghĩ Việt Nam là một cuộc chiến, không phải là một đất nước. Lại có những người, như ở Nam Phi, chỉ nghĩ chúng ta đến nước họ để tàn phá môi trường (cụ thể là săn tê giác).

3. Điều gì đã xảy ra? Có thể họ không quan tâm đến chúng ta, không có nhu cầu biết nhiều về chúng ta hoặc bị thông tin sai lệch ảnh hưởng. Nhưng theo tôi, cũng có thể, chúng ta làm chưa đủ và chưa tốt về thông tin, và cả hành động thực tế, để họ hiểu hơn về chúng ta, đến với đất nước chúng ta.

Và như thế, những câu chuyện tương tự như: “Bạn đến từ Bắc, hay Nam Việt Nam”? Hay: “Vietnam no good” đến bao giờ mới thay đổi?.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm