10/06/2021 06:45 GMT+7
(lienminhbng.org) - Đầu tuần qua, khi hào hứng dõi theo những đường bóng của Đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Indonesia, hẳn nhiều khán giả đã bỏ qua một thực tế: Đây là lần hiếm hoi chúng ta nếm trải cảm giác thức đêm cùng “gà nhà”.
Và như thống kê vui của các fan túc cầu sau trận đấu, lần này, tuyển Việt Nam đã lập kỷ lục về... đá muộn trong một giải đấu lớn, muộn hơn gần 1 tiếng so với trận gặp Yemen tại giải vô địch châu Á đầu năm 2019 từng đá lúc 23 giờ. Hệt như xem World Cup và EURO.
Chẳng sao. Với nhiều người, đó là đợt... tập dượt về thể lực và thói quen sinh hoạt, khi cơn sốt EURO 2020 sẽ bắt đầu vào rạng sáng ngày 12/6 tới.
Chuỗi ngày ấy sẽ diễn ra cùng nhịp với 2 trận đấu cuối cùng của Việt Nam ở vòng loại World Cup lần này. Cụ thể, ngày 11/6, chúng ta xem trận Việt Nam – Malaysia lúc gần 12 giờ đêm, để rồi 2 giờ sáng là trận Italy - Thổ Nhĩ Kỳ. Và tới 15/6, trận gặp UAE của đội tuyển sẽ diễn ra song song với thời điểm nhà đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha của Ronaldo gặp Hungary.
Với nhiều người, đó sẽ là những đêm trắng…
Việc lệch múi giờ so với các khu vực Mỹ Latin và châu Âu, khiến người Việt chẳng lạ gì chuyện thức đêm. Những trận đá lúc tối muộn còn đỡ, những trận diễn ra nửa đêm vẫn khiến mỗi người thường có chút lúng túng, nếu muốn thưởng thức một trận bóng, nhưng lại phải đảm bảo được lịch sinh hoạt và làm việc của mình.
Chẳng vậy mà danh hài Chí Trung – một fan bóng đá nổi tiếng – từng có lần nói đùa với người viết rằng, ở Việt Nam cái gì cũng khổ, và khổ ngay từ chuyện xem bóng đá. Bởi, chúng ta theo dõi World Cup, EURO hay cả Champion League đều gặp những giờ "ngược đời" – thời điểm mà mà thức đêm xem cũng dở, dậy sớm xem còn dở hơn.
Nhưng than cho vui, còn nếu lựa chọn, chắc chắn phần lớn khán giả Việt Nam đều hụt hẫng nếu giả sử những trận bóng vừa qua – và cả giải EURO sắp tới – lại phải hoãn tiếp vì dịch bệnh, như từng bị lo ngại.
Người Việt mê bóng đá thuộc hàng top trên thế giới, đó không chỉ là lời khẳng định của chúng ta, mà còn là nhận định của hàng loạt tờ báo lẫn trang tin quốc tế - điều mà bạn có thể kiểm chứng trên mạng internet bất cứ lúc nào. Đó không chỉ là câu chuyện về tính cách hay sở thích, mà có lẽ còn đến từ việc thú xem bóng đá đã đến với Việt Nam từ rất sớm và từng nhiều năm giữ vai trò “độc tôn” với cộng đồng qua sóng truyền hình - khi mà những môn thể thao hay sản phẩm giải trí khác đều chưa thể phát triển như hiện nay.
Còn bây giờ, bên cạnh việc hội nhập với thế giới chỉ qua một chiếc ti vi – điều mà chúng ta đã làm ngay từ thời bao cấp - người Việt còn được hưởng những cảm xúc đặc biệt khi dõi theo thành công của đội tuyển quốc gia trên đấu trường khu vực. Là bóng đá, nhưng đó cũng là những tín hiệu đã được trông chờ quá lâu của một đất nước đang có nhu cầu được khẳng định mình sau những thăng trầm.
***
Trong sự u ám mà bệnh dịch mang lại, chẳng có gì lạ khi chúng ta trông chờ niềm vui trái bóng tròn mang lại. Và xét cho cùng, chắc chắn, một trong những lý do để châu Âu quyết tâm tổ chức EURO 2021 - sau một năm lỡ hẹn – cũng đến từ những cảm xúc đặc biệt mà bóng đá có thể mang lại cho con người, khi Covid-19 đang phủ cái bóng lên khắp toàn cầu.
Hãy cứ tận hưởng chuỗi ngày hội bóng đá đang mở ra trước mắt – miễn là đừng bỏ qua khuyến cáo của Bộ Y tế về việc tránh tụ tập, tổ chức xem bóng đá đông người để phòng dịch. Cuộc vui còn dài, và thật ngớ ngẩn nếu chúng ta tự biến nó thành tai họa bởi sự khinh suất của chính mình.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất