Thư EURO: Lạc đến vườn yêu

26/06/2016 09:24 GMT+7 | Euro 2020

(lienminhbng.org) - Paris còn được coi là “kinh đô của tình yêu”. Và chúng tôi quyết định đến hai địa chỉ mà chỉ cần nhắc thôi, hẳn rạo rực các cặp tình nhân: Khu vườn tình yêu, nơi có bức tường “I love you” nổi tiếng, và cây cầu tình bắc qua sông Seine.

Bức tường trên được đặt tại phía Bắc Paris, thuộc quảng trường Abbesses và khu Jehan Rictus, đồi Montmartre. Thật tiếc khi đến đây, trời đã xế bóng, khu vườn đã đóng cửa.

Dấu ấn người Việt

Nhưng trong cảnh huống này, cũng có cái hay. Đối diện “Vườn yêu” là bến tàu điện ngầm. Du khách, trong đó CĐV của Xứ Wales và Bắc Iceland kéo đến rất nhiều, trước khi vào sân cổ vũ cho hai đội nhà trận Tứ kết.

Tất cả đều bám tay vào bờ rào, dán mắt vào khu vườn, vào bức tường phủ kín 1.000 lần bởi hơn 300 ngôn ngữ khác nhau.

Chúng tôi lia máy quay và máy ảnh góc cận, căng mắt dò xem có dòng chữ nào do “quân ta” viết hay không. “Ek’s lief vir jou”, “Ti-amo”, “Eg elskar deg”…, lần lượt là tiếng Nam Phi, Ý và Na Uy… “A, đây rồi!”. Ngay trên cùng, góc trái, vị trí đẹp và bắt nhất, hiện lên dòng chữ Việt: Anh yêu em!

Ai nói dân ta sống lạc quan, chỉ số hạnh phúc cao, tâm hồn bay bổng, yêu và thể hiện tình yêu cũng mãnh liệt lắm, cũng đúng trong trường hợp này. Thực tế, những ngày sang Pháp, hầu như đi đến điểm lãng mạn nào, nơi nào thể hiện rõ nét thông điệp của tình yêu, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp người Việt.

“Anh yêu em”, dòng chữ Việt đứng đầu bảng, trên tất cả!

Cho nên không lạ gì khi trước vườn tình, bắt gặp một đôi tình nhân người Việt đang đắm say bên nhau. Cô gái ngồi lọt thỏm trong lòng người yêu như con mèo con. Thế nhưng, khi chúng tôi muốn phỏng vấn, nàng bẽn lẽn trốn sau gốc cây cổ thụ, còn chàng người Vinh, Nghệ An thì trêu: “Em ấy mà lên hình sợ mẹ đập (đánh) cho, vì không lo học hành, chỉ yêu đương”.

- Yêu mà phải sợ à, hỏi thật nhé, chú đã “chốt hạ” được cô bé chưa?

Chàng trai cười nói dối một câu khá dễ thương: chốt đâu mà dễ chốt thế anh!

Trở lại dòng chữ Anh yêu em vô cùng “hoành tráng”, đứng trên tất cả thiên hạ trên, chúng tôi cứ bật cười. Chàng trai ơi, không biết giờ này cô gái may mắn được đề tặng dòng chữ “đứng đầu bảng vàng” có trở thành vợ chồng, thực sự hạnh phúc? Tạc vào tấm bảng lịch sử được coi như tượng đài của tình yêu, không thể đùa!

Thương con chim hạc…

Rời Vườn yêu, chúng tôi đến cầu tình. Cuối tuần, thực sự là lễ hội của người dân Paris nên tìm chỗ gửi xe rất khó. Trên phố, quán xá người dân nhậu tưng bừng. Dưới bờ sông Seine, đủ giai tầng tụ hội kéo dài cả mấy km sông. Một khung cảnh náo nhiệt khó mà tưởng tượng, làm nhớ đến đoạn thư của E.Hemingway gửi cho bạn năm 1950, khi đến Paris: “Nếu bạn có may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân thì dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man”.

Cầu tình đây ư, các ổ khóa đã bị tháo gỡ hết, thành cầu đã được bịt kín bằng kính không ai có thể khóa được nữa. So với các cây cầu khác, cầu tình yêu nằm ở vị trí không đẹp lắm, ánh điện có vẻ mờ hơn. Người đến thưởng lãm cũng không phải là nhiều. Có ai đó bỏ lên lan can cầu một con chim hạc bằng giấy màu xanh biếc, đầu hướng về phía nhà thờ Đức Bà Paris. Cẩn thận hơn, chủ nhân còn dính băng con hạc giấy vào thành cầu. Những cánh hạc giấy biểu tượng của hy vọng, nhưng nhiều nước phương Đông cũng thể hiện nỗi niềm yêu đương bị cách trở. Con hạc này chủ nhân nó muốn bày tỏ tâm cảm gì đây mà nhìn thấy thương thương!

Nhiều ổ khóa đã được gắn vào cầu Pont de L’ Archevêché

Men theo bờ sông, bước chân vô tình đưa chúng tôi tới cầu Pont de L’ Archevêché, cạnh Nhà thờ Đức Bà Paris. Thật bất ngờ khi trên thành cầu, lủng lẳng mấy ổ khóa lấp lánh dưới ánh trăng. Thì ra, khi cầu tình dỡ khóa, du khách lại đến nơi này để thể hiện tình yêu một cách tự phát. Có lẽ với Paris, cây cầu nào cũng có giá trị tín ngưỡng trong việc trao gửi tình yêu lứa đôi.

Trong một xã hội ngày càng nhiều gánh nặng, nhu cầu thể hiện những hành động, lời yêu thương với nhau ngày càng ít đi. Thậm chí, chúng ta còn ngượng ngùng khi thốt lên những ngôn ngữ, cử chỉ “tan chảy” mà một thuở thanh xuân thường xuyên dành tặng.

Bức tường “I love you”, cầu tình và những ổ khóa, dù thời gian sẽ xóa nhòa những vết tích gửi trao, nhưng tình yêu thì bất diệt, luôn ngọt ngào như thỏi chocolate.

Vườn yêu không cần “đao to, búa lớn”

Đấy chỉ là một khu vườn nhỏ, quá nhỏ so với tên tuổi. Chúng tôi muốn tìm một khung cảnh lãng mạn, như hoa thơm cỏ lạ, nhưng không hề có. Chỉ mấy khóm hoa mộc mạc, không hiển hiện cụm hoa hồng nào. Thế đấy, làm du lịch quan trọng là ý tưởng, và ý tưởng đó có chạm được đến trái tim của nhiều người.

Bức tường này được tạo nên bởi 2 nghệ sĩ Frederic Baron và Claire Kito. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1992 khi nhạc sĩ Frederic Baron quyết định thu thập cụm từ “Anh yêu em” từ khách du lịch trên đường phố Paris, để ra đời cuốn sách “Le livre de je t’aime”. Dưới tài năng của nghệ sĩ thư pháp phương Đông - Claire Kito, 2 năm sau, bức tường “Anh yêu em - Em yêu anh” xuất hiện. Bức tường như nói hộ tiếng lòng của những người đã yêu, đang yêu và sắp yêu. Tất cả mọi người đều hiểu rằng, ngôn ngữ của tình yêu vô cùng kỳ lạ, hiếm khi cần một dịch giả. Trong một thế giới vẫn còn tràn ngập bạo lực và sự chi phối của các cá nhân riêng lẻ, bức tường giống như biên giới ngăn cách con người, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi chính đồng loại của mình.

Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm