Thư châu Âu: Đêm Giao thừa điên rồ ở Italy

31/12/2014 16:10 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,

Mấy năm sống và làm việc ở Italy, tôi đã hiểu ra một điều, rằng tại cái đất nước sợ nhất là sự im lặng và tẻ nhạt này, thì đêm Giao thừa đồng nghĩa với tiếng pháo. Người Italy có lẽ điên vì pháo loại nhất thế giới. Những ngày cuối tuần không phải Tết ở nhiều nơi trên đất nước này đã chộn rộn tiếng pháo ở khắp nơi. Bất chấp cảnh sát vòng trong vòng ngoài kiểm tra ở các sân vận động, pháo leo lên các khán đài và thỉnh thoảng nổ đùng trong những trận đấu lớn, thậm chí đã từng làm chết người trong một trận derby thủ đô cách đây 35 năm.

Nhưng đêm cuối năm ở Italy, nhất là ở Rome và Napoli cùng nhiều thành phố miền Nam nước này, đôi khi người ta ngỡ như mình đang ở Beyruth những năm 1980. Tiếng pháo khắp nơi, kéo dài cả tiếng đồng hồ trước và sau thời điểm đồng hồ chỉ năm mới đã tới, khiến Italy như trong một cuộc nội chiến. Pháo bán đầy trong các siêu thị, pháo lậu nhập từ Trung Quốc bị bắt hàng container trước những ngày cuối năm, pháo được đốt tràn lan ở khắp các khu phố. Italy không cấm đốt pháo, việc quy định đốt pháo hay không được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhưng hình như ở đây, chẳng có chính quyền nào ghét tiếng nổ đì đùng cả.

Thế nên, người Italy đã hơi sốc khi vào dịp cuối năm 2014, các hiệp hội bảo vệ động vật nước này đồng loạt lên tiếng đòi Chính phủ ra lệnh cấm đốt pháo. Họ phát động một chiến dịch thu thập chữ ký trên mạng để yêu cầu Chính phủ can thiệp nhằm cứu những chú thú cưng khỏi chết hoặc chạy mất vì pháo trong đêm cuối năm. Một con số thống kê chưa đầy đủ cho biết, mỗi năm, vào dịp Giao thừa, tiếng pháo là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra hơn 5 nghìn cái chết cho chó và mèo của người Italy. Đó là chưa kể đến hàng nghìn trường hợp các lực lượng cứu hộ phải ra tay khi nhận được điện thoại khẩn cấp từ những người chủ khốn khổ, thông báo thú cưng, nhất là mèo, đã leo tít lên cây và không chịu xuống, chỉ vì quá sợ pháo.

Những người bảo vệ động vật cho rằng, việc đốt các loại pháo, cả pháo nổ lẫn pháo sáng, cần phải được coi như một hình thức “ngược đãi” động vật. Đơn thỉnh cầu viết: “Một quả pháo có thể gây ra stress và khiến chúng bỏ chạy khỏi nhà do tiếng nổ quá lớn, có thể dẫn đến việc chúng trở thành nạn nhân của các vụ đâm xe trên đường”. Thỉnh cầu kết luận, thứ tiếng nổ truyền thống duy nhất mà những người yêu động vật muốn nghe trong đêm Giao thừa là tiếng các chai vang nổ khi bật nắp. Trong một thời gian ngắn, thỉnh cầu trên đã thu hút được hơn 10.000 chữ ký.

Thật khó có thể có một sự can thiệp nào đó của Chính phủ vào việc đốt pháo tại Italy, một khi, người ta vẫn coi tiếng pháo là một chuyện rất nhỏ, và bắt pháo lậu trốn thuế mới là chuyện lớn. Trong một đất nước khủng hoảng kinh tế và niềm tin nhiều năm qua, thì rõ ràng còn nhiều điều phải lo hơn việc mỗi dịp năm hết Tết đến, có gần 400 ca bị chấn thương do pháo (và thậm chí cả súng được mang ra bắn để tạo tiếng nổ). Giao thừa 2014 là lần đầu tiên kể từ năm 2010, ở Italy không có ai chết vì pháo. Tuy nhiên, vẫn có một người rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh chỉ vì bị một nút chai rượu vang nổ bắn trúng đầu trong một bữa tiệc gia đình ở Napoli!

Bạn tôi, một người Rome dặn, đi chơi Giao thừa, tốt nhất là đi ra giữa đường, kẻo lại vỡ đầu. Không phải vì tiếng nổ của pháo, mà vì những thứ khác. Ở nhiều nơi tại miền Nam Italy, người ta vẫn có phong tục ném đồ cũ ra cửa sổ vào đúng lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Thế mới có chuyện, ở Palermo, từng có người vô gia cư chết vì một cái tủ lạnh rơi trúng đầu giữa đêm vắng. Bây giờ, Italy đang chìm trong suy thoái, chẳng còn mấy người vứt đồ cũ xuống đường, nhất là khi người ta cũng đã cấm làm điều này, vì sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi đường.

Ông bạn có vẻ hơi lo xa quá. Dù sao, cẩn thận vẫn hơn. Nhưng vẫn nên để đầu trần đi trong đêm Giao thừa, dù rất lạnh. Tại sao? Bạn lại bảo, để nếu bỗng dưng có một... bãi phân chim rơi trúng đầu, thì nên nở nụ cười sung sướng. “Đấy là một dấu hiệu của Chúa. Cậu được Chúa phù hộ may mắn cho cả năm rồi đó”, bạn giải thích một cách rất nghiêm túc và chân thành. Thế thì tôi phải tin thôi. Chính người Ý đã bảo vậy mà...

Hẹn gặp lại quý anh chị ở những thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm