08/03/2019 07:25 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Ngày 8/3 đã trở thành “ngày của phụ nữ” trên toàn thế giới, nhưng tôi muốn nói với cô những điều về ngày này ở chỗ chúng tôi.
Mấy ngày trước 8/3, một cô bạn của tôi bảo, ngày 8/3 mà đi đâu đó, sợ nhất là nhận những câu hỏi đại loại như: “Cậu được tặng quà gì?”,“Chồng cậu cho cậu đi ăn ở đâu?”, “Cơ quan cậu có tổ chức kỷ niệm ngày của chúng mình không?”…
Cô bạn chỉ là một trong số những người tôi đã gặp và nói chuyện, cảm thấy họ có chung một điểm: “ngày của phụ nữ” bỗng dưng trở thành một áp lực lớn, từ những tác động rõ ràng không như mong muốn. Nhiều người đang biến ngày này trở thành một lễ hội tặng quà, hoa, từ đó tạo ra sức ép cho cả người tặng lẫn người được tặng.
Người tặng, hầu hết là đàn ông, họ đau đầu tìm kiếm những món quà sao cho không trùng lặp với năm trước, trong khi vẫn tiếp tục thể hiện tình cảm của mình. Người được tặng đôi khi lại cảm thấy sức ép từ những so sánh rất “đàn bà” của những người cùng giới, về việc mình được tặng cái này, được làm cho cái kia nhân “ngày của mình”.
***
Sophia có biết không? Hướng đến ngày 8/3 năm nay, Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức Lễ phát động “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với nhiều nội dung thiết thực như: Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; An toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, trên môi trường mạng…
Thế nhưng, lâu nay, khá nhiều ngườitặng và được tặng quà thường không chú ý đến những những hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng giới. Thậm chí họ cũng không mấy quan tâm đến ý nghĩa thực sự của ngày này, nó ra đời thế nào, và mỗi năm, nhân ngày ấy, Liên hợp quốc đưa ra những chủ đề gì để phụ nữ cùng thực hiện và hướng tới sự tiến bộ.
Những người tặng và được tặng quà cũng không quan tâm đến việc thế giới kỷniệm ngày này không hẳn là để tôn vinh người phụ nữ, mà nhìn lại và đánh giá những thành tựu mà họ đã đạt được trong muôn mặt đời sống xã hội và cùng thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực.
Ở nhiều nước đang phát triển, người phụ nữ đấu tranh đòi quyền tiếp cận giáo dục, y tế và chống lại nạn tảo hôn. Ở các nước phát triển, chẳng hạn Mỹ, phong trào #MeToo lan rộng và thúc đẩy phụ nữ lên tiếng đấu tranh chống bạo lực và xâm hại tình dục.
Và trong cuộc chiến ấy, người phụ nữ đang ở đâu, có tham gia không, đã hài lòng với những gì đang có, hoặc không đủ dũng cảm để đứng lên chống lại những định kiến xã hội và hướng tới thay đổi tích cực?
***
Một cô bạn khác của tôi lại bảo rằng: “Chuyện thế giới xa lắm, em không quan tâm. Em chỉ nghĩ rằng ngày này được đẹp, được ca ngợi, được tặng quà, được nhận những lời có cánh là em vui rồi. Có phải lúc nào cũng được như 8/3 đâu?”.
Đấy, những người phụ nữ như cô bạn này khá nhiều trong xã hội chúng tôi Sophia ạ. Những ước mơ của họ cũng rất nhỏ nhoi và thậm chí đáng được thông cảm. Họ được sinh ra là phụ nữ, được những bà mẹ vẫn tư tưởng cũ dạy rằng đàn bà thông minh khó lấy được chồng, rồi đã lấy chồng thì phải biết chiều chồng, giữ chồng và làm vừa lòng “nhà nội”.
Họ cắn răng chịu đựng nhiều điều trong cuộc sống ấy. Và nhờ có mạng xã hội, ta hiểu thêm về những vấn đề mà bản thân họ không dám đối mặt, vì sợ điều tiếng, vì cảm thấy không được bảo vệ, vì những tư duy cũ kỹ kiểu “phụ nữ hơn nhau tấm chồng” và “công dung ngôn hạnh” trói buộc.
Tôi nghĩ rằng, ngoài việc tặng hoa và quà nhân ngày này, điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải có những hành động thiết thực để ủng hộ, đóng góp cho“Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Cần phải nhìn lại xem xã hội đã làm được những gì để phụ nữ tiến bộ và văn minh hơn hay chưa. Và chính người phụ nữ phải nhận thức được điều ấy.
Thân chào Sophia và hẹn cô thư sau.
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất